Quán Thế Âm hay còn gọi tắt là Quan Âm (do chữ thế trong tên của vua Lý Thế Dân đời nhà Đường, người ta kị nói tên vua nên bỏ chữ Thế) là một vị quan trọng trong hệ thống Phật giáo Đại thừa, Ngài tượng trưng cho lòng từ bi. Danh xưng đầy đủ là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài được nhắc đến trong khá nhiều Kinh điển Phật giáo như: Đại Bi Tâm Đà La Ni, A Di Đà kinh, Diệu Pháp Liên Hoa kinh Phổ Môn phẩm, Vô Lượng Thọ kinh,… Tương truyền, Ngài ngụ tại Phổ Đà Sơn ở miền Đông Trung Quốc trong quan niệm Trung Hoa. Còn ở Việt Nam, người ta tin rằng động Hương Tích – Hà Tây là nơi Quan Âm thành đạo. Trong hang động Đôn Hoàng ở Trung Quốc, người ta vẫn thấy các bức họa Quan Âm trong hình tượng nam giới có từ thế kỉ thứ 10. Về sau, dần dần xuất hiện hình ảnh Quán Thế Âm ở thân nữ nhân mặc bạch y, tay cầm giỏ tre, viên ngọc, ngọc như ý, bát tràng, hoa sen hoặc dương liễu và bình nước cam lộ.
Lý giải hình tượng Quan Âm nữ giới:
Do một thời gian dài tồn tại ở Trung Hoa, Phật giáo và Lão giáo hòa trộn, đặc tính từ bi cứu khổ của Quan Âm khiến người ta liên tưởng đến một vị nữ thần gần gũi, luôn cận kề theo dõi từ đó mà xuất hiện hình ảnh Quan Âm nữ. Ở Việt Nam, do sự tồn tại lâu đời của ảnh hưởng đến Phật giáo tạo nên nguồn cảm hứng về hình ảnh của mẹ hiền Quán Âm. Ngoài ra, do sự ảnh hưởng từ thuyết sắc – không của Mật tông, các vị Phật không còn quan trọng về việc giới tính nữa vì dù nam hay nữ thì cũng là không cho nên mỗi vị Phật đều có hai hình tượng nam và nữ, do Quan Âm được thờ phụng lâu dài đến ngày nay và trở nên phổ biến hơn cả.
Một truyền thuyết liên quan đến việc Quán Thế Âm có thân nữ rằng trước đó Ngài là một hoàng tử khôi ngô tuấn tú và từng có mối tình đẹp với một cô công chúa. Sau đó, hoàng tử giác ngộ chân lý từ bỏ cung vàng điện ngọc để xuất gia tu hành. Lúc Ngài đắc quả thì công chúa đến tìm đòi nối lại duyên xưa, Quan Âm một lòng hướng Phật khiến nàng tuyệt vọng nên tìm cách tự kết liễu. Biết chuyện Ngài đến tìm nàng, công chúa bảo rằng tình yêu của cô là chân thành nhất, dù chàng có là ai thì tấm lòng này vẫn không thay đổi. Sau đó, Quan Âm bảo nàng hãy nhìn Ngài lần cuối rồi hóa thành hình dáng phụ nữ, công chúa vỡ mộng nhận ra nghĩa lý vô thường nên cúi đầu xá lạy, Ngài bay lên trời và đến Phổ Đà Sơn tiếp tục tu hành.
Hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm:
Theo kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, lúc Quán Thế Âm Bồ Tát lĩnh hội được chú Đại Bi, Ngài đã phát nguyện nếu thực tâm và thấu hiểu chú này, đem tâm đại bi đã học được mà cứu độ chúng sinh thì cho thân này mọc ra ngàn tay ngàn mắt. Ngay lập tức đại nguyện thành sự thật, từ trong thân Ngài mọc ra một ngàn cánh tay và trong mỗi bàn tay có một con mắt để nhìn thấy và cứu vớt những khổ ải của chúng sinh.
Ở một câu chuyện khác kể rằng, ở các nước chư hầu của Trung Hoa có một nước nọ, vị vua nước này có ba cô con gái. Công chúa út tên Miêu Sơn không giống hai chị, thay vì ham mê cuộc sống vương giả thì lại một lòng kính Phật có chí tu hành. Chiều theo ý con, vua ngỏ ý xây chùa nguy nga lộng lẫy cho nàng nhưng công chúa chỉ xin cho lên núi tìm minh sư cầu đạo. Nhiều năm trôi qua, quốc vương ngày càng già yếu và lâm bệnh, tất cả ngự y đều chịu thua. Một lão tăng xin vào gặp ông và chỉ bảo rằng để chữa bệnh ông cần đôi mắt và đôi tay của một người nhưng phải bằng sự tự nguyện. Lão tăng chỉ bảo rằng hãy đến Hương Sơn, nơi đó sẽ có người dâng tặng mắt và tay. Vua sai sứ giả đi đến Hương Sơn, đến nơi lại có người dẫn đường giúp sứ giả đến đúng địa điểm, trong động là một nữ nhân đang thuyết pháp giảng kinh. Cô gái tự động móc mắt, chặt tay đưa cho sứ giả. Tay mắt đem vừa đến kinh thành thì vị sư già trở lại chỉ dẫn vua cách bào chế thuốc. Thật ra, cả vị lão tăng, người dẫn đường và cô gái đều là công chúa đắc đạo có thần thông hóa thành. Vua thật lòng cảm kích cô gái trẻ nên đích thân đến cảm tạ, đến nơi thì thấy công chúa Miêu Sơn mắt mù tay cụt vẫn an nhiên thuyết pháp. Quốc vương bật khóc, Miêu Sơn khuyên ông rằng đó là lòng hiếu thảo phải làm, chuyện cũ hãy bỏ qua, vua về cung hãy cố gắng đừng gieo tạo điều ác, gieo trồng nhiều thiện nghiệp, nhớ thọ trì Phật pháp. Vừa nói xong từ thân phát ra hào quang sáng rực, ngàn mắt ngàn tay từ đó hiện ra, mặc y phục thanh thoát, ngự trên tòa kim liên nói chú Bát nhã, xưng là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.