Tam quốc diễn nghĩa hồi 74: Bàng Đức mang áo quan, quyết trận tử chiến, Quan Công khơi dòng nước, ngập bảy đạo quân

Bàng Đức mang áo quan, quyết trận tử chiến

Quan Công khơi dòng nước, ngập bảy đạo quân

Lại nói Tào Tháo định sai Vu Cấm ra cứu quân Phàn Thành, hỏi các tướng ai dám làm tiên phong. Bàng Đức xin đi, Tháo mừng lắm, nói:

– Quan Vân Trường tiếng lừng lẫy cả trong nước là vì chưa gặp người đối thủ. Nay gặp phải Bàng Lệnh Minh, thì thực là kình địch.

Bèn phong Vu Cấm là chinh nam tướng quân, Bàng Đức làm chinh tây đô tiên phong, khởi bảy đạo quân tiến ra Phàn Thành. Bảy đạo quân ấy toàn là quân tinh tráng ở phương bắc. Có hai tướng lĩnh binh là Đổng Hành và Đổng Siêu, hôm ấy vào ra mắt Vu Cấm. Đổng Hành nói:

– Tướng quân cầm bảy đạo quân lớn ra cứu Phàn Thành, phải thắng cho kỳ được, sao lại dùng Bàng Đức làm tiên phong, há chẳng lỡ việc ư?

Cấm giật mình hỏi cớ làm sao, thì Hành thưa rằng:

– Bàng Đức nguyên là thủ hạ của Mã Siêu, bất đắc dĩ phải về hàng Nguỵ. Nay chủ cũ của hắn ở Thục, làm ngũ hổ tướng; anh ruột hắn là Bàng Nhu, hiện cũng đang làm quan ở Tây Xuyên. Nếu sai y làm tiên phong, thì chẳng khác gì đổ dầu mà cứu lửa! Tướng công sao không bẩm với Nguỵ vương, thay người khác đi.

Cấm nghe lời, ngay đêm hôm ấy vào phủ bẩm với Tào Tháo.

Tháo nghĩ ra, cho đòi Bàng Đức đến, bắt phải nộp giả ấn tiên phong.

Đức thất kinh, nói:

– Tôi muốn ra sức giúp đại vương, cớ sao lại không dùng?

Tháo nói:

– Ta cũng không nghi gì ngươi, nhưng hiện nay Mã Siêu đang ở Xuyên, mà anh ngươi là Bàng Nhu, cũng đang làm quan ở đó. Dẫu ta không nghi, nhưng e có tiếng này tiếng khác, thì làm thế nào?

Đức nghe câu ấy, cởi mũ rập đầu xuống đất, máu chảy đầy mặt, rồi kêu rằng:

– Tôi từ khi ở Hán Trung theo hàng với đại vương được đội ơn dày đã nhiều, dẫu gan óc lầy đất, cũng không báo được ơn ấy. Đại vương việc gì còn phải nghi tôi? Khi xưa, tôi ở với anh tôi một nhà, chị dâu không tốt, nhân lúc say rượu, tôi giết đi. Anh tôi giận lắm, thề không trông thấy mặt nhau nữa, tình anh em đã tuyệt rồi. Chủ tôi là Mã Siêu, có khoẻ không có khôn, quân thua, cơ nghiệp mất, một mình vào Xuyên theo hàng người khác, nay cùng với tôi, mỗi người thờ một chủ, cái nghĩa cũ cũng không còn nữa. Tôi cảm ơn đại vương, có đâu dám mang bụng khác, xin đại vương xét cho mới được.

Tháo bèn đỡ Bàng Đức đứng dậy, rồi vỗ về, nói:

– Ta vẫn biết ngươi là người trung nghĩa, ta nói thế cốt để cho yên bụng chúng đó thôi. Ngươi nên gắng sức lập công. Ngươi không phụ ta, ta cũng không phụ ngươi đâu!

Đức lạy tạ trở về, sai thuộc hạ đóng một cỗ quan tài. Hôm sau bày cỗ quan tài ấy ở trước thềm, rồi mời các bạn lại ăn tiệc. Các bạn trông thấy, đều giật mình hỏi rằng:

– Tướng quân mang quân đi trận, sao lại bày trò quái gở thế?

Đức cầm chén rượu bảo với thân hữu rằng:

– Tôi đội ơn Nguỵ vương, thề đem cái chết để báo đền. Nay ra Phàn Thành đánh nhau với Quan Công, nếu tôi không giết được hắn thì cũng bị hắn giết mất, dù hắn không giết được tôi, thì tôi cũng tự vẫn, cho nên sắm sẵn cái đồ này, để tỏ ra rằng không lẽ nào tôi lại trở về không.

Chúng thấy nói vậy ai cũng động lòng than thở.

Đức gọi vợ là Lý thị và con là Bàng Hội ra dặn rằng:

– Ta làm tiên phong, nghĩa nên phải chết ở đám chiến trường, nàng phải trông nom lấy con cho ta. Thằng bé này có tướng lạ, mai sau nó khôn lớn, tất báo thù được cho ta đấy!

Vợ con cùng khóc lóc tiễn biệt.

Đức sai khiêng áo quan đi trước. Khi đi Đức bảo với bộ tướng rằng:

– Ta nay cố chết đánh nhau với Quan Công, nếu ta bị Quan Công giết chết, thì chúng bay bỏ thây ta vào đây, nhược bằng ta giết được Quan Công, thì ta cũng lấy đầu y bỏ vào áo quan này đem về nộp Nguỵ vương.

Bộ tướng cùng nói rằng:

– Tướng quân có bụng trung dũng như thế, chúng tôi còn dám không hết sức để giúp tướng quân hay sao?

Bàng Đức dẫn quân đi. Có người đem lời ấy nói với Tào Tháo. Tháo mừng nói rằng:

– Bàng Đức trung dũng như thế, ta còn lo gì nữa!

Giả Hủ nói:

– Bàng Đức cậy sức khoẻ một mình, muốn liều chết đánh nhau với Quan Công, tôi nghĩ lấy làm lo lắm.

Tháo cho là phải, lập tức truyền lệnh cho Bàng Đức rằng:

– Quan Công trí dũng song toàn, không nên khinh địch. Có thể đánh được thì hãy đánh, nếu không thể đánh được, thì nên giữ cho cẩn thận là hơn!

Đức nghe lệnh ấy, bảo với các tướng rằng:

– Làm sao Nguỵ vương trọng vọng Quan Công lắm thế? Phen này ta quyết đạp đổ danh giá ba mươi năm của hắn mới được.

Vu Cấm nói:

– Nguỵ vương đã dạy thế, phải nghe mới được!

Đức dẫn quân đến Phàn Thành, khua chiêng đánh trống, diễu võ dương oai, thách Quan Công ra đánh nhau.

Quan Công đang ngồi trong trướng, chợt có thám mã về báo rằng:

– Tào Tháo sai Vu Cấm làm tướng, lĩnh bảy đạo quân kéo đến. Tiền bộ tiên phong là Bàng Đức, đem một cái áo quan đi trước trận, nói lắm câu láo xược lắm, thề đánh nhau với tướng quân kỳ chết mới nghe. Quân hắn hiện đóng cách thành ba mươi dặm.

Quan Công nghe nói, bỗng biến ngay sắc mặt, chòm râu dài mấp máy, nổi giận nói rằng:

– Anh hùng thiên hạ nghe tiếng ta là phải khiếp. Bàng Đức là thằng nào, dám khinh ta làm vậy? Quan Bình! Cho mày cứ việc đánh Phàn Thành, để tao ra chém chết thằng sất phu ấy, mới hả được bụng tao!

Bình thưa:

– Phụ thân không nên đem thân quý trọng như núi Thái Sơn, mà cùng tranh hơn kém với một hòn đá. Con xin ra đánh nó cũng xong!

Quan Công nói:

– Có phải thế, cho mày đi trước, tao đi sau tiếp ứng ngay.

Quan Bình ra trướng, vác đao lên ngựa, dẫn quân đến đánh Bàng Đức. Hai bên dàn trận, trong trận Nguỵ có một lá cờ trắng, đề bốn chữ “Nam An Bàng Đức”. Đức mình mặc áo bào xanh, tay cầm đại đao, cưỡi ngựa, đứng trước trận, sau lưng có năm trăm quân, lại có mấy người khiêng một cái áo quan đi ra.

Quan Bình trông thấy mắng lớn:

– Bớ quân bội chủ kia!

Bàng Đức hỏi bộ tốt tướng ấy là ai, bộ tốt nói là con nuôi Quan Công tên là Quan Bình, Đức gọi bảo rằng:

– Ta phụng mệnh Nguỵ vương ra đây lấy đầu cha mày, mày là một đứa trẻ con chốc lở, ta không nỡ giết về cho mau gọi cha mày ra đây!

Bình giận lắm, tế ngựa múa đao xông vào đánh Bàng Đức, Đức múa đao ra nghênh; hai bên đánh nhau độ ba mươi hiệp, chưa phân thắng phụ, phải tạm nghỉ. Có người báo với Quan Công. Quan Công giận lắm, sai ngay Liêu Hoá đánh Phàn Thành, còn mình thì lại địch Bàng Đức. Quan Bình kể lại việc giao chiến với Bàng Đức, không phân thắng bại.

Quan Công cầm long đao nói lớn rằng:

– Vân Trường đã đến đây, Bàng Đức sao không ra mà chịu chết?

Hiệu trống nổi lên. Bàng Đức tế ngựa ra gọi rằng:

– Ta phụng chỉ Nguỵ vương, cốt đến đây để lấy đầu mày, sợ mày không tin, cho nên mang sẵn áo quan ra đây, nếu có sợ chết, thì xuống ngựa xin hàng ngay đi!

Quan Công quát mắng rằng:

– Thứ mày là một thằng sất phu, có làm trò trống gì! Chỉ tiếc cho thanh long đao của tao, phải chém đến tuồng chuột chết ấy!

Nói đoạn thúc ngựa vào đánh Bàng Đức. Đức cũng múa đao lại địch. Hai bên đánh nhau hơn trăm hiệp, tinh thần càng mạnh mẽ hơn lên. Hai bên quân sĩ trố mắt đứng xem.

Quân Nguỵ sợ Bàng Đức núng thế, khua chiêng thu quân. Quan Bình sợ cha đã già, cũng khua chiêng. Hai tướng cùng quay về.

Bàng Đức về đến trại, nói với chúng rằng:

– Người ta vẫn đồn Quan Công anh hùng, hôm nay ta mới tin là thật!

Đang nói chuyện, thì Vu Cấm đến bảo rằng:

– Tướng quân đánh nhau với Quan Công hơn trăm hiệp, chưa thấy lợi chút nào, sao không hãy rút quân lánh đi?

Bàng Đức hung hăng nói rằng:

– Nguỵ vương sai tướng quân làm đại tướng, sao lại hèn đớn làm vậy? Tôi ngày mai quyết một trận tử chiến, chớ không chịu lui!

Cấm không dám gàn trở gì nữa, cáo từ ra về.

Quan Công về đến trại, bảo với Quan Bình rằng:

– Bàng Đức sử dụng đao giỏi lắm, thực là đối thủ với ta!

Bình nói:

– Tục ngữ có câu: “Con nghé mới sinh, không kinh gì hổ”. Phụ thân phỏng có chém được hắn, chẳng qua cũng chỉ là giết một tên lính ở Tây Khương mà thôi; nếu có sơ suất điều gì, thì ra bỏ mất việc to của bá phụ uỷ thác!

Quan Công nói:

– Tao không giết được hắn, sao hả được giận? Ý tao đã quyết rồi, không được nói lôi thôi nữa!

Hôm sau Quan Công dẫn quân ra, Bàng Đức cũng đem quân lại đón. Hai bên dàn trận, chẳng nói chẳng rằng, xốc lại giao phong. Đánh độ năm mươi hiệp Bàng Đức cầm đuôi cán đao, quay ngựa chạy về. Quan Công đuổi theo. Quan Bình sợ chuyện gì xảy ra, cũng chạy theo đi kèm. Quan Công quát to lên rằng:

– Bàng tặc! Mày muốn dùng mẹo đà đao, đây tao cũng không có sợ!

Nguyên là Bàng Đức làm thế giả đà đao, rồi gác đao trên yên ngựa, se sẽ rút bộ cung đằng sau lưng, bắn ra một phát. Quan Bình nhanh mắt, trông thấy Bàng Đức đặt tên bèn kêu to lên rằng:

– Tướng giặc kia, chớ có bắn trộm!

Quan Công vừa nhìn ra, thì đã thấy dây cung bật một tiếng, tên vùn vụt bay ra, tin ngay vào giữa vai tả. Quan Bình xông vào cứu Quan Công, Bàng Đức quay ngựa, múa đao đuổi theo, chợt nghe trong trận mình chiêng khua ầm ĩ. Đức sợ hậu quân lỡ có điều gì, kíp quay ngựa trở về. Té ra Vu Cấm thấy Bàng Đức bắn tin Quan Công, sợ Đức lập được công to, giảm mất uy thế của mình, cho nên khua chiêng thu quân.

Đức về đến trận hỏi rằng:

– Làm sao mà khua chiêng?

Cấm nói:

– Nguỵ vương có dặn rằng: Quan Công trí dũng đủ cả. Hắn tuy bị trúng tên quay về, nhưng sợ có mưu mẹo gì chăng, cho nên ta khua chiêng đó.

Đức nói:

– Nếu không thu quân, thì ta đã chém được hắn rồi!

Cấm nói:

– Đi vội vàng quá thì bước không được chắc, ta phải từ từ mà làm.

Bàng Đức không biết ý Vu Cấm, chỉ phàn nàn mãi không thôi.

Lại nói Quan Công về đến trại, rút mũi tên ra, may vết thương cũng không sâu lắm, bèn sai người lấy thuốc dấu dịt lại. Quan Công giận Bàng Đức lắm, bảo với các tướng rằng:

– Ta thề thế nào cũng báo thù được mũi tên này!

Các tướng nói:

– Tướng quân hãy nghỉ ngơi ít bữa, rồi lại đánh nhau cũng chưa muộn.

Hôm sau, có tin Bàng Đức dẫn quân đến khiêu chiến. Quan Công muốn ra, các tướng cố sức ngăn lại. Bàng Đức sai quân sỉ nhục. Quan Bình giữ vững cửa trại, dặn các tướng không ai được nói cho Quan Công biết.

Bàng Đức đến thách đánh hơn mười ngày, không thấy một người nào ra, bèn bàn với Vu Cấm rằng:

– Mắt ta trông thấy Quan Công tin phải tên, dễ thường nhọt tên ấy sưng lên, không nhấc tay lên được, cho nên không dám ra hẳn? Chi bằng nhân cơ hội này, hội cả bảy đạo quân, đánh bừa vào trại, mới giải được vây cho Phàn Thành.

Vu Cấm chỉ sợ Bàng Đức thành được công to, cứ vịn lấy lời dặn của Tào Tháo, không cho động binh. Bàng Đức mấy phen muốn đến cướp trại, Cấm nhất định không nghe. Cấm lại dời cả bảy đạo quân sang qua cửa núi, cách Phàn Thành mười dặm dựa vào sườn núi hạ trại. Cấm tự lĩnh binh hạ ngang đường lớn, sai Bàng Đức đóng ở sau hang núi, để không tiến quân lập công được.

Quan Bình thấy Quan Công khỏi được cái nhọt tên, mừng rỡ lắm. Chợt nghe tin Vu Cấm dời quân sang mé bắc Phàn Thành, lập tức vào bẩm với Quan Công. Quan Công lên ngựa, dẫn vài tên lính kỵ, trèo lên gò cao đứng xem, thì thấy ở trên Phàn Thành, cờ cắm xiêu vẹo, quân sĩ lộn xộn; trong hang núi cách phía bắc thành mười dặm có một bọn quân mã đóng. Lại thấy nước sông Tương Giang chảy xiết lắm. Quan Công xem xong trở về, gọi quan hướng đạo hỏi rằng:

– Hang núi ở ngoài mười dặm mé bắc Phàn Thành, gọi là xứ gì?

Quan hướng đạo bẩm:

– Đó gọi là cửa Khoái Khẩu.

Quan Công mừng nói rằng:

– Vu Cấm tất bị ta bắt sống!

Các tướng hỏi:

– Sao tướng quân lại nhất quyết như thế?

Quan Công nói:

– Cá vào cửa đó, có lâu làm sao được?

Ai nấy đếu chưa tin. Quan Công về trại, lúc ấy vào mùa thu tháng tám, mưa rào liền mấy hôm, bèn sai thu xếp thuyền bè, dự sẵn đồ thuỷ chiến. Quan Bình hỏi:

– Đánh nhau trên bộ, can gì phải dùng đến thuyền bè?

Quan Công nói:

– Mày biết đâu được mẹo này! Vu Cấm không đóng quân ở chỗ rộng rãi, mà tụ cả vào chỗ hẻm ở trong cửa sông Khoái Khẩu. Hiện nay, mưa thu tầm tã, nước sông Tương dâng lên đầy ắp. Ta đã sai người lấp các cửa sông, đợi khi nào nước to, ta lên chỗ cao cho thuyền ra tháo nước tràn vào thì quân giặc ở Phàn Thành, Khoái Khẩu thành ra cua cá cả!

Quan Bình chịu kế ấy là hay.

Lại nói, quân Nguỵ đóng ở cửa Khoái Khẩu, mưa to luôn mấy hôm, đốc tướng là Thành Hà vào bẩm với Vu Cấm rằng:

– Quân ta đóng ở cửa sông, địa thế thấp lắm, tuy có núi đất, nhưng cách trại hơi xa. Hiện nay mưa thu ròng rã, quân sĩ vất vả lắm. Mấy bữa nay lại nghe tin quân Kinh Châu đóng cả ở trên gò cao, và sửa sang lại thuyền bè ở cửa sông Hán Thuỷ. Nếu nước sông lên to, thì quân ta nguy mất, phải liệu trước đi mới được.

Vu Cấm quát mắng rằng:

– Đồ sất phu kia! Mày dám làm loạn bụng quân hả! Hễ còn nói nữa thì ta chém!

Thành Hà hổ thẹn lui ra, lại đến nói chuyện với Bàng Đức.

Đức nói:

– Ngươi nói phải lắm! Vu tướng quân không dời quân đi chỗ khác, đến mai ta đem quân ra nơi khác một mình vậy!

Bàn định xong xuôi, đêm hôm ấy, bỗng nổi mưa to gió lớn. Bàng Đức đang ngồi trong trướng, nghe thấy tiếng nước reo ầm ầm, tiếng trống chiêng rầm rĩ. Đức giật mình, vội vàng ra trướng lên ngựa, thì thấy ba bề bốn bên, nước đổ về như thác lũ. Bảy đạo quân Tào bấy giờ chạy đâu cho thoát, thôi thì người chìm giữa dòng, kẻ giạt ngọn sóng, lênh đênh trên mặt nước, chết đuối không biết cơ man nào mà kể. Chỗ đất phẳng, nước sâu hơn một trượng.

Vu Cấm, Bàng Đức và các tướng may nhanh chân chạy lên được gò cao.

Đến tang tảng sáng, Quan Công cùng với các tướng ngồi trên thuyền to, phất cờ đánh trống kéo đến. Vu Cấm thấy bốn mặt không còn đường nào chạy, mà tả hữu thì chỉ còn được năm sáu mươi người, mới tình nguyện xin hàng. Quan Công sai lột cả áo giáp, bắt giam vào trong thuyền, rồi đến bắt Bàng Đức.

Lúc đó, Bàng Đức cùng với Đổng Hành, Đổng Siêu, Thành Hà và năm trăm bộ tốt, không ai có một mảnh giáp nào, đứng cả trên đê. Quan Công đến, Bàng Đức không sợ hãi chút nào, xông lại tiếp chiến. Quan Công sai thuyền vây bọc cả bốn mặt, rối cho quân bắn lên trên núi, quân Nguỵ chết hại hơn một nửa.

Đổng Hành, Đổng Siêu thấy thế nguy, bảo với Bàng Đức rằng:

– Quân ta mất đã quá nửa rồi, bốn mặt không có đường nào chạy, chi bằng hàng quách cho rảnh!

Bàng Đức nổi giận mắng rằng:

– Ta chịu hậu ân của Nguỵ vương, lại thèm khuất thân với ai?

Lập tức chém hai người ấy ở trước trận, rồi quát to lên rằng:

– Ai còn dám nói hàng, thì hãy trông gương hai người này!

Bởi thế chúng đều phải cố ra sức kháng cự, tự sáng sớm đến mãi buổi trưa, càng đánh càng hăng.

Quan Công thúc quân bốn mặt đánh thật riết, tên bắn lên núi như mưa, Đức ngoảnh lại nói với Thành Hà rằng:

– Ta nghe có câu rằng: “Đã gọi là dũng tướng thì không sợ chết, đã gọi là tráng sĩ, thì không nên huỷ cái danh tiết mình mà cầu lấy sống”. Ngày hôm nay là ngày ta chết đây, ngươi nên cố liều chết mà đánh!

Thành Hà nghe lời bước ra, bị Quan Công bắn một phát ngã lăn xuống nước chết. Quân sĩ xin hàng cả. Duy có một mình Bàng Đức, vẫn cứ ra sức cự lại. Đang khi ấy, có vài mươi tên lính Kinh Châu, bơi một chiếc thuyền nhỏ lại gần bờ. Đức cắp đao nhảy vọt một cái, vào trong thuyền, giết ngay được mươi người. Chúng phải bỏ thuyền nhảy xuống sông trốn.

Bàng Đức một tay cắp đao, một tay bơi chéo, định chạy ra Phàn Thành. Bỗng ở mé trên có một tướng bơi một chiếc bè to đến, làm cho chiếc thuyền nhỏ chao nghiêng đi, Bàng Đức ngã lăn xuống nước. Tướng ấy nhảy theo xuống, bắt sống được Bàng Đức đem lên. Chúng trông ra xem ai, thì là Châu Thương. Nguyên Châu Thương ở Kinh Châu mấy năm, thạo nghề lội nước mà lại có sức khoẻ, cho nên mới bắt nổi được Bàng Đức.

Bảy đội quân của Vu Cấm bị chết đuối rất nhiều, còn người nào biết bơi thoát được, thì lại không có đường nào chạy, cũng phải hàng cả.

Đời sau có thơ khen Quan Công rằng:

Nửa đêm chiêng trống nổi vang trời,

Đất phẳng Tương, Phàn hoá vực khơi!

Trí dũng Quan Công ai sánh nổi?

Uy danh lừng lẫy để muôn đời!

Quan Công về chỗ gò cao, trèo lên trướng ngồi, đao phủ điệu Vu Cấm đến, Cấm lạy phục xuống đất, kêu van xin tha tội.

Quan Công nói:

– Mày sao dám kháng cự với tao?

Cấm thưa:

– Phụng mệnh người trên sai khiến, nhưng như chúng tôi đâu dám thế. Xin quân hầu thương cho, chúng tôi sẽ xin hết sức để báo lại ân ấy!

Quan Công vuốt râu, cười nói rằng:

– Tao giết mày cũng như giết giống chó lợn đó thôi, chẳng bõ bẩn gươm của tao! Quân đâu! Hãy trói cổ nó lại, điệu về Kinh Châu giam vào ngục, đợi khi nào ta về sẽ khu xử.

Chúng lại điệu Bàng Đức đến, Đức trợn mắt tròn xoe, đứng sững chứ không quỳ.

Quan Công hỏi:

– Anh mày hiện đang ở Hán Trung, chủ cũ mày là Mã Siêu thì đang làm đại tướng ở Thục, làm sao mày không hàng cho sớm?

Đức quát lên rằng:

– Ta thà chịu chết, chớ không khi nào chịu hàng mày!

Đức mắng chửi om sòm Quan Công giận lắm, quát đao phủ lôi ra chém. Đức vươn cỗ lên cho chém.

Quan Công thương hại, sai người chôn cất tử tế. Rồi nhân lúc nước còn mênh mông, bèn dẫn các tướng chèo thuyền đến đánh Phàn Thành. Bấy giờ chung quanh Phàn Thành đều là nước cả, sóng gió đập vào chân thành có chỗ sắp lở. Dân phu trong thành gánh đất chuyển gạch, ngày đêm xây đắp, không lúc nào được nghỉ.

Các tướng Tào, người nào người nấy sợ hãi tất tưởi vào bẩm với Tào Nhân rằng:

– Tình hình nguy cấp thế này, không thể cứu vãn được nữa. Ta nên nhân lúc quân giặc chưa đến, chèo thuyền trốn ngay đêm nay là hơn. Tuy rằng mất thành, nhưng toàn được binh mệnh!

Nhân nghe theo. Mọi người đang sắp sửa thuyền bè, thì Mãn Sủng can rằng:

– Không nên! Không nên! Nước lũ bỗng nhiên tràn về, ngập lâu sao được? Chẳng mấy bữa nước tất phải rút. Quan Công tuy chưa đánh thành, nhưng đã sai tướng khác giữ đường ngoài thành rồi, thế mà chưa dám đến đây, là vì sợ quân ta đánh tập hậu đó thôi. Nếu ta bỏ thành mà đi, thì tự miền nam sông Hoàng Hà trở xuống, không còn thuộc về nhà nước nữa. Xin tướng quân phải cố mà giữ lấy thành này để làm bức bình phong mới được.

Nhân chắp tay tạ rằng:

– Không có Bá Ninh dạy bảo thì lỡ mất việc lớn!

Nói đoạn cưỡi ngựa lên thành, hội các tướng lại thề rằng:

– Ta phụng mệnh Nguỵ vương giữ thành này, hễ ai còn dám nói bỏ thành chạy nữa thì chém!

Các tướng đều xin cố chết chống giữ. Nhân mừng lắm, sai trữ sẵn vài trăm bộ cung tên ở trên mặt thành, quân sĩ ngày đêm canh giữ, không ai dám lười nhác chút nào. Già trẻ trong thành kéo ra, khiêng đất vận đá, lấp những chỗ sụt lở. Được mươi hôm, nước quả nhiên dần dần rút xuống thực.

Quan Công từ khi bắt được bọn tướng Nguỵ, danh tiếng đồn dậy cả thiên hạ, đâu đâu cũng khiếp. Bỗng con thứ hai là Quan Hưng từ Kinh Châu đến thăm cha, Quan Công sai mang sổ công lao về Thành Đô, tâu với Hán Trung vương để phong thưởng cho các tướng.

Quan Hưng lạy từ, mang sổ về Thành Đô.

Quan Công chia một nửa quân, sai đóng ngăn chặn ở đường Giáp Hạ, còn mình thì dẫn quân đến đánh bốn mặt Phàn Thành. Quan Công đến cửa bắc, cầm roi trỏ lên thành mà bảo rằng:

– Đàn chuột kia! Không hàng ngay đi, còn đợi đến bao giờ?

Tào Nhân ở trên địch lâu, thấy Quan Công chỉ mặc một áo giáp che ngực, trong mặc áo cẩm bào xanh, vội vàng sai năm trăm tay cung, nhất tề bắn ra một loạt. Quan Công vội vàng quay ngựa về, thì đã bị một mũi tên tin vào cánh tay phải.

Đó là:

Nước ngập bảy quân vừa mất mặt,

Tên bay một mũi bỗng thương thân.

Chưa biết Quan Công ra làm sao, xem hồi sau sẽ biết.

Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.