Cách thành Vương Xá không xa có một gia đình ông mệnh danh là keo kiệt. Bởi vì, mặc dầu ông sở hữu tài sản kho đụn chất đống, gia súc ruộng vườn mênh mông bát ngát, ông không bao giờ sử dụng của ấy cho vợ con hay cho chính mình, nói gì đến người thiên hạ.
Một buổi sáng, sau khi có việc đến cung vua trở về, ông keo kiệt trông thấy một người ăn xin đang gặm một miếng bánh tiêu giữa đường (thứ bánh làm bằng bột mì trộn đường bỏ vào dầu sôi phồng lên làm thành một cái bánh rỗng ruột). Ông thèm quá định bụng về bảo vợ làm như vậy. Nhưng về đến nhà, ông suy nghĩ: “Nếu ta nói cho bà ấy biết ta thèm bánh tiêu bà ấy sẽ làm cho cả nhà cùng ăn, thì sẽ tốn kém quá nhiều bột, đường, mè, dầu mỡ, và các thứ khác. Chi bằng lặng thinh tốt hơn”. Nghĩ như vậy ông keo kiệt lặng lẽ vào phòng, leo lên giường nằm thở dài sườn sượt, chiến đấu với cơn thèm, nhưng sợ hao tốn ông không dám thố lộ cùng ai nỗi thèm khác ấy.
Bà vợ thấy chồng buồn bã, đến bên hỏi han:
– Sao ông buồn rầu như vậy? Có chuyện gì không?
– Không có gì đâu, bà ạ. Vua có rầy rà gì ông chăng?
– Không có.
– Các con trai, con gái, dâu,rễ, cháu chắt, người ăn, kẻ làm , tôi tới trong nhà, có đứa nào làm ông phật lòng hay không?
– Tuyệt đối không có chuyện ấy. Vậy thì, ông đang ao ước một điều gì?
Ông keo kiệt nghe vợ nói vậy, càng sợ tốn hao của cải, nên nhất quyết không hở môi, vẫn nằm bất động mà thở dài. Bà vợ năn nỉ:
– Này, ông hãy nói đi, ông muốn cái gì thì bảo?
Ông Trưởng giả nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi mới thở dài não ruột mà bảo: Phải tôi thèm một chuyện.
– Thèm chi, ông nói ra thử tôi nghe.
– Tôi thèm ăn một cái bánh tiêu.
– Trời đất quỷ thần ơi! Bộ mình nghèo lắm sao? Tạo sao ông không bảo tôi ngay? Thứ bánh đó làm dễ ợt. Tôi có thể làm ngay một mớ bánh tiêu, cho dân chúng cả thành phố này ăn..
– Này, nhưng tại sao bà nghĩ điên rồ như vậy? Dân chúng ai làm nấy ăn, mắc gì tới bà?
– Vậy thì, tôi có thể làm bánh cho hết thảy người ở con đường này ăn.
– Cái đầu của bà làm sao vậy hả? Tại sao lại cứ nghĩ chuyện ngoài đường?
– Vậy, tôi có thể làm bánh cho cả nhà ăn.
– Bà điên mất rồi. Bà có biết nhà ta đông đến mấy trăm mấy ngàn miệng ăn không?
– Vậy, tội sẽ làm bánh cho ông, tôi, và các con chúng ta ăn.
– Tại sao bà phải bận tâm với chúng nó?
– Vậy, tôi sẽ làm bánh cho ông và tôi ăn thôi.
– Nhưng còn bà, bà ăn bánh tiêu làm gì đã chứ?
– Vậy, tôi làm bánh cho một mình ông ăn thôi.
– Bà nói vậy nghe mới được. Nhưng ở trong cái nhà này, chúng ta làm gì cũng nhiều người trông thấy. Vậy bà hãy đem bột, đường, dầu, mè và các thứ soong chảo, lò bê đi lên tuốt trên tầng lầu thứ 7, ở chót vót trên cao ấy, chúng ta mới làm bánh được, khỏi bị ai nhòm ngó.
– Ðược rồi.
Bà vợ soạn tất cả dụng cụ và vật dụng làm bánh, lễ mễ bưng lên từng lầu chót. Ông Trưởng giả xách xâu chìa khóa đi theo, khóa hết các lối đi lên. Sau khi đến tầng lầu cuối, khóa cửa xong, ông mới bắt đầu bảo vợ khuấy bột chiên bánh.
Lúc ấy, tại Kỳ Viên Tịnh xá, Đức Ðạo sư bảo Tôn giả Mục Kiền Liên:
– Này Mục Liên, trong thành phố kia, có ông Trưởng giả keo kiệt đang ngồi trên tầng lầu chót mà chiên bánh vì sợi mọi người thấy. Vậy ông hãy vận thần thông mà đến đó, đem tất cả người và bánh lại cho ta. Trưa nay ta và chúng Tỳ kheo sẽ độ ngọ bằng bánh ấy và cải hóa Trưởng giả keo kiệt.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời vận thần thông đi đến chỗ trưởng giả Ngài hiện hình đắp y chỉnh tề đứng giữa hư không, ngay trước cửa sổ. Ông keo kiệt nhìn ra giật mình tự nhủ: “Chính vì sợ gặp những người như vậy mà ta mới leo tận đây, thế mà Sa môn này cũng lò dò tới được, lại đứng ngay trước cửa sổ! Rồi ông tức giận nói lớn:
– Này Tỳ kheo kia, muốn gì mà đứng như trời trồng ở đó? Dù ngươi có đi tới đi lui cho mỏi cả chân, cho thành một con đường mòn giữa hư không, ngươi cũng không được gì đâu.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.