Dạo ấy, trên những vùng nương rẫy của người Catu khai phá, có một con thành tinh tên gọi Cơ Lang Bơ Tư thường rình mò bắt hiếp đàn bà con gái. Dân làng rất sợ con chim yêu quái ấy, nên hễ mặt trời tắt là họ đóng cửa cài then đề phòng chim ác bay đến. Xóm làng vì vậy mà trở nên buồn tẻ, vắng hẳn tiếng hát, tiếng cười.
Năm ấy, khi lúa ngoài rẫy đã trổ bông, hai vợ chồng A Dư và người em là A Tang lo không có người canh rẫy thì hươu, nai, heo, khỉ sẽ đến phá hết. A Dư đành để con gái là Cơ Len Trung ở nhà cho A Tang trông nom, rồi hai vợ chồng lên núi canh rẫy. Khi họ ra đi, A Tang dặn:
– Có ngủ thì ngủ khe sâu, đừng ngủ núi cao mà Cơ Lang Bơ Tư bắt mất chị.
Vốn cậy sức khỏe của mình, lại cho vợ mình già rồi chim ác chẳng bắt làm gì, A Dư bỏ ngoài tai lời khuyên của em.
Đêm ấy, hai vợ chồng A Dư ngủ trên chòi cao giữa rẫy. A Dư nằm xuống là ngủ ngay, còn vợ ông, bà Bơ Dung Cơ Len, lo sợ nên không tài nào nhắm mắt được. Nửa đêm Bơ Dung Cơn Len nghe tiếng gió rít trên nóc chòi, vội đánh thức chồng dậy. Nhưng A Dư nói:
– Không sợ, nó có dụ, tôi cũng có dụ (Dụ: một loại vũ khí giống như cái lao), anh em nó có ná, tôi cũng có ná.
Nói rồi, ông lại ngủ.
Thấy A Dư không đề phòng lại đang ngủ say, Cơ Lang Bơ Tư liền sà ngay xuống chòi, dùng chân cắp bà Bơ Dung Cơ Len và đặt Bơ Dít Đóc là vợ nó bên cạnh A Dư, rồi tung cánh bay vào đêm tối mịt mùng.
Khi A Dư tỉnh dậy, trời đã sáng. Ông kéo miếng vỏ sui làm chăn ra để đánh thức vợ dậy, nhưng chỉ thấy một mụ đàn bà người đen, mặt xanh nằm đó. Biết ngay là Cơ Lang Bơ Tư đã đánh tráo mất vợ mình rồi. Bừng bừng tức giận, A Dư rút dụ phóng một mũi vào ngực con yêu tinh. Giết xong con yêu, A Dư ba chân bốn cẳng chạy một mạch về làng. Con gái là Cơ Len Trung chạy ra hỏi:
– Mẹ con đâu?
– Cơ Lang Bơ Tư bắt mất rồi!
Nghe vậy, Cơ Len Trung thương mẹ khóc rống lên. A Tang trách anh:
– Tại anh không nghe em nói nên mới xảy ra cơ sự này. Bây giờ, anh ở nhà với cháu để em đi tìm chị cho.
A Tang ra đi đem theo một ống sáo. Đến mỏm núi cao thứ nhất, A Tang rút sáo ra thổi:
Vợ anh tôi ở núi nào?
Chị dâu tôi ở núi nào?
Không có tiếng chị dâu trả lời mà chỉ có tiếng cây rừng đáp lại. A Tang lại đi. Đến ngọn núi thứ hai, thứ ba… vẫn chỉ có tiếng cây rừng đáp lại.
A Tang đi mãi, thổi mãi, sức đã kiệt mà vẫn không thấy tăm hơi chị dâu đâu. Nhưng vẫn không nản lòng, chàng lê từng bước trong rừng quyết tìm cho được chị dâu.
Đến ngày thứ mười, A Tang thấy trên đỉnh một ngọn núi cao có một cây cổ thụ cao tít tắp. Thoáng thấy bóng người trên ngọn cây, A Tang cố sức dồn hơi thổi sáo thăm dò:
Có phải chị dâu
Thì quăng cườm xuống!
Từ trên ngọn cây, nghe tiếng sáo em chồng, Bơ Dung Cơ Len vội quăng chuỗi cườm bằng ốc xuống.
A Tang nhặt chuỗi cườm bỏ vào túi, đánh dấu phương hướng cẩn thận rồi quay về làng tìm cách cứu chị.
Nghe tin A Tang đã về, người làng kéo đến rất đông hỏi thăm. Khi biết rõ Bơ Dung Cơ Len còn sống, họ bàn cách cứu bà.
Một ông già nói:
– Tất cả đàn ông mang dao phóng dụ giết chết Cơ Lang Bơ Tư để cứu Bơ Dung Cơ Len!
A Tang bảo:
– Cây cao lắm không thể phóng tới đâu.
Ông già khác bàn:
– Vậy ta bắc thang?
A Tang bảo:
– Trăm thang cũng không bắc tới.
Bàn lui, bàn tới mãi, vẫn không ai tìm được cách gì để cứu Bơ Dung Cơ Len cả.
A Dư buồn bã nói với dân làng:
– Ai cứu được Bơ Dung Cơ Len, nếu là con trai chưa vợ thì dù là con ta cũng gả Cơ Len Trung cho. Nếu là ông già thì cho Cơ Len Trung làm dâu, nếu đã có vợ có con thì cho làm em gái út.
Trong làng có Đươm Tơ Rít mồ côi cha mẹ, bị mọi người khinh rẻ, hôm ấy cũng đến nhà A Dư nghe dân làng bàn. Anh có ý định đi cứu Bơ Dung Cơ Len nhưng không dám nói vì sợ dân làng. Khi nghe A Dư nói như vậy, Đươm Tơ Rít liền đứng dậy nói:
– Tôi có cách cứu được Bơ Dung Cơ Len.
Trai làng có kẻ ghét anh bèn dèm pha:
– Không cho mày đi cứu, mày là đứa mồ côi, là thằng hèn hạ!
Một ông già nhất làng nghe vậy liền bảo:
– Việc đi cứu Bơ Dung Cơ Len là việc cần, ta không nên phân biệt người này kẻ kia. Nếu Đươm Tơ Rít có cách gì cứu được Bơ Dung Cơ Len thì cứ nói cho dân làng nghe.
– Tôi sẽ đóng đinh vào cây và mặc quần áo giống như diều hâu để đánh lừa nó.
Mấy ông già khác cũng tấm tắc khen:
– Kế của Đơm Tơ Rít hay lắm!
Hôm sau, A Tang dẫn dân làng lên núi cứu Bơ Dung Cơ Len. Họ vót đinh gỗ đóng làm bậc thang để trèo, nhưng đinh gỗ đóng không chắc, nên trèo lên lại tụt xuống. Trai làng cũng thi nhau đóng đinh để trèo nhưng không một ai trèo được quá mười bậc.
Ngày thứ nhất trôi qua, không ai cứu được người bị nạn. Rạng ngày thứ hai, các ông già bảo:
– Hôm nay để Đươm Tơ Rít trèo!
Đươm Tơ Rít có sức khỏe phi thường. Anh chỉ mang theo một ống sáo, một cào sắt và ba chiếc đinh to làm bằng gốc tre đực để đi cứu Bơ Dung Cơ Len. Đến cây to, một tay anh giữa đinh, một tay anh làm vồ đóng. Cứ leo lên bậc trên, anh lại nhổ đinh ở bậc dưới đóng tiếp. Cứ thế đến trưa đã leo lên đến nửa thân cây.
Lúc ấy ở trên ngọn cây, Cơ Lang Bơ Tư vẫn còn ngủ, Bơ Dung Cơ Len thì ngồi bắt rận cho nó. Nghe tiếng đinh đóng “cốc, cốc”, Cơ Lang Bơ Tư mở mắt hỏi:
– Tiếng gì lốc cốc thế?
– Chim gõ kiến mổ kiến đấy.
Cứ thế, đến chiều, Đươm Tơ Rít đã lên đến ngọn cây. Tơ Rít thấy một tổ chim to bằng gian nhà khuất trong đám lá rậm. Từ trong tổ chim, mùi thịt thối xông ra nồng nặc, Cơ Lang Bơ Tư tỉnh dậy vừa lúc Đươm Tơ Rít đang bám vào một chạc cây leo vào tổ, hắn trừng mắt hỏi:
– Gươm sắc, giáo dài chừng nào mà mày dám lên đây?
– Tôi lên thăm chị và anh đấy.
Cơ Lang Bơ Tư quay lại hỏi Bơ Dung Cơ Len người mới đến là ai, bà trả lời:
– Em ruột tôi đấy.
Cơ Lang Bơ Tư vội nhỏm dậy:
– Thế à, cậu em vào đây tôi xem mặt nào!
Đươm Tơ Rít vội vàng khoác chiếc áo lá vào người, ngậm sáo vào miệng làm mỏ, đeo chùm rễ si dưới cổ làm râu, tay phải cầm chiếc cào sắt nhọn làm móng rồi đi vào.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.