Cái chết của Thésée

Trong khi Thésée bị ngồi trong Chiếc ghế Lãng quên thì hai người anh ruột của nàng Hélène là Pollux và Castor đi tìm em khắp mọi nơi mọi chỗ. Đến đây ta phải dừng lại một chút để kể qua về lai lịch Castor, Hélène và Pollux (Pollux là tên theo thần thoại La Mã mà ngày nay đã quen dùng, còn tên Hy Lạp là Polydeuces) con của Zeus và Léda, nhưng Léda không phải chỉ sinh con với Zeus. Nàng còn sinh với người chồng trần thế của mình, Tyndare hai người con nữa: một trai tên là Castor và một gái tên Clytemnestre. Vì là con của Zeus nên Pollux bất tử còn Castor thì không. Một nguồn thần thoại khác theo các nhà nghiên cứu cho biết thuộc về một thời kỳ cổ hơn kể lại, cả hai anh em này đều là con của Zeus và đều bất tử, thường gọi chung bằng một cái tên là Dioscures.

Castor và Pollux đi hỏi khắp nơi hết người này đến người khác, cuối cùng họ được người anh hùng Académos chỉ cho biết nơi Thésée giam giữ Hélène. Anh em Dioscures liền kéo quân lên vây đánh thành Athènes, Athènes không chống cự nổi. Quân Sparte tràn vào giải thoát cho Hélène và bắt Éthra, mẹ của Thésée, làm tù binh. Họ trao quyền cai quản thành Athènes và vùng đồng bằng Attique cho Ménesthée, con trai của Pétéos, là người đã bị trục xuất khỏi Athènes.

Từ thế giới âm phủ trở về, Thésée không ngờ được vương triều và gia đình mình đã tan nát đến thế. Chàng buồn rầu đi sang đảo Eubée với hy vọng xin lại nhà vua Lycomède cơ nghiệp của mình ở đây, nhưng vua Lycomède (vốn quê ở đảo Skyros) không muốn trả lại cơ nghiệp cho chàng. Trong một cuộc dạo chơi, Lycomède đã dụ Thésée lên núi rồi bất ngờ đẩy chàng xuống vực. Thế là kết thúc số phận người anh hùng vĩ đại nhất của đất Attique thiêng liêng. Mãi khá lâu sau này, con trai của Thésée là Démophon mới khôi phục lại được quyền thế ở Athènes, khi đó, theo người xưa nói, Ménesthée đã chết lâu rồi. Cuộc Chiến tranh Troie xảy ra, những người con trai của Thésée tham dự trong quân Hy Lạp. Khi thành Troie bị hạ, họ tìm được bà nội của họ là Éthra bị Paris bắt ở Sparte đưa về Troie làm nô lệ.

Chiến công của Thésée không phải chỉ có thế. Chàng còn tham dự vào nhiều cuộc đua tài thử sức cùng với các danh tướng Hy Lạp, trong đó có cuộc săn con lợn rừng Calydon, cuộc viễn chinh sang phương Đông của những người Argonautes để đoạt , việc hiến kế cho nhà vua Adraste để lấy thi hài những anh hùng tử trận ở Thèbes… Chàng còn tiếp đón người anh hùng Oedipe với tấm lòng nhân hậu, khoan dung khi Oedipe tự trục xuất mình khỏi thành Thèbes. Có chuyện kể, Thésée không bị Lycomède ám hại mà chàng lâm bệnh qua đời ở đảo Eubée. Đối với người Hy Lạp xưa kia, Thésée được coi là người anh hùng đã sáng lập ra nhà nước Athènes. Hài cốt của chàng, theo lời phán truyền của thần thánh cầu xin được ở Delphes, phải bằng mọi cách đưa về Athènes. Nhân dân Athènes đã xây dựng cho người anh hùng vĩ đại của mình một ngôi mộ và một đền thờ to lớn (thế kỷ V TCN). Người ta còn đặt ra ngày Hội Thésée. Theo các nhà nghiên cứu, cái tên “Thésée” lúc đầu chỉ có thể là một trong những biệt danh có tính chất địa phương của thần Poséidon, vị thần bảo hộ cho những người Ionie, sau đó mới trở thành tên của một vị anh hùng với diện mạo riêng và có sự nghiệp độc lập. Dấu vết của mối liên hệ với Poséidon còn lưu giữ lại trong sự trùng hợp của hai ngày lễ thờ cúng Thésée và Poséidon: ngày thứ tám mỗi tháng.

Trong thời cổ đại, Thésée được coi là một nhân vật lịch sử. Nhà văn Plutarque (quãng 46-125) trong tác phẩm Tiểu sử song song [188] viết tiểu sử Thésée ở chương đầu. Ông cho chúng ta biết Thésée là người chế định ra hội Panathénées, đặt ra luật pháp, các đơn vị, các tổ chức hành chính, các quy chế hành chính cho vùng đồng bằng Attique. Hơn thế nữa, Thésée còn là người đặt ra tiền tệ, các sinh hoạt văn hóa tôn giáo…
Lại nói về người anh hùng Académos đã có công chỉ cho anh em Dioscures biết nơi giam giữ Hélène. Académos chết đi được chôn sau bức tường thành Athènes. Quanh phần mộ của chàng là một khu rừng nhỏ thiêng liêng mà người Hy Lạp xưa kia để tưởng nhớ Académos đã đặt tên là Académie. Trong thế kỷ IV TCN, nhà triết học Platon thường đến giảng giải cho các môn đệ của mình ở khu rừng này, từ đó trường học ông mở và dạy mang tên là Académie. Sau này danh từ Académie chuyển nghĩa và như ngày nay chúng ta đều biết, đó là tổ chức cao nhất, là đầu não, là bộ tham mưu, là nơi tập trung những trí tuệ kiệt xuất nhất của một quốc gia: Viện Hàn lâm Khoa học.
Nói về tích Hélène sinh ra từ một quả trứng. Vì tích này cho nên trong tiếng Latinh có thành ngữ Abovo nghĩa là “từ quả trứng” với một ý nghĩa rộng hơn, chỉ một cội nguồn sâu xa của sự việc, nguyên nhân đầu tiên, nguyên thủy của sự việc. Thành ngữ Latinh này cũng như nhiều thành ngữ Latinh khác đã trở thành tài sản chung của nền văn hóa nhân loại và ngày nay người ta vẫn sử dụng nguyên văn tiếng Latinh như thế trong khi diễn đạt ý kiến của mình [189].
[188] Vies parallèles, còn được dịch là Tiểu sử đối chiếu; sau này nhà bác học người Pháp Jacques Amyot (1513-1593) dịch và đổi tên là Cuộc đời các danh nhân.
[189] Thí dụ: Post-scriptum viết tắt P.S. nghĩa là: tái bút, ghi thêm (ở bên dưới trang viết sau khi viết xong); Sic nghĩa là: như vậy, thế đấy (với ý nhấn mạnh); Idem viết tắt Id nghĩa là: như trên; Confer viết tắt Cf nghĩa là: xem ở, tra cứu ở.


Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.

Leave a Comment