Khi đàn én bốn phương đã bay về, tin xuân vui đầm ấm tràn ngập cõi trần gian. Ánh triều dương sắc vàng rực rỡ, lần lần lan rộng, phá tan màu khói sương vẩn màu sửa đục của buổi bình minh. Ðôi hàng cây bên vệ đường đã trút sạch lớp áo vàng để thay vào những mầm non mập mạnh. Ngọn gió đông dịu mát đầy sinh khí, nhẹ nhàng thổi lướt trên đám cỏ xanh. Thành Thất La Phiệt vào buổi mai, âm thanh tràn ngập vẻ thanh hòa đáng mến.
Phút chốc vầng hồng đã lên cao.
Trên con đường lớn quanh co hướng dẫn vào thành, một đoàn Sa môn có hơn nghìn người, đi nối tiếp nhau như con rồng lượn khúc. Các Tăng sĩ, vị nào cũng có vẻ điềm tĩnh đoan trang, nhìn xuống lặng lẽ bước, dáng đi xem tự tại thoát trần. Dẫn đầu là một bực Tôn túc, thân xác vàng ánh, tướng tốt trang nghiêm, đi chậm rãi oai nghi như voi chúa. Sau đấng ấy một vị Tỳ kheo trẻ tuổi ôm bát theo hầu. Ðấy là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng thị giả A Nan và chư Tăng vào thành khất thực. Bấy giờ, những người có lòng tin ngôi Tam Bảo, muốn gieo trồng giống phước, đem thức ngon vật lạ cúng dường Phật và chúng Tăng. Lại có kẻ không dâng cúng, nhưng thấy dáng điệu trang nghiêm siêu thoát của đấng Ðiều Ngự và các Ðại Đức Tỳ kheo, cũng họp nhau đứng nơi cửa trông ra, hoặc đứng bên đường để nhìn ngắm.
Từ nơi cửa sổ trên lầu cao, nàng Ma Ðăng Dà một bậc tài sắc trong thành Thất La Phiệt, nghe tiếng động, khẽ vén bức màn thêu, đưa mặt nhìn xuống. Nhưng sống với hương tình vị ái của tuổi xuân, nàng làm sao nhận thức được sự giải thoát đức thanh cao nơi các nhà tu sĩ. Trông qua lớp áo hoại sắc của những vị Sa môn, nhìn lại y phục sa hoa lộng lẫy nơi thân mình, nàng tự thấy phong lưu sang trọng. Rồi kêu hãnh, nàng điểm trên môi một nụ cười. Nhưng bỗng ngạc nhiên, Ma Ðăng Dà chăm chú nhìn vị Tỳ kheo trẻ tuổi đứng hầu sau . Ôi! giữa trần gian này sao lại có trang nam nhân đẹp đến thế? Nàng tự nghĩ thầm nếu được cùng người này chung hưởng được trăm năm, dù phải nghèo nàn, khổ nhọc, ta cũng ưng lòng, không còn ước mong gì hơn nữa! Mắt vẫn nhìn, trí mãi suy nghĩ, Đức Phật và chư Tăng đi khuất từ lúc nào, nàng Ma Ðăng Dà còn ngồi ngơ ngẩn dường như không hay. Ðến chừng định thần lại, nhìn ra khoảng đường vắng vẻ, nàng buông một hơi thở dài, trên mặt lộ đầy vẻ bâng khuâng nhớ tiếc.
Không rõ A Nan xinh đẹp thế nào, mà Đức Phật không cho ông mặc áo trần vai, vì sợ hàng phụ nữ trông thấy động tình. Và Ngài Văn Thù Bồ Tát từng khen tặng ông rằng: “Mặt như vầng nguyệt sáng, mắt tợ cánh sen tươi”. Thế thì cô mỹ nữ kia yêu mến ông, điều ấy cũng không lấy chi làm lạ.
Nàng Ma Ðăng Dà từ khi trông thấy A Nan mối tình si dường như vấn vương khó dứt. Mỗi ngày, nàng thường lên lầu, trông ra cửa sổ, chờ chư Tăng đi khất thực, mong sao cho được thấy mặt người yêu. Sống trong tình khát ái khó tỏ nỗi lòng, Ma Ðăng Dà tâm thần ngơ ngẩn, quên ăn uống, biếng nói cười, gương mặt xinh tươi lần lần hóa ra tiều tụy. Thân mẫu nàng thấy con có những trạng thái bất thường như thế, sinh nghi đôi ba phen gạn hỏi. Không thể che giấu, nàng phải đem sự thật tỏ bày và van xin mẹ làm thế nào cho mình khỏi thất vọng. Nghe xong, mẹ nàng lộ vẻ ngậm ngùi bảo: “Con ơi! Ðiều con muốn khó thể thực hiện được. A Nan là người hầu cận thân tín của ông Cù Ðàm ông ấy và những Sa môn đệ tử của ông có nhiều phép thần thông kỳ diệu. Những bậc cao đức trong hàng lục sư còn phải nhường họ, thì mẹ đâu có tài gì làm thỏa nguyện cho con. Hơn nữa, A Nan là người thuộc dòng tôn quý, con của ông Hộc Phạn Vương, nếu không xuất gia, có lẽ y thay thế cho thái tử Tất Ðạt Ða là vua trong một nước, mẹ con ta là phận thấp đâu mong gì sánh được với người. Thôi con hãy xóa bỏ những ý nghĩ ấy và khuây khỏa nỗi sầu khổ để cho mẹ vui lòng. Mất A Nan này sẽ có A Nan khác, trong bốn phương thiên hạ lẽ không tìm được một người đẹp như thế hay sao?”. Nghe mẹ nói, tuy lặng yên không đáp, song nàng Ma Ðăng Dà thật trăm phần đau đớn. Trước kia, một tia hy vọng lập loè trong trí, nay hiểu qua mọi nổi khó khăn, nàng tự cảm thấy như rơi vào cõi âm u ghê sợ.
Tâm tư tràn ngập nổi buồn thương thất vọng, nàng thầm than: “Thôi, thế là hết! Ðời ta đã đến giai đoạn kết cuộc từ hôm nay”
Thế là bệnh của Ma Ðăng Dà mỗi ngày một nặng. Trong cơn mơ thấy A Nan đi đến, nàng vô cùng mừng rỡ, vội chạy đến choàng vai, nhưng vị Tỳ kheo trẻ tuổi nhẹ nhàng thoát khỏi tay nàng rồi biến mất; nàng cất tiếng khóc to lên thì vừa thức giấc Thân mẫu nàng thấy con khi mê khi tỉnh, thoạt khóc thoạt cười, lấy làm buồn rầu lo lắng, một mặt khuyên dỗ, một mặt chạy chữa đủ thứ thuốc thang, song vẫn không hiệu quả.
Một buổi sáng tà dương đang tiết trời dìu dịu, gió bên ngoài nhẹ thổi động bức rèm thêu đùa không khí trong mát vào phòng; cơn sốt như được giảm bớt, Ma Ðăng Dà lặng lẽ thức tỉnh. Nhìn lạy thân hình vỏ vàng gầy héo, lộ vẻ chua cay, nàng nhẹ nhếch một nụ cười. Nhưng vừa khi ấy nàng bỗng ngạc nhiên, vì nhận thấy hôm nay trong phòng trang hoàng rất sạch sẽ. Ðối diện nàng bức họa: “Vườn xuân dưới nắng mai” được treo lên với vẻ mỹ thuật. Và, chiếc lọ thủy tinh cắm đầy hoa tươi, ai đã đem đến đây để ngay ngắn giữa mặt bàn như tấm thảm màu xanh da tươi. Ðể ý trông qua khe cửa, Ma Ðăng Dà thấy mẹ đang ngồi tiếp chuyện với một vị đạo sĩ râu tóc bạc phơ, vầng trán sáng suốt, nét mặt trầm ngâm. Hai người nói gì nàng không nghe rõ, nhưng hình như xem mẹ nàng có vẻ chú trọng lắm, Ma Ðăng Dà chưa hiểu, còn đang nằm yên suy nghĩ, thì nghe có tiếng giày của mẹ đi nhẹ vào phòng. Nàng nhắm mắt giả vờ như không hay biết, tiếng giày đi lại bên giường chợt im bặt hồi lâu, thốt nhiên nàng cảm thấy bàn tay từ mẫu đặt lên trán mình và tiếp theo đấy, nối liền một giọng đều đều êm dịu: “Con ơi! Chớ nên buồn rầu! Con là lẽ sống duy nhất của mẹ; với lòng quý mến con, mẹ có thể hy sinh tất cả hạnh phúc trên đời. Vì thế vừa rồi mẹ có mời được một đạo sĩ danh tiếng, ông đã truyền cho mẹ bài mật ngữ “Ta Tì La Phạm Thiên chú”. Theo lời ông mật ngữ có năng lực mê hoặc người, dù người ấy đạo hạnh đã đến mức cao siêu. Nếu học thuộc thần chú này, con có thể thực hiện nguyện vọng của mình bằng cách mê hoặc A Nan, khiến cho y mất sức tự chủ và hoàn toàn bị sai sử tùy theo ý con muốn”. Máu nóng chảy rần rật trong huyết quản, Ma Ðăng Dà như cảm thấy có một nguồn sinh lực mầu nhiệm làm cho nàng mạnh mẽ hơn hồi chưa bệnh, sau khi nghe được mấy lời ấy; gương mặt tươi tỉnh hẳn lên, nàng nói với giọng run run vì sung sướng, cảm động: “Thật thế hở mẹ? Nếu vậy bệnh con sẽ lành và con không còn lo buồn gì nữa!”. Rồi nàng trỗi dậy gọn gàng như người vô sự.
Nửa tháng sau, khi sức khẻo gần bình phục, Ma Ðăng Dà đã thuộc làu làu bài mật ngữ. Nàng còn chờ một thời gian ngắn cho trong người thật mạnh sẽ thi hành ý nguyện, lòng chứa chan hy vọng, tin chắc thế nào mình cũng đắc thắng bằng hai lợi khí: nhan sắc và thần chú nhiệm mầu. Rồi, một buổi sớm mai, nàng trang sức rất đẹp, sắm sẵn những thức cúng dường để gợi ý trung nhân. Nhưng bóng ác càng cao, Ma Ðăng Dà càng nhìn trông mỏi mắt và cuối cùng phải thất vọng, vì đã quá ngọ mà vẫn vắng bóng hành khất của chư Tăng. Hoài công chờ đón như thế đến bốn năm hôm, hỏi ra nàng mới biết lúc này vào đầu mùa mưa, chư Tăng theo lệ thường mỗi năm phải ăn cư một chỗ trong vòng ba tháng. Nghe được tin ấy, nàng âu sầu khổ não, song cũng phải dằn lòng đợi dịp, không biết phải làm thế nào.
Lá tươi rồi héo, hoa nở rồi tàn, cảnh vật âm thầm biến chuyển mau lẹ theo cánh thời gian, thấm thoát đã đến ngày chư Tăng mãn hạ. Ðối với nàng Ma Ðăng Dà, ba tháng thật là mấy năm trường đằng đẳng! Nhưng việc sẽ đến tất phải đến, hôm nay nàng sẽ cảm thấy sống dậy một mùa xuân tươi đẹp mùa xuân ở cõi lòng. Từ sáng sớm, những thức cúng dường đã được sắp đặt đâu vào đấy. Công việc xong xuôi, Ma Ðăng Dà đến trước gương trang điểm, vừa đọc nhẩm mấy câu Phạm chú. Vẻ vui tươi đắc ý hiện rõ trên mặt nàng. Giai nhân lồng bóng trong gương, hai dáng xinh đẹp in nhau, phưởng phất như cành hoa Tịnh Ðế. Khi ánh nắng mai chiếu vào song cửa, trên con đường vào thành, hình dáng của đoàn Sa Môn đi khất thực lần lần lộ rõ và cũng lại gần, Ma Ðăng Dà vô cùng mừng rỡ, định thỉnh riêng ông A Nan đến trước nhà để tiện bề dùng huyển thuật. Nhưng lần này nàng rất ngạc nhiên, vì không thấy vị Tỳ kheo trẻ tuổi theo hầu Đức Phật. Thêm một điều lạ: chư Tăng cùng đi thẳng, không dừng lại từng nhà để thọ cúng như mọi khi. Ma Ðăng Dà để ý nhìn từng vị Sa Môn lần lượt đi qua, nhưng cũng không thấy người mình muốn gặp. Mỗi nỗi buồn vô tả xâm chiếm tâm nàng, khi vị Sa Môn cuối cùng vừa đi khuất. Nàng để rơi mình xuống ghế, hai tay bưng mặt, choáng váng cả tâm thần. Không biết ngồi như thế được bao lâu, khi ngước đầu lên, Ma Ðăng Dà chợt thấy từ xa tiến đến một hình dáng quen thuộc. Nàng mở to đôi mắt nhìn kỹ người ấy không ai đâu lạ, chính là vị Tỳ kheo trẻ tuổi mà nàng đã thương nhớ từ lâu. Lòng rạo rực, nỗi vui mừng không thể tưởng tượng, nàng vội vả đứng dậy đón chờ.
Tại sao lại có việc như thế?
Nguyên vào lúc các thầy Tỳ kheo mãn hạ, nhân ngày kỵ phụ vương Ba Tư Nặc sắm những thức ăn quí lạ, mời Phật và chư Tăng thọ trai trong hoàng cung. Đức Thế Tôn thân lãnh các vị Tỳ kheo thẳng đến cung vua để ứng cúng, nên không theo thường lệ đi từng nhà khất thực. Duy có ông A Nan trước đã chịu người mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng trai chung. Vì về trễ, ông đi giữa đường một mình. Nhớ lời Đức Phật đã quở Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp và Tu Bồ Ðề làm A La Hán tâm không quân bình, ông kính vâng lời dạy vô giá của đấng Ðiều Ngự, ôm bát theo thứ lớp ghé vào từng nhà, kính giữ phép hoá trai.
Khi A Nan đi đến, nàng Ma Ðăng Dà đem thức ăn ra cúng dường đồng thời gọi thầm tên vị Tỳ kheo trẻ tuổi và đọc mấy câu Phạm chú, đoạn nàng xây lưng trở vào nhà.
Tay chân bủn rủn, thần trí không định, A Nan cũng nối gót theo sau. Lúc hai người đã vào đến phòng, như cây héo gặp mùa xuân, Ma Ðăng Dà giở đủ trò khêu gợi quyết tâm làm nổi dậy ngọn sóng tình trong con người tịnh hạnh. Trong giờ phút nguy hiểm ấy; tuy bất lực, song cũng còn tỉnh trí, A Nan tha thiết tưởng nghĩ: “Hỡi Đức Từ Nghiêm! Nay con bị nạn, Ngài đành bỏ con sao?”.
Khi ấy Đức Như Lai thọ trai xong, đã về đến tịnh xá và đang ngồi thuyết pháp giữa vô số thính chúng. Ðấng Từ Nghiêm trí tuệ thần thông nghe thấy ông A Nan mắc nạn, liền từ nơi nhục kế trên đảnh, phóng ánh sáng trăm thứ báu rất tự tại nhiệm mầu. Trong ánh sáng có vô số hóa Phật, mỗi vị đều ngồi trên toà sen nghìn cánh, đồng thời nói ra thần chú bí mật. Đức Như Lai khiến Ngài Văn Thù phụng trì chú ấy, đến dẹp trừ tà chú đem ông A Nan về. Ngài Văn Thù vâng lời đến, phóng áng sáng nói lại thần chú bí mật. Bấy giờ ông A Nan tâm trí sáng suốt, như cá đã thoát khỏi lướt, vụt chạy ra ngoài. Chưa được thỏa nguyện, bỗng mất người yêu, Ma Ðăng Dà cũng chạy theo A Nan tâm trạng như người cuồng dại. Khi ba người đã đến Tịnh xá, lòng si ái quá nặng, Ma Ðăng Dà sầu khổ bạch với Phật: “Xin Ngài trả ông A Nan lại cho tôi”. Đức Phật mĩm cười, dùng phương tiện bảo: “A Nan là kẻ xuất gia, nàng là thế tục, hình thức và đời sống của đôi bên đều khác, thế thì làm sao gần gũi nhau được? Nếu nàng chịu cạo tóc, mặc áo cà sa, ta sẽ giao A Nan lại cho”. Trước tiên, Ma Ðăng Dà còn dùng dằng, nhưng bị ái tình làm mù quáng, đã thương trót phải liều, nàng nghĩ thầm: “Nếu Phật không giữ lời hứa, ta sẽ nắm áo Ngài và ông A Nan”.
Nghĩ như thế nàng liền ưng thuận, sau khi đã thành hình thức xuất gia, Ma Ðăng Dà lập lại yêu cầu khi trước, Đức Phật không đáp hỏi lại:
– Nàng thương A Nan vì chỗ nào?
– Tôi thương đôi mắt xinh đẹp của ông.
– Mắt của A Nan chỉ là hai khối thịt hôi, trong ấy chứa những nước mắt, ghèn dơ, có chỗ nào tinh sạch đặng cho nàng mến?
– Tôi thương cái mũi ông A Nan.
– Mũi của ông ấy có những chất nhớp bên trong và thường chảy ra thứ nước không sạch, nàng chẳng nên ưa thích.
– Tôi thương cái miệng ông A Nan.
– Miệng của A Nan có những nước miếng, đờm, dãi, nếu ông ấy không năng súc rửa, nơi đó sẽ đóng cáu bợn và tiết ra mùi hôi. Thế thì không đáng cho nàng yêu chuộng.
Sau khi đánh tan những chỗ ái chấp của Ma Ðăng Dà, Đức Phật lại vì nàng giải thích, chỉ rõ thân người không sạch, mong manh chóng suy tàn, là nguyên nhân của sự đau buồn trong hiện tại và vô lượng nỗi khổ về sau.
Nghe lời chánh chơn hợp lý của Đức Phật, như người trong bóng tối chợt bắt gặp ánh sáng, Ma Ðăng Dà đứng lặng suy nghĩ. Trước kia nàng lầm tưởng ái tình là vườn hoa tươi đẹp, đầy màu sắc rực rỡ, hương vị thơm tho, nơi ấy hẳn hứa hẹn cho thế gian một diễm phúc tuyệt trần. Nhưng hôm nay nhìn sâu vào thực tế, nàng mới biết nó là một mũi gai độc ẩn núp dưới lớp lá xanh; một sợi dây vô hình lôi kéo người vào ngục tối đau khổ, Tỉnh Giấc Mơ Hoa, nàng quan sát những lý: bất tịnh, khổ không, vô thường, vô ngã của Đức Phật vừa khai thị, liền chứng được quả A Na Hàm. Vừa mừng rỡ vừa tủi thẹn, nàng cúi xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin trọn đời làm đệ tử và phát nguyện sẽ dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi vòng hoa mộng, vào bản thể an vui trong sạch
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.