Ông Nguyễn Chất

Cách đây hơn một trăm năm mươi năm, vùng Cần Giuộc (Long An) đã có xóm làng đông đúc nhưng xung quanh toàn rừng rậm. Bấy giờ ông Nguyễn Chất thưa với cha mẹ:

– Con muốn xuất gia đầu , chẳng hay cha mẹ định liệu ra sao?

Cha mẹ ông đáp:

– Người đi tu cần có chí, có nghị lực tinh thần, chẳng bao giờ để ý đến sự đau khổ của thân xác. Nếu quả thực con mộ đạo thì con hãy lấy tay cầm một cục than lửa cho cha đốt thuốc.

Ông Nguyễn Chất lặng lẽ vào bếp, bốc cục than lửa mang ra. Lửa cháy phỏng da nhưng sắc mặt ông vẫn không mảy may lộ vẻ đau đớn.

Hiểu được chí nguyện của con, cha mẹ vui lòng cho phép Nguyễn Chất theo thầy đến tu tại chùa Vinh Quang, lấy pháp danh là Viên Ngộ, khách thập phương gọi ông là Tăng Ngộ.

Ông Tăng Ngộ chỉ ăn mỗi ngày một buổi ngọ phạn 1 mà thôi. Xung quanh chùa, bấy giờ cây cỏ sầm uất. Ông kêu gọi thiện nam tín nữ đến làm công quả, khai phá rừng hoang, đắp đường sá, khiến việc giao thông, mua bán trong vùng ngày càng tiện lợi. Đích thân ông Tăng Ngộ cũng đứng đầu chặt cây, ruồng gai. Đôi khi gặp cọp, ông dửng dưng làm công việc, cọp phải cúi đầu, chẳng bao giờ dám quấy rối thiện nam tín nữ.

Về sau ông Tăng Ngộ đến làng Thanh Ba, cất chùa Lan Nhược, đúc tượng . Khi đúc tượng lần đầu, phía sau lưng tượng có khuyết một chỗ.

Ông Tăng Ngộ nghĩ thầm:

– Chắc là đức Địa Tạng muốn thử lòng ta.

Rồi ông bày lễ đúc tượng một lần thứ nhì. Khi nồi nấu đồng đang sôi, ông Tăng Ngộ bèn chặt đứt một ngón tay của mình và thảy vào. Sau đó, khi đồng đã nguội, pho tượng hoàn thành tốt đẹp, không khuyết như lần trước.

Vài năm sau, cha ruột của ông mang bệnh, ông đến trước Phật đài xin trường tọa ngồi suốt ngày để báo hiếu. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng xảy ra bệnh trái giống. Ông Tăng Ngộ cầu xin đức Địa Tạng phù hộ dân làng rồi nguyện tịch cốc, không ăn bữa cơm nào.

Hai mươi sáu năm sau, năm 1846, ông Tăng Ngộ nghĩ rằng mình đã tu quá lâu mà chưa thành chánh quả, nên nguyện tuyệt thủy (nhịn uống nước). Bốn mươi chín ngày sau ông mất. Dân làng xây tháp kỷ niệm ông. Ngôi chùa mà ông xây cất ngày xưa, nay hãy còn ở Thanh Ba (Cần Giuộc) và khu vực do ông điều khiển khai hoang mãi đến nay dân chúng còn gọi là Giồng Ông Ngộ. Ông Ngộ tức là ông Tăng Ngộ, tên thật là Nguyễn Chất trong truyện vừa kể trên.


Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.

Leave a Comment