Ngày xửa ngày xưa, có nhà nọ đã nghèo lại đông con. Bảy người con trai đã lớn mà chưa ai có vợ, ở riêng. Họ làm ăn cật lực, cũng không đủ ăn, chỉ vì thiếu đất phá rẫy làm nương. Bố mẹ họ thường ngồi than thở với nhau:
– Thế này thì phải bỏ làng đi nơi khác! Chúng nó lớn cả rồi, đứa nào cũng khỏe mạnh. Quý hồ tìm được đất lành thì chẳng đến nỗi nào! Ông cha ngày trước cũng thế thôi. Đất ở bạc với người thì người bỏ đất mà đi. Chẳng bì được với người khác. Họ giàu có, là nhờ ông bà tổ tiên họ đến đây trước, chỗ nào nhiều lúa nhiều ngô, họ chiếm hết rồi.
Bà mẹ thở dài:
– Biết đi đâu?
– Ngồi ở đây thì sao biết được! Cứ đi đã. Có đi, mới đến.
Bảy chàng trai thấy bố mẹ gì lo buồn như thế, bàn với nhau đi trước, gặp đất lành sẽ về đưa bố mẹ đến sau.
Lúc đầu, hai ông bà nói đã đi thì đi cả, nhưng về sau, mỗi đứa một lời cũng nghe ra, đành để các con đi trước.
Thế rồi, ngày nọ, bảy chàng trai lên đường đi tìm đất lành. Họ đi về phía mặt trời mọc, vượt qua những rừng thẳm núi cao, tìm những vùng đất bằng phẳng ở được nhiều người. Nhưng cũng chưa gặp chỗ nào ưng bụng. Anh thứ hai bàn:
– Hay là chia ra, mỗi người đi một hướng mà tìm?
Người anh cả nói:
– Khi bước chân ra đi, bố mẹ dặn đi dặn lại rằng anh em không được rời nhau. Rời nhau ra là chết. Chúng ta đi ròng rã cả mấy lần trăng tròn trăng khuyết, xa làng cũ lắm rồi! Nhỡ gặp chuyện gì phải có anh, có em. Còn một mình, xoay xở ra làm sao?
Họ lại tiếp tục đi, vượt qua nhiều đèo, nhiều suối, ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng đến một nơi đồi nối tiếp đồi, đất màu đỏ, cầm lên tay, tơi như bột, dễ bới, dễ trồng. Anh em bảo nhau:
– Đất lành đây rồi! Rộng lắm! Chúng ta về đưa bố mẹ lên, gọi cả những nhà nghèo như chúng ta cùng đến. Họ cũng như chúng ta, không ai muốn sống cảnh đói cơm rách áo. Nhưng phải xem xung quanh đây có làng bản nào không đã, dân cư ra làm sao. Họ theo đường mòn, tìm dấu chân người. Mãi gần tối mới đến nơi có nhiều nhà cửa. Không nhà nào đỏ đèn, cổng thì đóng kín. Cũng không nghe tiếng gà kêu chó sủa. Bốn bề im phăng phắc. Lẽ nào trời tối rồi mà người ta còn ở ngoài nương rẫy cả, chưa về sao? Họ đang đứng tần ngần, chưa biết nên như thế nào thì người em út nói:
– Đi trong rừng vắng không sợ bằng chỗ này. Chỗ này có nhà mà nhà nào cũng vắng tanh vắng ngắt. Chắc có tai nạn gì ghê lắm nên cả làng mới bỏ đi. Hay là anh em ta tìm làng khác vậy!
Người anh thứ ba nói:
– Đi đâu nữa cũng sáng mai. Bây giờ cứ vào ngôi nhà to lớn đằng ấy nghỉ lại đã.
Mấy người kia cũng nói:
– Phải đấy. Cứ vào, xem sao. Còn đoán thế này, đoán thế khác, thần hồn nát thần tính , chỉ làm mình sợ thôi! Anh em ta bảy người, có lẻ loi đâu! Cứ vào!
Và bảy chàng trai kéo nhau vào ngôi nhà to nhất làng. Không có ai cả. Bếp lạnh tanh, đủ biết nhiều ngày, không thổi nấu gì. Ai cũng đói bụng, họ sửa soạn thổi cơm. Người anh cả cắt đặt, bảo anh hai ra canh cổng, anh ba đứng ở sân, thấy động là báo ngay.
Bỗng một người con gái, tóc bỏ xõa, từ trong buồng lẳng lặng bước ra. Thấy người lạ, cô ta không sợ hãi mà có vẻ yên tâm hơn. Cô ta nói:
– Chết! Chết! Các anh đừng đỏ lửa lên! Chúng nó thấy khói, thấy lửa ở đâu là bay đến đó. Mà các anh là ai? Từ đâu đến?
Bấy giờ mấy anh em mới xúm lại quanh cô gái, hỏi dồn. Cô gái kể:
– Chúng nó là con kơ-na-kinh khổng lồ và bầy gơ-rứ hung ác. Đã bốn hôm nay, chúng nó đến làng tôi, thấy nơi nào có khói, có lửa là sà xuống bắt người. Mấy nhà ở đằng kia bị hốt sạch. Bố mẹ tôi cũng bị chúng hốt đi hôm qua. Tôi chui vào hầm, chúng không biết, nên thoát. Thế là cả làng, già trẻ trai gái kéo nhau vào rừng. Nhà nào có hầm mới có người ở nhà trông nhà, thấy động là chui vào hầm ngay. Không nhà nào dám đỏ lửa thổi cơm. Toàn ăn gạo rang, sắn khô.
– Thế, không có cách gì giết được chúng ư?
– Làng tôi thiếu gì người bắn cung, bắn nỏ giỏi, nhưng không ăn thua. Chúng đông lắm, gầm rú nghe run cả người. Chỉ giết được vài con. Còn con chim chúa to hơn cả chiếc thuyền, bắn không thủng. Mũi tên chạm vào thân nó là gãy đôi rơi xuống.
Bảy chàng trai nghe cô gái kể cũng chờn chợn . Họ ngồi im lặng, nghĩ cách giết con kơ-na-kinh và bầy gơ-rứ.
– Dùng nỏ, dùng cung không được thì dùng dao, dùng mác. Dử nó xuống gần rồi chém từng con.
– Thế nào? Nó lại gần mà mình yên à? Với lại con kơ-na-kinh, bắn không thủng, thì chém cũng không đứt!
– Không cách này thì cách khác, chẳng lẽ chịu chết hay sao?
Mọi người lại ngồi im lặng. Bỗng người anh cả bình tĩnh nói:
– Được rồi! Cứ thổi cơm ăn no đã. Chúng ta đóng cửa thật chặt. Trên mái nhà sẽ khoét bảy cái lỗ. Con nào thò đầu vào, chém con ấy. Còn con kơ-na-kinh bắn không thủng, chém không đứt, thì bẫy.
– Ừ nhỉ! Cứ thế mà làm! Đóng cửa thật chặt chúng ta ở trong không sợ. Thôi, người nào việc nấy.
Họ bắt đầu đóng cửa, khoét lỗ. Cô gái chưa biết mình nên làm gì, hỏi:
– Còn tôi?
Người anh cả nói.
– Cô tìm cho tôi sợi da trâu nhà dùng bắt voi, đem ra đây, tôi thắt cái lọng. Và cô vo gạo thổi cơm đi!
Nói rồi, bảy chàng trai ngồi mài dao thật sắc, khoét bảy cái lỗ trên mái nhà, sửa soạn thòng lọng . Cô gái đỏ lửa thổi cơm.
Họ vừa ăn xong, đặt bát xuống, đã nghe tiếng ầm ầm từ xa xen lẫn tiếng gào rú, tiếng cánh đập gió như bão nổi lên. Đàn chim dữ thấy khói bốc lên, bay tới. Chúng đã ở trên mái nhà, liệng qua liệng lại, tìm đường vào. Thế rồi cái đầu nào thò vào là cái đầu ấy rụng. Một chục… hai chục… ba chục… Con kơ-na-kinh gào lên, xô đẩy đàn gơ-rứ. Chẳng biết chúng nó bao nhiêu, nhưng về sau thưa dần, thỉnh thoảng mới có một cái đầu thò vào, chưa kịp ngó, đã lại rụng. Chết nhiều, chúng nản. Có tiếng vỗ cánh bay đi, tán loạn.
– Phải bắt cho được con kơ-na-kinh thì đàn gơ-rứ mới không dám trở lại! Đưa cái thòng lọng đây!
Người anh cả vừa nói, vừa khoét một cái lỗ to hơn, vừa cho nó thò đầu vào. Và ngồi chờ.
Quả nhiên, một lúc, con chim chúa sà xuống, thò đầu vào cái lỗ to nhất. Tức thì thòng lọng thắt lại. Người anh cả đu người vào sợi dây, vít xuống. Nó đập cánh sàn sạt, vùng vẫy, rung chuyển cả ngôi nhà như trong một cơn lốc. Bấy giờ thì nó không làm gì được nữa rồi! Những con gơ-rứ còn lại thấy chim chúa mắc nạn, hoảng sợ bay đi hết. Chờ cho đến khi thật yên tĩnh, người anh cả mới bảo ba người em ra ngoài, trèo lên mái nhà lấy dây thừng cột chặt chân và cánh nó lại, không cho cựa quậy, ba người kia thì ở trong giúp anh vít chặt cái thòng lọng xuống. Bây giờ nó đã nằm giữa sân, thở hồng hộc. Cô gái muốn giết ngay để trả thù cho cha mẹ và người làng bị nó bắt đi, nhưng người anh cả nói:
– Để tôi hỏi xem nó bắt người giấu ở đâu, hay là đã ăn thịt rồi. Này, con chim dữ kia! Người của chúng ta, ngươi đưa đi đâu? Họ đang yên ổn làm ăn, các người ở đâu đến, gay tai họa. Họ làm gì các ngươi? Nói đi?
Nó vẫn nằm thở, không nói.
– Ngươi không nói tức là muốn chết. Thôi cho ngươi chết! Sáu người cầm hai đầu dây thòng lọng kéo. Nó mới rên rỉ:
– Xin các ông để tôi nói. Người các ông, tôi đưa vào cái hang trong núi. Họ còn ở đấy cả.
Cô gái vội vàng hỏi:
– Hang nào? Có phải cái hang ở ngọn núi đằng kia không?
– Vâng.
– Thế thì tôi biết!
Ngay đêm ấy, họ giết con chim chúa, còn cô gái thì đốt đuốc đến từng nhà gọi những người trốn trong hầm ra, kể đầu đuôi câu chuyện, rồi kéo nhau vào núi, tìm người. Tờ mờ sáng hôm sau, thì những người bị bắt đi cũng như những người ở trong rừng về đông đủ. Họ hỏi tung tích bảy chàng trai, tôn họ là những anh hùng đã cứu dân làng tai qua nạn khỏi. Bố mẹ cô gái là người đứng đầu bản này, thay mặt dân bản cảm ơn bảy chàng trai. Có người thấy cô gái cùng lứa tuổi với người em út, nói là gả cho anh kết đôi làm vợ chồng thì khéo lắm. Bố mẹ cô gái vui mừng, nói:
– Được thế thì còn gì bằng! Không có các anh ấy thì vợ chồng chúng tối chết đói trong hang, mà con gái chúng tôi cũng không sống nổi. Công ơn các anh, đối với làng ta to lắm!
Bảy chàng trai tìm được đất lành, trở về đưa bố mẹ và bạn nghèo đến, rồi cùng nhau làm ăn vui vẻ, không bị đàn chim dữ nào đến cướp phá nữa.
Câu chuyện Bảy chàng trai – Truyện cổ tích dân tộc Ê-đê
Nguồn: Truyện đọc cấp I, tập 2, trang 47, NXB Giáo dục – 1987
– TheGioiCoTich.Vn –
[1] Quý hồ: miễn sao, chỉ cần.
[2] Thần hồn nát thần tính: (thành ngữ) tự mình làm cho mình hoảng sợ.
[3] Kơ-na-kinh: tiếng dân tộc, chỉ loài chim dữ to lớn như đại bàng.
[4] Gơ-rứ: tiếng dân tộc, chỉ loài chim dữ, nhỏ hơn kơ-na-kinh.
[5] Chờn chợn: hơi hoảng sợ.
[6] Thòng lọng: vòng dây buộc, khi giật mạnh một đầu thì đầu kia thắt chặt lại.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.