Trong một thung lũng thơ mộng ở trên đảo Chéos, một hòn đảo nằm ở phía nam quần đảo Cyclades trên biển Égée, có một con hươu rất xinh đẹp. Đó là tặng vật không rõ của ai hiến dâng cho một tiên nữ Nymphe. Sừng con vật óng ánh vàng, cổ đeo một chuỗi ngọc xanh biếc, tai đeo những hạt kim cương muôn sắc muôn màu. Những người trần thế đoản mệnh sống ở thung lũng này biết rõ đây là một báu vật của nàng Nymphe cho nên không ai dám xúc phạm đến con vật đó. Vì thế con vật sống quanh quẩn với người mà không hề sợ hãi. Nó thường đi tha thẩn la cà hết nhà này đến nhà khác, sà vào lòng các thiếu nữ và nằm ngoan ngoãn để cho các thiếu nữ vuốt ve bộ lông mượt mà trên lưng nó. Với các chàng trai thì con vật lại làm nũng một cách khác, nó vươn chiếc cổ dài của nó ra, dụi dụi đầu, áp má bên này áp má bên kia của mình vào người các chàng, liếm vào tay các chàng. Chẳng ai là người nỡ hắt hủi con vật hiền lành và đáng yêu đó. Ai ai cũng yêu mến và thích ôm ấp vui chơi với con vật, một con vật đem lại sự dịu dàng trong sáng cho đời sống. Trong số những người yêu quý con hươu có chàng Cyparissos. Chàng là con trai của vua Chéos và là người bạn thân thiết của vị thần Thiện xạ có cây cung bạc . Thật khó mà nói được chàng trai này yêu quý con hươu đến mức nào. Chỉ biết chàng kết bạn với nó thân thiết hơn cả mọi người, chăm sóc nó hơn tất cả mọi người và đi chơi với nó, gắn bó với nó hơn tất cả mọi người. Chàng lấy những bông hoa rừng đẹp đẽ kết vào đôi sừng nhiều nhánh của nó. Chàng thường cùng với nó đi dạo chơi bên những dòng suối róc rách. Chàng trở thành một người bạn tâm tình của con hươu xinh đẹp. Đến nỗi chỉ nghe thấy tiếng chàng nói, chỉ ngửi thấy hơi chàng là con vật đã xán lại bên chàng.
Vào một buổi trưa hè nóng nực, con hươu yêu quý tạm xa người bạn vào rừng, chui vào nằm trong một bụi cây để tránh cái nắng như thiêu như đốt. Còn Cyparissos, hôm đó đi săn từ sáng sớm, và chẳng may chàng đi tới chỗ con hươu nằm. Vì lá cây che lấp cho nên chàng không biết con vật yêu quý của mình đang tránh né nắng hè ở trong bụi cây. Chàng chỉ thấy loang thoáng trong bụi cây có một con vật, và chàng vui mừng chắc mẩm đã gặp được con mồi ngon. Lập tức một ngọn lao phóng vào bụi cây. Ngọn lao rung lên cùng với tiếng kêu đau đớn, run rẩy của con vật. Cyparissos chạy tới… ôi thôi, con hươu thân thiết yêu quý của chàng nằm đó, máu trào ra lênh láng trên mặt đất. Con hươu giương đôi mắt buồn bã, yếu ớt lên nhìn chàng như oán trách. Cyparissos vô cùng đau xót và hối hận trước hành động lầm lỡ không thể ngờ tới được đó. Nỗi đau xót và hối hận của chàng sâu sắc đến nỗi chàng không thiết sống nữa. Chàng cầu xin Apollon cho chàng được chết theo người bạn thân thiết. Thần Apollon hiện ra an ủi chàng, khuyên chàng nên quên đi nỗi buồn, nhưng Cyparissos không sao quên được cái chết oan nghiệt mà chàng đã gây ra cho con hươu, người bạn thân thiết của chàng. Chàng khẩn khoản xin vị thần Xạ thủ có cây cung bạc hãy ban cho chàng một nỗi tiếc thương, đau xót, ai oán vĩnh viễn trong cõi chết để chàng đền đáp lại được lỗi lầm của mình. Thần Apollon cuối cùng chấp nhận lời cầu xin của chàng. Thần biến chàng thành một thứ cây mà lá nó quanh năm xanh tốt ngọn cây cao vút như hình tháp nhọn chọc thẳng lên trời. Thần buồn rầu nhìn cây Cyparissos nói:
– Hỡi chàng trai xinh đẹp vô cùng yêu quý và thân thiết của ta! Suốt đời ta không nguôi được nỗi nhớ thương, đau xót của ta đối với ngươi. Còn ngươi, ngươi cũng sẽ suốt đời buồn bã, xót xa cho người khác, bất cứ một con người nào vì số mệnh bất hạnh phải từ giã cuộc sống tươi vui, tràn ngập ánh nắng rực rỡ này. Ngươi sẽ nuôi giữ mãi nỗi phiền muộn ưu tư.
Từ đó trở đi, những người dân Hy Lạp mỗi khi trong nhà có người qua đời đều lấy một cành cây cyparissos treo trước cửa nhà. Người ta còn đem cành cây này trang hoàng cho giàn lửa hỏa táng và trồng cây này ở bên các nấm mồ, nghĩa địa. Đó chính là cây trắc bá (le cyprès) mà quanh năm ngày tháng, suất bốn mùa xuân hạ thu đông, lúc nào cũng xanh tươi như nỗi buồn của chàng Cyparissos lúc nào cũng nguyên vẹn chẳng hề bị thời gian làm phai nhạt. Vì lẽ đó cây trắc bá tượng trưng cho nỗi nhớ tiếc không nguôi, chuyện tang ma.
Nhưng ngày nay, cây trắc bá không còn giữ nguyên ý nghĩa tượng trưng cho nỗi nhớ tiếc khôn nguôi và chuyện tang ma như cũ nữa. Vì cây trắc bá lúc nào cũng xanh tươi cho nên nó tượng trưng cho sự vĩnh cửu, tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững. Mở rộng nghĩa, vì cây trắc bá không cho quả cho nên nó tượng trưng cho sự nghèo túng nhưng vì suốt bốn mùa lúc nào nó cũng xanh tươi cho nên nó cũng tượng trưng cho một con người tự do, không bị phụ thuộc, một con người có bản lĩnh. Do những biến đổi như thế cho nên chúng ta thấy người ta trồng cây trắc bá ở công viên, ở các dinh thự, cung văn hóa… Cây trắc bá trở thành một loại cây cảnh dùng để trang trí vì một lẽ đơn giản: nó có hình dáng thanh thoát, đẹp đẽ, và màu xanh thẫm của nó cũng rất đẹp.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.