Thuở Phật Ca Diếp còn tại thế, Ngài có một tăng đoàn gồm 20.000 tỳ kheo đã diệt tận các lậu hoặc. Mỗi khi du hóa một nơi nào, tất cả chúng Tỳ kheo ấy đều theo Phật Ca Diếp, cũng như 1250 Tỳ kheo thường đi cùng với Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta.
Một hôm, Phật Ca Diếp và Tăng chúng của Ngài đi đến thành Ba La Nại, dân chúng đua nhau đến đảnh lễ cúng dường và nghe Ngài thuyếp pháp. Sau khi thọ thực xong, Phật nói lời tùy hỷ công đức như sau: “Này các cư sĩ, trong thế gian có bốn hạng người. Thế nào là bốn? Một là những người tự mình làm phước bố thí, nhưng không khuyến khích kẻ khác làm. Hạng người này, trong tương lai được giàu có nhưng không được nhiều người theo. Hai là những người khuyên kẻ khác bố thí, nhưng tự mình không bố thí. Hạng nggười này đời sau có phước báo được đông người theo, nhưng không có của cải. Ba là những người tự mình không bố thí cũng không khuyên người bố thí. Hạng người này đời sau không có của cải cũng không có người theo, phải sống cô độc, ăn cơm thừa của kẻ khác. Bốn là hạng người vừa tự bố thí, vừa khuyên người bố thí, hạng người này trong tương lai sẽ được cả hai phước báo: giàu có và đông người theo”.
Khi nghe như thế, có một người khởi lên ý nghĩ: “Ta cố làm sao để được hai phước ấy”. Rồi vị ấy đến đảnh lễ Phật, bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, xin Ngài đến thọ thực làng con vào ngày mai, để chúng con được phước cúng dường.
Phật Ca Diếp hỏi lại:
– Ngươi muốn cúng dường bao nhiêu vị Tỳ kheo?
– Bạch Thế Tôn, Tăng chúng của Ngài gồm bao nhiêu?
– Hai mươi ngàn.
– Bạch Thế Tôn, ngày mai xin Ngài đem theo tất cả Tỳ kheo ấy.
Đức Phật nhận lời. Người kia cầm một mảnh bối diệp (xưa dùng lá cây khô để viết chưa có giấy) trở về làng, rồi đi từng nhà khuyên sửa soạn cúng dường Phật và chúng Tăng tùy khả năng của mỗi gia đình. Có nhà tình nguyện cúng dường 500 vị, nhà 200 vị, nhà 100 vị, nhà 50 vị v. v. . . Người kia đều ghi dấu vào lá bối để hôm sau thỉnh đúng số Tỳ kheo đến từng nhà. Trong làng, có một gia đình rất nghèo đến nỗi ông chủ được mệnh danh là “ông Chúa Nghèo”. Người kia cũng không quên ghé vào nhà Chúa Nghèo để tạo phước cho ông ta. Khi Chúa Nghèo nghe người kia muốn mình cúng dường chúng Tỳ kheo thì giật bắn người lên:
– Ối bạn ơi! Bạn coi nhà cửa tôi đây, đến một chỗ ngồi cũng không có, làm sao tôi cúng dường gì được? Tôi có đồng xu nào đâu? Hãy đến những nhà cao cửa lớn kia!
– Này bạn, không phải chính vì vậy bạn mới nên nhân cơ hội này mà gieo giống phước sao? Vì sao bạn phải nghèo? Phải chăng bạn chưa từng giúp ai một chút gì cả.
Chúa Nghèo ngẫm có lý bèn ưng thuận:
– Ðược. Vậy thì xin bạn ghi cho tôi cúng dường một vị tỳ kheo. Người kia bằng lòng nhưng không ghi vào lá vì y nghĩ rằng một vị thì ít quá, chẳng cần ghi làm gì. Y từ giã, tiếp tục đi phổ khuyến.
Chúa nghèo gọi vợ ra, cho hay ý định cúng dường một vị Tỳ kheo của mình, và đề nghị với vợ cùng đi làm mướn để đủ tiền sắm sửa các thứ. Người vợ bằng lòng ngay và cả hai cùng đi đến một nhà phú hộ. Nhà này sẳn lòng mướn hai vợ chồng làm việc một buổi chiều hôm ấy để chuẩn bị cho việc cúng dường hôm sau. Họ mướn Chúa Nghèo giã gạo, còn bà vợ thì gánh nước. Hai vợ chồng làm việc rất hăng hái, nét hân hoan lộ hẳn trên gương mặt, đến nỗi chủ nhà hỏi nguyên do. Khi được biết họ làm mướn để có tiền mua thực phẩm cúng dường một vị Tỳ kheo, phú ông cảm khái, trả công gấp bội. Với số tiền nhận được họ mua ít gạo thơm hảo hạng, trái cây quí và ít đồ vặt vãnh để nấu nướng.
Sáng hôm sau, Chúa Nghèo dậy sớm đi hái rau bên bờ sông về cho vợ làm thức ăn. Một người đánh cá hỏi:
– Chúa Nghèo hái rau làm gì sớm thế?
– Tôi hái rau để cúng dường một vị Tỳ kheo.
– Thế à! Vị nào ăn rau của Chúa Nghèo cúng dường chắc là hên lắm đó. Này, làm hộ tôi việc này được chăng? Ðây tôi có mấy xâu cá đỏ, Chúa Nghèo đi bán dùm. Tôi bận coi lưới. Mỗi xâu hai đồng.
– Ðược.
– Chúa Nghèo xách cá đi bán một chốc đã hết, vì nhà nào cũng đang cần thức ăn để cúng dường. Khi trở về giao tiền cho chủ, Chúa Nghèo từ giã:
– Thôi tôi đi đây, sắp tới giờ cúng dường rồi.
– Này Chúa Nghèo, tặng Chúa Nghèo xâu cá đỏ đây, về mà nấu.
– Cảm ơn lắm.
Chúa Nghèo sung sướng xách cá và rau đem về cho vợ. Khi ấy, từ trong tịnh xá của Ngài, Phật Ca Diếp đã biết được một người nghèo đang thành tâm sửa soạn cúng dường một vị Tỳ kheo. Ngài cũng biết được rằng tất cả chúng Tỳ kheo đã được sắp đặt vào từng nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường một số Tỳ kheo. Duy chỉ có nhà Chúa Nghèo chỉ cúng có một vị, người phổ khuyến quên ghi vào lá, do đó mà y đã không chừa một người nào cho Chúa Nghèo.”Vậy chỉ còn ta để cho Chúa Nghèo gieo ruộng phước”. Phật nghĩ thế, và Ngài lấy làm hoan hỷ, vì Phật vốn thương những kẻ nghèo cùng. Vừa khi Ngài có ý định như vậy, thì vua trời cảm thấy chiếc ngai vàng đang ngồi rung mạnh, “Có chuyện gì thế?” Vua trời ngẫm nghĩ, và biết chính tấm lòng thành khẩn của Chúa Nghèo ở dưới thế đã làm chấn động đến chư thiên. “Ta phải giúp Chúa Nghèo một tay để sửa soạn món ăn cúng dường Phật”. Đế Thích cùng với vợ rời thiên cung bay xuống, hóa làm hai vợ chồng nghèo đang đi tìm việc làm. Ðến gần nhà Chúa Nghèo, Đế Thích hỏi:
– Nhà có việc gì làm không? Cho chúng tôi làm với.
– Ông lão ơi! Chúng tôi có nhiều việc làm lắm, nhưng thú thật là chúng tôi không có tiền để trả công ông lão.
– Bạn làm gì thế?
– Chúng tôi làm thức ăn cúng dường vị Tỳ kheo.
– Ồ, việc phước ấy thì tôi cũng muốn hùn. Tôi không cần trả công đâu.
– Tốt lắm. Vậy lão hãy gíup chúng tôi. Xin vâng.
Rồi hai vợ chồng Đế Thích bước vào nhà, Đế Thích bảo:
– Bây giờ, để chúng tôi làm thức ăn cho. Bạn hãy đi thỉnh vị Tỳ kheo của bạn đi.
Chúa Nghèo đi đến vị phổ khuyến hôm qua. Y bảo:
– Ồ bạn! Tôi quên bẵng. Không còn vị Tỳ kheo nào cho bạn thỉnh vì tất cả đều nhận lời các nhà khác rồi.
Không thể nào tả nỗi tuyệt vọng lớn lao của Chúa Nghèo lúc ấy. Chúa Nghèo đấm ngực, lăn ra mà khóc.
-Trời đất ơi! Bạn hại tôi rồi! Suốt hai hôm nay, chúng tôi làm việc tối mắt tắt đèn để chờ đợi bữa trưa nay cúng dường một vị Tỳ kheo! Vậy mà bây giờ bạn bảo không còn vị nào! Bạn phải cho tôi một vị Tỳ kheo! Không thì tôi chết mất. Hu hu.
Quần chúng bu lại xem đông. Người kia bối rối năn nỉ:
– Này Chúa Nghèo, xin Chúa Nghèo đừng làm t ội tôi nữa. Tôi lỡ đi mà. Chúa Nghèo tha cho tôi đi.
– Không biết! Phải cho tôi một v ị Tỳ kheo! Hu hu, hu hu.
Túng quá, người kia đánh bạo đề nghị:
– Thôi chúa Nghèo hãy đứng dậy, tôi bày cho một cách này. Ðấng Ðạo sư chưa nhận lời của ai, vì rất đông vua chúa đại thần đều muốn thỉnh Ngài. Vậy bạn hãy đến thỉnh Ngài đi. Ngài rất thương những người nghèo chắc Ngày sẽ nhận lời bạn đấy. Ngài đang ngồi trong tịnh xá nói pháp cho các bậc thượng khách nghe.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.