Gia Cát Lượng đau lòng khóc Bàng Thống
Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan
Pháp Chính vào gặp người ấy, hai người chào hỏi nhau rồi vỗ tay cười ầm cả lên. Bàng Thống hỏi thì Pháp Chính nói:
– Ông này là người ở Quảng Hán, họ Bành, tên Dạng, tự là Vĩnh Ngô, cũng là một bậc hào kiệt ở nước Thục. Bởi vì nói thẳng nên trái ý Lưu Chương, bị Chương bắt tội đem gọt đầu, khoá cổ, bắt tù đầy, cho nên tóc ngắn.
Bàng Thống thấy vậy, có bụng kính trọng, mới hỏi rằng:
– Ông đến đây có việc gì chăng?
Dạng nói:
– Tôi đến đây, cốt để cứu vài vạn mạng cho quân của các ông, nhưng để đợi Huyền Đức đến đây, tôi sẽ nói chuyện.
Pháp Chính vội vàng báo với Huyền Đức, Huyền Đức đến hỏi sự việc làm sao, thì Dạng hỏi:
– Tướng quân có bao nhiêu quân mã đóng ở hai trại mé trước?
Huyền Đức nói thật rằng:
– Chỉ có Hoàng Trung, Nguỵ Diên ở đó.
Dạng nói:
– Phép làm tướng, há lại không biết địa lý hay sao? Trại mé trước đóng gần sông Bồi Giang, nếu giặc tháo nước sông cho tràn vào, và đem quân chịt cả mặt sau mặt trước, thì quân mình không còn thoát được một người.
Huyền Đức bấy giờ mới nghĩ ra. Dạng lại nói:
– Mấy hôm nay, tôi xem thiên văn, thấy sao Cương ở phương tây, mà sao Thái Bạch thì lâm vào địa phận xứ này tất có việc không hay, nên phải giữ gìn mới được.
Huyền Đức dùng ngay Bành Dạng làm mạc tân, sai người mật báo cho Hoàng Trung, Nguỵ Diên ngày đêm phải dụng tâm tuần phong, giữ gìn kẻo giặc khơi sông Hoàng Trung, Nguỵ Diên bàn định nhau, luân phiên tuần phòng, động có giặc thì phải báo cho nhau biết.
Nói về Lãnh Bào thấy đếm hôm ấy mưa to gió lớn, liền dẫn năm nghìn quân, men bờ sông kéo đi chực phá đê cho nước tràn vào. Bỗng nghe mé sau có tiếng reo hò rầm rĩ, biết có chuẩn bị, vội vàng rút quân về, thì Nguỵ Diên đã kéo quân đến nơi. Quân Xuyên giày xéo lên nhau mà chạy. Lãnh Bào đang chạy gặp ngay Nguỵ Diên, đánh nhau chưa được vài hợp, bị Diên bắt sống. Khi Ngô Lan, Lôi Đồng đến tiếp ứng, lại bị toán quân Hoàng Trung đánh lui.
Nguỵ Diên giải Lãnh Bào đến Bồi Quan, Huyền Đức trách mắng rằng:
– Ta xử với ngươi tử tế, tha cho về, sao ngươi lại dám phản ta? Thứ này thì không sao tha được nữa.
Nói đoạn, sai đem Lãnh Bào ra chém, rồi trọng thưởng cho Nguỵ Diên.
Huyền Đức mở tiệc, thết đãi Bành Dạng. Chợt có tin báo Mã Lương tự Kinh Châu mang thư của Khổng Minh đến trình. Huyền Đức mời vào hỏi, Mã Lương nói:
– Kinh Châu bình yên, chúa công không phải lo lắng.
Mã Lương trình thư.
Huyền Đức mở ra xem, trong thư viết:
“Lượng tôi tính số Thái Ất, năm nay là năm Quý Tỵ, sao Cương đóng ở phương tây. Lại xem thiên văn thì thấy sao Thái Bạch lâm vào địa phận Lạc Thành, ứng vào số mệnh tướng suý, dữ nhiều lành ít, nên phải cẩn thận lắm mới được”.
Huyền Đức xem xong thư, cho Mã Lương về trước. Huyền Đức nói:
– Ta sẽ về Kinh Châu để bàn việc ấy.
Bàng Thống nghĩ thầm rằng:
“Đây hẳn là Khổng Minh thấy ta lấy được Tây Xuyên, lập nên công trạng, cho nên cố ý đưa thư này để cản trở chăng?”
Bèn nói với Huyền Đức rằng:
– Tôi cũng đã xem Thái Ất, biết rằng Cương tính ở phương tây, ứng về việc chúa công lấy được Tây Xuyên, chứ không phải điềm xấu. Tôi cũng xem thiên văn thấy sao Thái Bạch lâm vào địa phận Lạc Thành, thì đã chém Lãnh Bào là ứng vào điềm hung ấy rồi. Chúa công không phải nghi hoặc gì nữa, nên tiến binh cho mau thôi.
Huyền Đức thấy Bàng Thống giục giã hai ba lần, mới kéo quân đi. Hoàng Trung, Nguỵ Diên ra tiếp vào trại. Bàng Thống hỏi Pháp Chính rằng:
– Từ đây vào Lạc Thành có mấy con đường?
Chính vẽ xuống đất làm địa đồ. Huyền Đức giở bức đồ của Trương Tùng ra xem thấy không sai một ly. Pháp Chính nói:
– Mé bắc có một con đường lớn, đi thẳng vào cửa động Lạc Thành, mé nam có một con đường nhỏ, đi thẳng vào cửa tây. Hai con đường ấy, đều tiến binh được cả.
Bàng Thống nói với Huyền Đức:
– Tôi sai Nguỵ Diên làm tiên phong, tiến theo đường nhỏ mé nam, chúa công sai Hoàng Trung làm tiên phong, tiến theo đường lớn dãy núi phía bắc, cùng đến cả Lạc Thành.
Huyền Đức nói:
– Ta xưa nay quen nghề cung ngựa, hãy đi đường hẻm. Quân sư nên đi đường lớn mà vào cửa đông, để ta vào cửa tây cho.
Bàng Thống nói:
– Đường lớn tất có quân ngăn chặn, chúa công dẫn quân mà chống cự, để tôi đi đường nhỏ.
Huyền Đức nói:
– Quân sư chớ nên đi, đêm qua ta nằm mơ thấy một vị thần, cầm gậy sắt đánh vào cánh tay phải, tỉnh dậy vẫn còn thấy đau. Đi chuyến này có lẽ không may.
Bàng Thống nói:
– Tráng sĩ làm trận, không chết thì bị thương, đó cũng là lẽ thường vậy, can gì tin mộng mà sinh lòng nghi hoặc?
Huyền Đức nói:
– Ta lại nghĩ về cả bức thư của Khổng Minh nữa, quân sư nên trở về mà giữ lấy Bồi Quan, ý quân sư thế nào?
Thống cười ầm lên, nói:
– Chúa công bị Khổng Minh mê hoặc rồi đó. Ông ta không muốn tôi một mình làm nổi công trạng, cho nên nói ra thế để cho chúa công nghi hoặc. Bụng đã nghi thì sinh mộng, hung gì mà hung? Tôi đội ơn chúa công gan óc lầy đất mới xứng được bụng tôi. Xin cứ đến sáng mai là đi, không phải nói chi cho lắm.
Ngày hôm ấy, Thống ra lệnh cho quân sĩ canh năm thổi cơm ăn, sáng rõ thì khởi hành. Hoàng Trung, Nguỵ Diên lĩnh binh đi trước. Huyền Đức và Bàng Thống cũng sắp sửa đi, bỗng nhiên con ngựa của Bàng Thống quáng mắt sa chân trước, hất Thống ngã lăn xuống đất. Huyền Đức vội vàng ở trên mình ngựa nhảy xuống, giữ lấy con ngựa ấy rồi hỏi rằng:
– Quân sư làm sao lại cưỡi ngựa xấu thế này?
– Ngựa này tôi cưỡi đã lâu, không thế này bao giờ.
Huyền Đức nói:
– Lâm trận mà ngựa quáng mắt, thường hay làm lỡ tính mạng người ta. Con ngựa trắng của tôi cưỡi, tính nó thuần lắm, quân sư cưỡi thì không còn ngại chút nào. Con ngựa xấu thì để tôi cưỡi cho.
Liền đổi ngựa cho Bàng Thống, Thống tạ ơn nói:
– Xin cảm tạ ơn sâu của chúa công, dẫu muôn chết cũng không đền đáp được.
Nói xong cùng lên ngựa ra đi. Huyền Đức thấy Bàng Thống đi, trong bụng vẫn áy náy không yên.
Nói về Ngô Ý, Lưu Hội trong Lạc Thành, nghe tin Lãnh Bào chết, mới hội các tướng lại bàn bạc. Trương Nhiệm nói:
– Ở mé đông nam núi, có một con đường nhỏ, rất là hiểm yếu, tôi xin dẫn một toán quân ra giữ đường ấy. Các ông thì giữ vững lấy Lạc Thành, chớ có sơ suất.
Chợt có tin báo: quân Hán chia làm hai đường vào lấy thành Trương Nhiệm vội dẫn ba nghìn quân lẻn ra con đường nhỏ mai phục. Thấy quân Nguỵ Diên đi qua, Nhiệm bảo cứ mặc cho đi, không được kinh động. Sau thấy quân Bàng Thống đến, quân sĩ của Nhiệm trỏ vào viên đại tướng cưỡi ngựa trắng, bảo đó là Lưu Bị. Nhiệm mừng lắm, truyền lệnh cho quân sĩ cứ việc làm như thế, như thế.
Bàng Thống dẫn quân từ từ tiến đi, ngẩng đầu nhìn thấy hai bên rặng núi liền sát với nhau, cây cối cuối hè um tùm, rậm rạp. Thống trong bụng nghi hoặc, dừng ngựa lại, hỏi rằng:
– Đây là chỗ nào?
Có tên quân Thục mới hàng, trỏ lên núi bẩm rằng:
– Ở đây gọi là gò Lạc Phượng.
Thống giật mình nói:
– Hỏng, hỏng! Ta hiệu là Phượng Sồ, mà đây lại là gò Lạc Phượng, dễ thường quan hệ đến tính mạng ta.
Lập tức truyền lệnh quân sĩ vội vã rút lui. Bỗng nhiên một tiếng pháo hiệu nổi lên, rồi tên ở trên núi bắn xuống như châu chấu bay, cứ châu cả vào người cưỡi ngựa trắng mà bắn. Thương hại thay cho Bàng quân sư, cả người lẫn ngựa chết ở dưới sườn núi.
Bấy giờ Bàng Thống mới có ba mươi sáu tuổi.
Người sau có thơ than rằng:
Sĩ Nguyên này cũng bậc anh hào,
Người xấu nhưng mà chí khí cao,
Thao lược kém chi mưu Quản, Nhạc,
Tài năng coi nhỏ sức Tôn, Tào.
Một phương đất hiểm công khai thác,
Muôn dặm đường trường bước khổ lao
Độc ác làm chi thiên cẩu giáng?
Thôi thôi số phận biết làm sao!
Khi trước ở vùng đông nam trẻ con hát rằng:
Một phượng, một rồng cùng vào Thục Trung,
Đi đến nửa đường, phượng ngã non đông,
Mưa mưa gió gió, đưa đến nhau cùng
Hán nối lên, đường Thục mới thông;
Đường Thục thông, chỉ còn một rồng.
Lời hát ấy quả nhiên đúng.
Hôm ấy Trương Nhiệm bắn chết Bàng Thống, quân Hán chen chúc chật đường cái, bị chết quá nửa. Tiền quân phi báo với Nguỵ Diên. Diên vội vàng muốn quay về, nhưng vì đường núi hẹp, đánh nhau không được, mà đường về lại Trương Nhiệm chen mất và dùng những cứng tên dài ở trên núi cao bắn xuống. Nguỵ Diên rất lo sợ.
Có quân Thục mới hàng bẩm rằng:
– Không bằng đánh đến Lạc Thành, sang con đường lớn mà đi.
Nguỵ Diên nghe lời, liền đi trước mở đường đánh vào Lạc Thành. Bỗng thấy trước mặt bụi bay mù mịt, một toán quân kéo đến, trông ra thì là tướng giữ Lạc Thành Ngô Lan, Lôi Đồng, sau lưng lại có Trương Nhiệm đuổi theo. Hai mặt đánh ập lại, vây chặt lấy Nguỵ Diên. Diên cố chết chống cự nhưng không sao ra được. Chợt thấy hậu quân của Ngô Lan, Lôi Đồng tự nhiên rối loạn. Hai tướng vội quay ngựa lại cứu, Diên thừa thế đánh thốc chạy ra, thì thấy có một người tế ngựa múa đao đi trước, gọi to lên rằng:
– Văn Tràng, ta lại cứu cho ngươi đây!
Diên trông ra thì là lão tướng Hoàng Trung. Hai bên hợp sức lại, phá tan quân Ngô Lan, Lôi Đồng, kéo đánh thẳng đến Lạc Thành. Lưu Hội ở trong thành kéo quân ra đánh, may có Huyền Đức ở mé sau, dẫn quân lại tiếp ứng. Hai tướng vừa đánh vừa chạy về.
Huyền Đức vừa đến trại thì quân của Trương Nhiệm lại tự con đường nhỏ đánh chặn. Lưu Hội, Ngô Lan, Lôi Đồng cũng kéo ùa đến, Huyền Đức không giữ nổi hai trại, phải chạy về cửa Bồi Quan. Quân Thục thừa thế đuổi riết. Huyền Đức người ngựa mỏi mệt, không còn tưởng đến đánh chắc gì nữa, chỉ cốt chạy cho mau thôi. Gần đến Bồi Quan thì toán quân Trương Nhiệm đuổi kịp. May có Lưu Phong, Quan Bình dẫn ba vạn quân sinh lực chặn lại, đánh lui Trương Nhiệm và đuổi theo hơn hai mươi dặm, cướp lại ngựa chiến rất nhiều.
Huyền Đức dẫn quân vào Bồi Quan, hỏi thăm tin tức Bàng Thống. Có tên lính thoát chết ở gò Lạc Phượng về báo rằng:
– Quân sư bị tên bắn, cả người lẫn ngựa chết ở dưới núi.
Huyền Đức nghe báo, thương khóc sầu thảm, rồi bày đồ cúng tế, ngảnh về phía tây làm lễ chiêu hồn. Các tướng ai nấy đều thương cảm, khóc lóc…
Hoàng Trung nói:
– Quân sư Bàng Sĩ Nguyên mất rồi, Trương Nhiệm tất nhiên dẫn quân đến đánh, làm thế nào bây giờ? Chúa công phải cho người về Kinh Châu mời Gia Cát quân sư đến bàn kế lấy Tây Xuyên mới được.
Trong khi đang bàn thì Trương Nhiệm đã dẫn quân đến dưới ải khiêu chiến. Hoàng Trung, Nguỵ Diên muốn đánh, Huyền Đức gàn lại rằng:
– Nhuệ khí vừa bị nhụt mất rồi, nên giữ vững để đợi quân sư đến.
Hai tướng vâng lệnh, giữ gìn thành trì cẩn thận.
Huyền Đức viết một phong thư, sai Quan Bình về Kinh Châu mời Khổng Minh. Từ đó Huyền Đức giữ vững không ra nữa.
Nói về Khổng Minh ở Kinh Châu, đương hôm mồng bảy tháng bảy, là ngày tết thất tịch, hội cả các quan ăn yến, bàn việc Huyền Đức lấy Xuyên. Bỗng thấy ở mé chính tây, có một ngôi sao to bằng cái đấu sa xuống dưới đất, ánh sáng loè ra tứ phía. Khổng Minh giật mình, quăng chén rượu xuống đất, ôm mặt khóc mà nói rằng:
– Thảm thiết chưa! Đau đớn chưa!
Các quan vội vàng hỏi duyên cớ làm sao. Khổng Minh đáp rằng:
– Trước đây ta đã tính số Thái Ất và xem thiên văn biết Bàng quân sư sẽ gặp điều hung dữ nên đã đưa thư cho chúa công khuyên phải cẩn thận. Ai ngờ đêm nay lại thấy sao sa ở phương chính tây, Bàng quân sư hỏng mất rồi.
Nói đoạn khóc hu hu lên rằng:
– Thôi thôi! Chúa công ta gãy mất một cánh tay rồi!
Các quan ai cũng kinh hãi, nhưng vẫn chưa tin lắm. Khổng Minh nói:
– Chỉ vài hôm nữa khắc có tin đến nơi.
Đêm hôm ấy tiệc rượu kém phần vui vẻ.
Qua vài hôm sau, Khổng Minh đang cùng với Vân Trường và các quan ngồi chơi. Chợt có tin báo Quan Bình đến. Các quan ai nấy đều giật mình. Quan Bình vào trình tờ thư của Huyền Đức. Khổng Minh mở ra xem, trong thư nói ngày mồng bảy tháng này, Bàng quân sư bị Trương Nhiệm bắn chết ở dưới gò Lạc Phượng. Khổng Minh xem thư xong, khóc rầm lên, các quan đều ứa nước mắt.
Khổng Minh nói:
– Nay chúa công ở Bồi Quan đang giữa đôi đường tiến thoái lưỡng nan, tôi phải đi mới được.
Vân Trường hỏi:
– Kinh Châu là chỗ quan trọng, quân sư đi thì ai giữ được, việc này không phải nhỏ đâu!
Khổng Minh nói:
– Trong thư của chúa công tuy không nói rõ là giao cho ai, nhưng ta đã biết ý, – rồi đưa thư Huyền Đức cho mọi người xem và nói, – Trong thư chúa công muốn phó thác Kinh Châu cho tôi, bảo tôi tuỳ theo tài mà dùng. Nay sai Quan Bình mang thư đến đây là ý chúa công muốn giao việc hệ trọng này cho Vân Trường đó. Vân Trường nên nghĩ đến tình nghĩa vườn đào, hết lòng coi giữ xứ này, trách nhiệm rất là quan trọng, nên phải cố mới được.
Vân Trường chẳng chút từ chối, vui vẻ vâng lời ngay. Khổng Minh mở tiệc yến để giao ấn thụ. Vân Trường giơ hai tay ra lĩnh lấy. Khổng Minh tay cầm quả ấn và nói:
– Ấn này can hệ ở cả trên mình tướng quân đấy!
Vân Trường khảng khái nói:
– Đại trượng phu đã đảm nhận việc quan trọng, trừ ra khi nào chết rồi mới thôi.
Khổng Minh thấy Vân Trường nói gở ra một tiếng “chết”, trong bụng không bằng lòng, đã định không giao, nhưng đã trót hứa rồi, mới hỏi Vân Trường:
– Tào Tháo kéo quân đến đây thì làm thế nào?
Vân Trường nói:
– Đem sức ra chống cự lại.
Khổng Minh hỏi:
– Nếu Tào Tháo, Tôn Quyền cùng khởi binh đến đánh, thì làm thế nào.
Vân Trường nói:
– Chia quân ra chống cự lại.
Khổng Minh nói:
– Nếu như thế thì Kinh Châu nguy mất! Ta có tám chữ này, tướng quân nhớ cho kỹ thì mới giữ nổi được Kinh Châu.
Vân Trường hỏi tám chữ gì, thì Khổng Minh nói:
– “Bắc cự Tào Tháo, đông hoà Tôn Quyền”.
Vân Trường nói:
– Quân sư đã dạy làm vậy, tôi xin ghi lòng.
Khổng Minh liền giao ấn tín cho Vân Trường, sai quan văn là Mã Lương, Y Tịch, My Chúc và tướng võ là My Phương, Liêu Hoá, Quan Bình, Chu Thương ở lại giúp Vân Trường giữ kinh. Một mặt tự thống lĩnh quân mã vào Xuyên. Trước hết sai Trương Phi dẫn một vạn tinh binh đi đường bộ sang Ba Châu, đến phía tây Lạc Thành, một mặt sai Triệu Vân dẫn một toán quân làm tiên phong, đi đường thuỷ kéo đến. Còn mình dẫn bọn Giản Ung, Tưởng Uyển đi sau. Hẹn với Trương Phi, cùng hội cả ở Lạc Thành, ai đến được trước thì là công đầu.
Tưởng Uyển tên tự là Công Nhiệm, người quận Linh Lăng, cũng vào bậc danh sĩ ở Kinh Châu, hiện đang làm thư ký. Khi ấy Khổng Minh dẫn một vạn rưỡi quân, khởi hành cùng ngày với Trương Phi. Phi sắp đi, Khổng Minh dặn lại rằng:
– Tây Xuyên lắm hào kiệt, không nên coi thường đi đường phải răn bảo sĩ tốt, không được nhũng nhiễu đến dân sự mà làm mất lòng dân. Lại không được hung hăng, đánh đập sĩ tốt lắm. Xin tướng sĩ mau mau đến hội ở Lạc Thành, chớ để lỡ việc.
Trương Phi mừng rỡ vâng lệnh, lên ngựa kéo quân đi. Đi đến đâu, nội là chỗ nào chịu hàng, một ly cũng không xâm phạm đến, tiến theo đường Hán Xuyên, thẳng đến Ba Quận.
Thái thú Ba Quận tên là Nghiêm Nhan thuộc vào bậc danh tướng nước Thục, tuổi tuy đã già nhưng sức lực còn khoẻ. Giương cung cứng sử đai đao, có sức muôn người không địch nổi. Nghiêm Nhan giữ vững thành trì, không kéo cờ hàng.
Trương Phi cách thành mười dặm, lập một cái trại rồi sai một tên lính vào thành bảo:
– Lão sất phu phải sớm đầu hàng, ta tha tội cho cả trăm họ trong thành này. Nếu không hàng thì ta đạp đổ cả thành luỹ, giết sạch già trẻ!
Nguyên khi trước Nghiêm Nhan nghe thấy tin Pháp Chính mời Huyền Đức vào Xuyên, đã vỗ tay vào bụng mà than rằng:
– Thế mới gọi là ngồi một mình ở xó núi, rước hổ đến giữ đỡ cho mình.
Về sau, lại nghe thấy tin Huyền Đức cướp mất ải Bồi Quan, tức giận vô cùng, lăm le chỉ muốn cất quân đến đánh, nhưng còn ngại đường này có quân khác kéo đến. Bấy giờ nghe tin quân Trương Phi sắp đến, liền dẫn năm sáu nghìn quân, phòng sẵn để ra nghênh địch.
Có người hiến kế cho Nghiêm Nhan rằng:
– Trương Phi ở trận Trường Bản, quát một tiếng lùi được trăm vạn quân Tào; Tào Tháo nghe thấy tiếng là phải tránh, ta không nên khinh địch. Nay chỉ nên thành cao hào sâu, giữ vững không ra. Quân bên kia hết lương, tự nhiên phải rút về. Vả lại Trương Phi tính nóng như lửa, hay đánh đập lính tráng. Nếu không được đánh nhau, tất phải giận, giận tất đánh lính. Ta nên đợi lúc nào lòng quân bên kia sinh biến, sẽ thừa cơ mà đánh, thì chắc bắt được Trương Phi.
Nghiêm Nhan nghe kế ấy, truyền lệnh cho quân sĩ lên hết cả mặt thành giữ gìn. Chợt thấy tên lính gọi to mở cửa. Nghiêm Nhan bảo cho vào và hỏi. Hắn nói là quân của Trương Phi sai đến và thuật lại lời Trương Phi dặn. Nhan nổi giận lên, mắng rằng:
– Thằng láo! Sao dám vô lễ thế! Nghiêm tướng quân đây lại thèm hàng giặc à? Tao mượn cái mồm mày về bảo Trương Phi thế cho tao!
Nói đoạn, sai võ sĩ đem cắt cả tai mũi rồi đuổi cổ về.
Tên lính ấy khóc lóc về kể chuyện lại với Trương Phi. Phi nổi giận, nghiến răng trợn mắt, mặc áo giáp lên ngựa, dẫn vài trăm kỵ mã đến thẳng thành Ba Quận khiêu chiến.
Nghiêm Nhan giữ trên mặt thành không ra, sai quân sĩ chửi mắng sỉ nhục. Trương Phi tức quá, mấy phen xông đến sát cạnh cầu treo, chực qua hào để phá vào thành, nhưng bị tên bắn tán loạn lại phải quay về. Chờ cho mãi đến chiều tối, cũng không có một người nào ra. Phi căm tức vô cùng, về trại. Sáng sớm hôm sau, lại dẫn quân đến khiêu chiến. Nghiêm Nhan đứng trên chòi cao trong thành bắn một phát tên ra, tin ngay vào chỏm mũ Trương Phi. Phi giận trỏ lên bảo rằng:
– Tao mà bắt được thằng già kia, thì tao xé xác mày ra mà ăn thịt mới hả!
Đến mãi chiều Phi lại trở về không.
Ngày thứ ba, Phi dẫn quân đi quanh thành, hò hét chửi mắng. Đây vốn là một toà thành núi, xung quanh chi chít những núi cả. Phi cưỡi ngựa leo lên núi, trông vào trong thành, thấy quân sĩ ăn mặc gọn ghẽ, chia thành đội ngũ, phục ở trong thành. Dân phu thì đi đi lại lại, chuyển gánh gỗ đá, giúp cho quân để giữ thành. Phi thấy vậy, sai quân kỵ xuống cả ngựa, ngồi bừa xuống đất để dử quân trong thành ra, nhưng cũng không thấy rục rịch gì. Mỏi mồm chửi mắng mất một ngày, rồi lại trở về suông như trước.
Trương Phi về trại, nghĩ mãi không biết làm thế nào dử cho được bên kia ra, chợt tìm được một kế, liền truyền cho quân sĩ không được đi khiêu chiến nữa; chỉ cho ba bốn mươi tên lính đến dưới thành mà chửi mắng cho đáo để. Còn mình thì xoay tay ngồi chực sẵn chỉ đợi bên kia ra là đánh. Quân đến chửi trong ba hôm, bên kia vẫn nhất định không ra.
Trương Phi trợn mắt lên lại nghĩ được một kế nữa: truyền cho quân tản ra bốn mặt kiếm củi cắt cỏ, tìm đường đi tắt, không đến gây sự đánh nhau nữa.
Nghiêm Nhan ở trong thành, luôn mấy hôm không thấy Trương Phi động tĩnh gì, trong bụng nghi hoặc. Sai vài mười tên lính, giả làm quân kiếm củi của Trương Phi, đi ngầm ra thành, lộn vào đám quân kiếm củi để nghe ngóng.
Một hôm, quân kiếm củi trở về. Trương Phi đang ngồi trong trại, giẫm chân xuống quát mắng Nghiêm Nhan rằng:
– Thằng già Nghiêm Nhan kia, mày trêu tức tao, là mày giết tao đấy!
Có mấy tên lính bước lên bẩm rằng:
– Tướng quân chớ nóng ruột, mấy hôm nay đã tìm thấy một con đường nhỏ, có thể đi vượt qua được Ba Quận.
Phi cố ý thét to lên rằng:
– Đã có đường đi, sao không bảo tao ngay?
Chúng bẩm:
– Vì đường ấy mới tìm thấy, chưa kịp bẩm.
Trương Phi nói:
– Có phải thế thì việc này không nên để trì hoãn, canh hai đêm hôm nay thổi cơm ăn, sang canh ba nhân sáng trăng nhổ trại đi hết. Người ngậm tăm, ngựa ngậm tăm, ngựa cởi nhạc, cứ lần lần mà kéo đi. Tao đi trước mở đường, chúng bay cứ theo thứ tự mà tiến.
Nói đoạn, truyền báo cho cả trại đều biết. Quân do thám nghe được tin ấy, về ngay trong thành báo cho Nghiêm Nhan. Nhan mừng rỡ nói rằng:
– Tao đã biết mà! Thằng đểu này có nhịn được đâu! Mày đi lẻn con đường nhỏ, xem mày đi làm sao cho được! Đúng là đồ vô mưu, chuyến này chắc là mắc phải kế của tao!
Lập tức truyền cho quân sĩ dự bị sẵn sàng đêm ra đánh giặc.
Canh hai đêm hôm ấy, Nghiêm Nhan dẫn quân ra thành, phục sẵn ở con đường hẻm trong rừng, đợi lúc nào Trương Phi đi qua thì nổi trống lên làm hiệu quân phục đổ ra đánh.
Vào độ cuối canh ba, xa xa trông thấy Trương Phi cầm một ngọn mâu cưỡi ngựa đi trước, từ từ dẫn quân kéo đi. Cách vài dặm thì những xe lương lục tục kéo theo sau. Nghiêm Nhan trông thực đích xác, mới nổi hiệu trống, quân phục bốn mặt đổ ra, cướp giật xe lương. Bỗng đâu có một tiếng chiêng nổi lên, rồi một toán quân ập ngay đến. Có tiếng gọi to lên rằng:
– Giặc già kia! Đừng chạy! Ta đợi ở đây đã lâu!
Nghiêm Nhan vội ngảnh lại xem ai, thì thấy một tướng đầu beo, mắt tròn hàm én, râu hổ, cầm mâu tế ngựa chạy đến, chính là Trương Phi. Lại thấy chiêng khua rầm rĩ, quân kéo đến cực nhiều. Nghiêm Nhan rụng rời hết vía, nhưng cũng phải gượng đánh nhau với Trương Phi. Đánh độ mười hiệp Trương Phi lừa dử cho Nghiêm Nhan sấn vào. Nhan thúc ngựa xốc tới chém một nhát. Phi tránh khỏi, sấn ngay vào nắm được dây lưng Nghiêm Nhan lôi phắt lại, rồi quẳng xuống đất, quân sĩ xô cả vào trói nghiến lại.
Nguyên là Trương Phi dùng mẹo, biết chắc Nghiêm Nhan tất chặn đường cướp lương, mới cho một người giả làm mình cầm mâu đi trước, để cho Nghiêm Nhan trông thấy vững tâm, kỳ thực là Phi đi sau để chực bắt Nghiêm Nhan. Khi thấy hiệu chiêng khua vang, quân Hán kéo ùa cả lại. Quân Xuyên phải bỏ giáp, cầm ngược giáo xin hàng cả. Phi thừa thế đánh mãi đến dưới thành Ba Quận, thì hậu quân đã vào được thành rồi. Phi truyền cho quân không được giết hại hai trăm họ, và yết bảng để yên dân.
Phi vào thành, ngồi trên công sảnh. Quân đao phủ điệu Nghiêm Nhan đến. Nhan không chịu quỳ. Phi trợn mắt quát mắng rằng:
– Đại tướng đến đây, sao không hàng, mà lại dám chống lại?
Nghiêm Nhan coi như không, chẳng sợ hãi chút nào, mắng lại rằng:
– Chúng bây là đồ vô nghĩa, dám xâm phạm vào bờ cõi tao. Đây tao chỉ có tướng quân mất đầu, chớ không có tướng quân chịu hàng!
Phi giận lắm, quát sai tả hữu lôi ra chém. Nghiêm Nhan lại quát trả rằng:
– Thằng giặc kia! Mày chặt đầu tao thì cứ việc chặt, cần gì phải giận dữ?
Phi thấy Nghiêm Nhan tiếng nói hùng dũng, sắc mặt tươi tỉnh như không, liền đổi giận làm mừng, xuống quát tả hữu lui ra, cởi trói ngay cho Nghiêm Nhan, sai đem áo đến mặc, rồi đỡ lên ngồi trên gian giữa, cúi đầu xuống mà nói rằng:
– Tôi vẫn biết lão tướng quân là bậc hào kiệt, vừa rồi lỡ lời xúc phạm đến tướng quân xin tướng quân miễn chấp.
Nghiêm Nhan cảm ơn nghĩa ấy, mới chịu hàng.
Có thơ khen Nghiêm Nhan rằng:
Phơ phơ đầu tóc bạc
Lừng lẫy danh tiếng vang
Khí nghĩa, mây cao ngất
Lòng trung, trăng sáng choang
Thà rằng chặt đầu chết
Sao chịu uốn gối hàng!
Ba Châu tướng già ấy
Mới là tướng giỏi giang!
Lại có thơ khen Trương Phi rằng:
Bắt sống Nghiêm Nhan khoẻ tuyệt trần!
Lại hay nghĩa khí phục lòng dân
Đến nay đền miếu nơi Ba Thục
Hương hoả nghìn thu báo đức thần.
Trương Phi hỏi kế vào Xuyên, Nghiêm Nhan thưa rằng:
– Tôi là tướng thua trận, được đội ơn dày, không biết lấy gì mà báo lại được. Vậy xin ra sức khuyển mã để giúp tướng quân, không cần gì phải dùng đến cung tên, mà có thể đến tắt ngay Thành Đô được.
Đó là:
Chỉ bởi được lòng người lão tướng,
Cho nên tiến thẳng đến Thành Đô.
Chưa biết dùng kế gì, xem hồi sau mới biết.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.