Truyền thuyết cây hoa đào ngày tết Nguyên Đán

Núi Đào Đô còn gọi là núi Độ Sóc, có cây đào to lớn uốn khúc cả ngàn dặm. Ở hướng Đông bắc chính là Quỷ Môn quan. Canh giữ Quỷ Môn quan là hai vị thần có tên là Thần Trà và Uất Lũy. Hai vị thần này đều là những cao thủ bắt quỷ hàng yêu. Hàng ngày, họ đi khắp nơi để kiểm tra các loài quỷ, khi thấy ác quỷ tác oai tác quái hại người thì họ dùng dây lau trói chúng lại, bắt lên núi cho ăn thịt. Vì thế bọn hung thần ác quỷ đều sợ hai vị thần này. Vào thời Hoàng Đế, người dân treo trước cửa hai miếng gỗ đào, trên đó vẽ hình hai vị Thần Trà và Uất Lũy để trừ tà ma, ác quỷ. Đây chính là nguồn gốc của phong tục treo câu đối tết và hình tượng hai vị môn thần ở trước cửa khi đón năm mới, được lưu truyền từ mấy ngàn năm nay ở nhiều nước ở châu Á.

Người đời sau lấy thay gỗ viết lên những chữ câu chúc tốt lành và trừ khử tai họa, thay thế cho hình tượng của Thần Trà và Uất Lũy, nhưng ý nghĩa cũng giống như vẽ bùa để giữ bình an và xua đuổi vận xấu. Vì vậy câu đối tết còn gọi là “đào phù”, là do có nguồn gốc như thế.

Người cổ đại rất sùng bái cây đào, cho nên trong dân gian, kiếm làm bằng gỗ đào, gậy đào, , lá cây đào đều xem là bảo bối để trừ tà.

Có truyền thuyết cho rằng ở nơi tiên cảnh, cây đào tiên phải trải qua ba ngàn năm mới có quả, nên trở thành báu vật, ai ăn vào sẽ được trường sinh bất tử. thường bày yến đào tiên ở Dao Trì để cùng chư tiên thưởng lãm. Đông Phương Sóc đã từng ba lần hái trộm đào tiên đem về cho vua Hán Vũ Đế để tăng cường tuổi thọ.

Má đào phai hết bởi xuân qua
Nếu lại đâm thì liền luống hoa
Yến sở Dao Trì đà có hẹn
Chớ cho Phương Sóc đến lân la.
Phương Sóc lân la, đã hở cơ
Ba phen trộm được há tình cờ
Có ai ướm hỏi Tây Vương Mẫu
Tin khá tin thì ngờ khá ngờ.
(Nguyễn Trãi – Hoa đào – Quốc âm thi tập)

Mỗi lần Xuân đến, hoa đào nở rộ, các con sông tan băng, nước chảy âm ỉ được gọi là “đào hoa tấn” (con nước hoa đào), cũng gọi là “đào hoa thủy”, nên sau này nhà thơ Đỗ Phủ có câu: “Xuân ngạn đào hoa thủy. Tuyết phàm phong thụ lâm” (Dòng nước hoa đào đến bến xuân. Rừng cây phong trông như những cánh buồm tuyết).

Hoa đào là tượng trưng , không có hoa đào thì cũng không có . Mỗi năm vào tiết xuân khi hoa đào nở khắp núi và cũng chính là mùa của các thanh niên nam nữ rộn ràng với chuyện yêu đương.

Trong Thi kinh có bài: “Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa, chi tử vu qui, nghi kỳ thất gia” (Đào hoa tốt tươi, cánh hoa rực rỡ, con cái vu quy, lập thành gia thất). Đó chính là tục xem mùa xuân nở là tượng trưng cho tình yêu và hôn nhân.

Có nhiều truyền thuyết về tình yêu liên quan đến hoa đào nở vào những ngày tháng đầu xuân.
Thời Hán Minh Đế, năm Vĩnh Bình, có hai thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu, lên núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc đường. Tình cờ gặp được một rừng đào, họ hái những trái đào để ăn. Ăn xong thì cả hai người đều cảm thấy khỏe mạnh hơn trước. Men theo dòng suối giữa rừng đào đi lên phía trên thì gặp hai thiếu nữ tuyệt sắc. Hai nàng dẫn hai người về nhà, và mối lương duyên đã khiến hai nàng tiên trở thành vợ của họ.

Nhưng cuộc sống tiên cảnh trong rừng đào không làm vơi được nỗi nhớ quê nhà của hai chàng họ Lưu và họ Nguyễn. Hai chàng tìm cách về lại quê nhà. Và rốt cuộc, họ cũng trở về nơi trần thế. Nhưng chốn quê xưa giờ đây đã thay đổi hoàn toàn, không có người nào nhận ra họ. Một trăm ngày ở rừng đào nơi tiên cảnh bằng một trăm năm ở thế giới thực của nhân gian, còn rừng đào nơi tiên cảnh cũng đã thành thế giới mộng ảo không bao giờ quay lại được. Người phàm nếu như ngẫu nhiên đi lạc vào cõi tiên, sau khi trải qua cuộc sống thần tiên giống như trong giấc mơ, rồi cũng phải trở về thế giới thực tại ban đầu. Tiên cảnh cũng giống như một câu chuyện tình yêu không có hồi kết, để lại cho con người nỗi nhớ nhung thương cảm vô bờ.

Người đánh cá Vũ Lăng trong “Đào Hoa Nguyên Ký” của Đào Uyên Minh cũng không thể nào quay lại rừng đào nơi ông đã ngẫu nhiên đi lạc vào, cũng giống như ai đó cũng có thể giữ được tình yêu ngày xưa đã đánh mất.

Cảnh đào nguyên hoa cỏ tươi tốt và đầy hương thơm đó cho ta biết rằng, ở nơi lạ lẫm xa xôi ấy tràn đầy lạc thú; nhưng thông qua Vũ Lăng, nhà thơ Đào Uyên Minh cũng muốn nói cho ta biết cái nơi đầy lạc thú ấy là nơi tuy có thể thấy được, mà không thể tìm lại được. Con người bất luận là ai, cuối cùng cũng sẽ giống như Vũ Lăng, sẽ trở về thế giới thực thuộc về mình.

Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Thôi Hộ – Đề đô thành nam trung)

 

Năm ngoái, ngày nầy bên cửa cao,
Mặt ai đỏ thắm với hoa đào.
Cảnh cũ, mà người nay chẳng thấy,
Hoa đào mãi cợt gió xuân sao ?

Trong vườn đào ngẫu nhiên phút chốc gặp nhau, mến thương như thế nào chẳng rõ, nếu không phải là một chút rạo rực, một chút tin yêu, một chút chấp trước?

Cho dù Thôi lang có thể trở lại tìm được cánh cửa năm xưa. Cho dù trước cửa hoa đào vẫn nở như vậy, nhưng người dưới hoa bây giờ ở đâu? Khi dòng nước hoa đào tỏa hương thơm thoang thoảng chảy đi, thì cái khoảng trời riêng ấy biết tìm ở nơi đâu?

“Tằng hận hồng tiên hàm yến tử.
Thiên liên tố phiến nhiễm đào hoa”
(Từng hận lá thư hồng mà con chim én đã ngậm
Thương tiếc cho cánh cửa nhiễm sắc trắng của hoa đào)

Nếu tình yêu giống như con chim én bay từ cây này sang cây khác thì ai có thể giữ được nó? Chính vì không có ai có thể giữ được con chim én, không cho bay đi, nên mới thương tiếc cho hoa đào rơi rụng trên cánh cửa chăng? Trong thời ly loạn, có bao nhiêu người lưu lạc tha hương, một mình than thở cho cuộc tình dang dở?

Tình yêu cũng giống như hoa đào, có người vì hoa đào mà mê muội, cũng có người nhờ hoa đào mà giác ngộ.

Thiền sư Linh Vân tu đạo trên núi Vi Sơn, ngồi tham thiền trong rừng đào, bỗng một cơn gió thổi đến, hoa đào rơi rụng, ngài bỗng ngộ ra ánh sáng của đạo từ những cánh hoa đào rơi. Thế là Thiền sư đứng dậy, giũ những cánh hoa đào trên người rồi bước ra khỏi vườn đào, làm một bài kệ rằng:

“Tam thập niên lai mịch kiếm khách.
Cửu hồi lạc diệp hựu trừu chi.
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu.
Trực đáo như kim canh bất nghi”.

(Ba mươi năm nay kiếm khách mải miết đi tìm. Trải qua chín lần lá rụng rồi nảy nụ. Từ sau khi thấy hoa đào rơi rụng cho đến nay. Lòng ta đã không còn nghi hoặc nữa).

Vì ngộ mà tin, vì tin nên ngộ, và không còn bị trói buộc bởi những thị phi cuộc đời.

Những người lãng tử cùng những kiếm khách đa tình say túy lúy, bên bờ dương liễu hay dưới ánh trăng tàn đêm gió lạnh, có hay chăng?

Trong truyền thuyết của văn hóa Trung Quốc, Hoa Thần Đào được phong cho Tức phu nhân. Bà là vợ của Tức hầu nước Sở thời Xuân Thu, họ Quỳ nên cũng gọi là Quỳ Tức. Trong cuộc chính biến đoạt quyền ở triều đình, Sở Văn Vương tiêu diệt nước của Tức hầu và muốn lấy Quỳ Tức làm vợ, nhưng bà chung thủy một lòng, không vì quyền thế của Sở Văn Vương mà thay lòng đổi dạ. Một ngày nọ nhân cơ hội Sở Văn Vương đi săn, bà âm thầm xuất cung, chạy trở về với Tức hầu. Trong tình hình hoàn cảnh chính trị thay đổi, tình yêu của bà và Tức hầu cũng giống như những cánh hoa đào rơi rụng. Tức hầu tự sát, bà cũng vì tình mà chết theo đúng vào khoảng tháng ba, lúc hoa đào nở rộ khắp nơi. Thế là người nước Sở gọi Tức phu nhân là Đào Hoa phu nhân, lập miếu thờ, tôn bà làm Hoa Thần Đào.

“Tịch mịch ứng thiên tuế, đào hoa tưởng nhất chi” (Dù cô đơn vắng vẻ ngàn năm, lòng vẫn tưởng nhớ một nhánh hoa đào). Dù cho có vạn đóa thì cũng có người một mình thương tiếc một nhánh hoa đào, trong căn nhà nhỏ, dưới một đêm mưa. Cái phút chốc và cái vĩnh hằng, yêu và chết, cũng đều giống như đóa hoa đào bé nhỏ bay trong mưa gió.


Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.

Leave a Comment