Vội báo thù, Trương Phi bị hại
Mong rửa hận, tiên chủ cất quân
Tiên chủ muốn khởi quân sang đánh Đông Ngô, Triệu Vân can rằng:
– Quốc tặc là Tào Tháo chớ không phải là Tôn Quyền. Nay Tào Phi cướp ngôi, thần và người cùng oán. Bệ hạ nên lấy Quan Trung trước, đóng quân mé trên sông Vi Hà, để đánh kẻ hung nghịch, thì bọn nghĩa sĩ bên Quan Đông, ắt mang lương, tế ngựa đến đón quân bệ hạ. Nếu bỏ Nguỵ mà đánh Ngô, việc chiến tranh đã gây ra, dễ mà thôi ngay được, xin bệ hạ xét kỹ mà xem!
Tiên chủ nói:
– Tôn Quyền hại mất em trẫm, vả lại trẫm còn đang căm tức bọn Phó Sĩ Nhân, My Phương, Phan Chương, Mã Trung, có xé được xác chúng và giết cả họ chúng, trẫm mới hả lòng, ngươi cản trở trẫm sao?
Vân thưa:
– Thù giặc nước mới là thù chung, còn thù anh em là thù riêng, xin bệ hạ coi thiên hạ trọng hơn mới được.
Tiên chủ đáp:
– Trẫm không báo thù được cho em, tuy có giang sơn muôn dặm, cũng chẳng quý gì.
Rồi không nghe lời Triệu Vân, một mặt truyền ngay lệnh khởi quân sang đánh Ngô, và sai sứ ra Ngũ Khê mượn năm vạn quân rợ để tiếp ứng, một mặt sai sứ sang Lãng Trung, thăng cho Trương Phi làm xa kỵ tướng quân, lãnh chức tư lễ hiệu uý, phong làm hầu Tây Lương, kiêm chức mục ở Lãng Trung.
Trương Phi giữ Lãng Trung, từ khi nghe tin Quan Công bị Đông Ngô hại, ngày nào cũng gào khóc cả ngày, nước mắt chảy ra huyết đầm đìa vạt áo.
Các tướng đem rượu khuyên giải, rượu say vào Phi lại càng hung hăng lắm. Đầy tớ trên dưới hơi có điều gì là đánh, lắm người bị đòn mà chết. Mỗi ngày trông về phía nam, Phi nghiến răng trợn mắt hằn học, khóc lóc thảm thiết.
Chợt có sứ giả đến. Phi vội vàng ra tiếp vào, mở đọc chiếu. Phi chịu tước, ngoảnh về phía bắc lạy tạ, rồi mở tiệc thết đãi sứ giả.
Phi hỏi rằng:
– Anh ta bị hại, thù sâu như bể, những bầy tôi miếu đường, sao không tâu lên để cất quân đi đánh cho sớm?
Sứ giả nói:
– Lắm người khuyên hoàng thượng đánh Nguỵ trước, rồi sau sẽ đánh Ngô.
Phi giận nói rằng:
– Thế là nghĩa lý gì? Khi xưa ba anh em ta kết nghĩa vườn đào, thề cùng nhau sống chết, nay bất hạnh anh thứ hai nửa đường mất sớm, ta ngồi hưởng phú quý một mình sao cho đành? Ta phải đến ra mắt thiên tử, xin làm tiền bộ tiên phong, mặc đồ trở sang đánh Ngô, bắt sống quân nghịch tặc, đem về tế anh ta để trọn lời thề xưa mới được.
Nói đoạn đi ngay với sứ giả sang Thành Đô.
Tiên chủ bấy giờ ngày nào cũng xuống giáo trường, luyện tập quân mã, sắp sửa ngự giá thân chinh. Các quan công khanh đến phủ thừa tướng nói với Khổng Minh rằng:
– Thiên tử mới lên ngôi lớn, đã muốn thân cầm quân đi đánh giặc, không phải là trọng việc xã tắc, thừa tướng cầm cân nhà nước, sao không can ngăn đi?
Khổng Minh nói:
– Ta cố sức can ngăn mấy lần nhưng vẫn không nghe. Hôm nay cả các ông cùng đi với ta vào giáo trường mà can nhân thể.
Khi ấy Khổng Minh dẫn các quan vào can rằng:
– Bệ hạ mới lên ngôi báu, nếu muốn sang mặt bắc đánh giặc Tào, để tỏ nghĩa lớn ra thiên hạ, thì hãy nên thân chinh. Nhược bằng muốn đánh Ngô, thì chỉ nên sai một thượng tướng cầm quân đi cũng xong, không cần phải khó nhọc đến thánh giá.
Tiên chủ thấy Khổng Minh can mãi, bụng đã hơi nguôi nguôi, chợt có Trương Phi đến, tiên chủ vội vàng triệu vào. Phi đến nhà diễn võ, lạy phục xuống đất, rồi ôm lấy chân tiên chủ mà khóc.
Phi nói:
– Bệ hạ nay làm vua, quên mất lời thề vườn đào rồi à? Thù anh hai tôi làm sao không báo?
Tiên chủ nói:
– Lắm người can ngăn nên chưa dám khinh động.
Phi nói:
– Người ta biết đâu lời thề khi xưa! Nếu bệ hạ không đi, tôi xin liều một thân tôi, đánh báo thù cho anh hai. Nếu không báo được, tôi thà rằng chết, chớ không mặt nào trông thấy bệ hạ nữa!
Tiên chủ nói:
– Trẫm với ngươi cùng cất quân đi. Ngươi đem quân bản bộ từ Lãng Trung kéo sang, trẫm dẫn tinh binh hội nhau ở Giang Châu, để cùng đánh Đông Ngô báo cái thù này.
Khi Phi sắp ra về, tiên chủ lại dặn rằng:
– Trẫm vẫn biết ngươi trong khi say rượu, thường hay hung hăng đánh đập quân sĩ, mà lại cho nó hầu cận tả hữu, đó là con đường gây vạ. Từ rày phải khoan hoà, chớ như trước nữa nhé!
Phi lạy từ trở ra.
Hôm sau, tiên chủ chỉnh binh sắp đi. Quan học sĩ là Tần Bật tâu rằng:
– Bệ hạ đem cái thân quý trọng muôn cỗ xe mà theo làm một điều nghĩa nhỏ, không ai khen gì việc ấy, xin bệ hạ xét cho.
Tiên chủ nói:
– Trẫm với Vân Trường, đã thề cùng sống chết có nhau, nghĩa lớn còn đó, bỏ làm sao cho được?
Bật cứ cúi rạp xuống đất không đứng dậy và nói rằng:
– Bệ hạ không nghe lời tôi, tôi chỉ sợ đi thì bất lợi.
Tiên chủ nổi giận nói rằng:
– Trẫm sắp cất quân đi, sao ngươi dám gở mồm thế?
Liền quát võ sĩ lôi ra chém.
Bật bị võ sĩ điệu ra, mặt vẫn ung dung như không, ngoảnh cổ lại cười mà nói rằng:
– Tôi chết cũng chẳng hề chi, nhưng chỉ tiếc cơ đồ mới gây dựng lên lại sắp đổ mất thôi.
Các quan xúm cả vào kêu van cho Tần Bật.
Tiên chủ mới nói rằng:
– Hãy đem giam cổ nó xuống dưới kia! Khi nào trẫm báo thù xong rồi, về sẽ trị tội.
Khổng Minh nghe tin, lập tức dâng biểu cứu Tần Bật.
Trong biểu nói rằng:
– “Thần là Lượng, thiết nghĩ rằng: Giặc Ngô dùng mẹo quỷ quyệt, đến nỗi Kinh Châu đổ mất, sao tướng tinh sa ở phận Ngu Đẩu, cột chống trời gãy ở xứ Ngô Sở. Xem cái tình hình đau đớn ấy, thực không bao giờ quên! Nhưng lại nghĩ rằng: đời ngôi nhà Hán, là tội tại Tào Tháo, chớ không phải lỗi tại Tôn Quyền. Phỏng thử ta trừ xong Nguỵ thì Ngô tự nhiên phải hàng. Xin bệ hạ nghe lời vàng đá của Tần Bật để dưỡng sức sĩ tốt, tìm kế hay hơn mà làm, thì xã tắc, thiên hạ may lắm”.
Tiên chủ xem xong bài biểu, quẳng xuống đất, nói rằng:
– Ý trẫm đã quyết, không ai được can nữa!
Bèn sai thừa tướng là Gia Cát Lượng trông nom thái tử ở nhà giữ hai Xuyên; sai phiêu kỵ tướng quân Mã Siêu và em là Mã Đại hiệp trợ với trấn bắc tướng quân Nguỵ Diên giữ Hán Trung để địch quân Nguỵ, sai hổ oai tướng quân Triệu Vân làm hậu ứng và đốc thúc lương thảo, Hoàng Quyền, Trình Kỳ làm tham mưu, Mã Lương, Trần Chấn coi việc văn thư; Hoàng Trung làm tiền bộ tiên phong; Phùng Tập, Trương Nam làm phó tướng; Phó Đồng, Trương Dực làm trung quân hiệu uý, Triệu Dong, Trương Thuần làm đoạn hậu. Tướng ở Xuyên vài trăm viên, cùng với tướng tốt ở rợ Ngũ Khê, cả thảy bảy mươi lăm vạn quân, kén ngày bính dần tháng bảy, năm Chương Vũ thứ nhất, ra quân.
Trương Phi từ khi trở về Lãng Trung, hạ lệnh trong quân, hẹn trong ba ngày, phải may cờ trắng, áo giáp trắng, để ba quân mặc đồ tang sang đánh Ngô.
Hôm sau, có hai tướng dưới trướng là Phạm Cương, Trương Đạt vào kêu rằng:
– Cờ trắng, giáp trắng, một lúc may sao cho kịp. Xin gia hạn cho mới được.
Phi nổi giận nói:
– Ta muốn báo thù, đang tức mình không đến ngay được cõi giặc, chúng bay sao dám trái tướng lệnh của ta?
Liền quát võ sĩ sai trói hai người vào gốc cây, đánh mỗi người năm chục roi. Đánh xong, lại trỏ tay bảo họ rằng:
– Ngày mai phải may cho đủ, nếu sai hẹn thì ta chặt đầu chúng mày đi để làm gương cho kẻ khác!
Hai người phải đòn đau quá, hộc cả máu ra đằng miệng. Họ trở về dinh bàn chuyện với nhau. Phạm Cương nói:
– Hôm nay ta phải đòn thế này, còn ngày mai nữa thì biện làm sao cho kịp? Người ấy tính nóng như lửa, nếu ngày mai không xong, chúng ta cũng khó toàn mạng!
Trương Đạt nói:
– Để cho hắn giết ta, chẳng thà ta giết hắn trước đi cho rảnh!
Cương nói:
– Làm thế nào đến gần hắn được mà giết?
Đạt nói:
– Nếu số hai chúng ta chưa đáng chết, thì hôm nay hắn say rượu ngủ trên giường, nếu số chúng ta đáng chết thì hắn còn tỉnh.
Khi ấy, Trương Phi ngồi trong trướng, tinh thần hoảng hốt, đứng ngồi không yên, mới hỏi bộ tướng rằng:
– Ta hôm nay nghe nóng ruột đứng ngồi không yên không biết tại làm sao?
Bộ tướng bẩm:
– Đó là vì tướng quân tưởng nhớ Quan Công, cho nên sinh ra thế.
Trương Phi sai mang rượu ra uống với bộ tướng cho giải phiền, không ngờ uống say quá, nằm ngủ trong trướng.
Hai tên giặc Phạm, Trương dò biết được là Phi say rượu rồi, đến canh đầu, mỗi tên giắt một con dao găm cực sắc, đi lẻn vào trong trướng, nói dối là vào bẩm một việc cơ mật, rồi đến thẳng đầu giường Phi. Xưa nay Phi ngủ, không nhắm mắt bao giờ. Hôm ấy, Phi nằm trong trướng, hai tên trông thấy mắt Phi vẫn mở, râu vểnh ngược, không dám động đến. Sau vì nghe thấy tiếng Phi ngáy như sấm, hai đứa mới dám bước lại gần, giơ dao đâm một nhát vào giữa bụng Trương Phi. Phi kêu to được một tiếng thì chết. Bấy giờ mới có năm mươi lăm tuổi.
Người sau có thơ rằng:
An Hỉ xưa từng đánh Đốc Bưu,
Khăn vàng quét sạch giúp Viêm Lưu.
Hổ Lao ải nọ lừng oai dữ,
Trường Bản cầu kia nổi tiếng reo.
Nghĩa thả Nghiêm Nhan, yên cõi Thục,
Trí lừa Trương Cáp, định Trung Châu.
Thù Ngô chưa báo, thân đà thác,
Đất Lãng nghìn thu nội cỏ sầu!
Hai thằng giặc cắt ngay đầu Trương Phi, dẫn vài mươi tên đầy tớ đi suốt đêm sang hàng Đông Ngô.
Hôm sau, trong quân nghe chuyện làm vậy, liền cất quân đuổi theo, thì đã muộn rồi. Bấy giờ có bộ tướng Trương Phi là Ngô Ban, nguyên khi trước ở Kinh Châu lại ra mắt tiên chủ, tiên chủ cho làm nha môn tướng sai ra giúp Trương Phi giữ ở Lãng Trung, Ngô Ban liền dâng biểu tâu với thiên tử, rồi sai con cả Trương Phi là Trương Bào sắm sửa quan quách khâm liệm. Trương Bào để em là Trương Thiệu ở lại giữ Lãng Trung còn mình về báo với tiên chủ.
Tiên chủ bấy giờ đã kén ngày ra quân, quan viên lớn nhỏ, theo cả Khổng Minh đi tiễn khỏi mười dặm đường mới trở về.
Khổng Minh về đến Thành Đô, sắc mặt buồn rầu, bảo với các quan rằng:
– Giá mà Pháp Hiếu Trực còn sống, chắc hẳn ngăn được chúa thượng không sang mặt đông.
Đêm hôm ấy, tiên chủ tự nhiên thấy rùng mình nóng ruột, trằn trọc không ngủ được, mới ra sân ngẩng mặt lên trời xem thiên văn, thì thấy mé tây bắc có một ngôi sao to bằng cái đấu sa xuống đất. Tiên chủ nghi lắm, sai người đi ngay đến triệu Khổng Minh để hỏi. Khổng Minh tâu rằng:
– Điềm này tất là mất một đại tướng, trong ba ngày thì biết tin.
Tiên chủ nhân thể đóng quân lại, chưa dám đi vội.
Hôm sau, sực có quan hầu cận vào tâu rằng:
– Bộ tướng của quan xa kỵ tướng quân Trương Phi, là Ngô Ban sai người mang biểu đến dâng.
Tiên chủ giẫm chân xuống đất than rằng:
– Trời ôi! Em ba ta hỏng mất rồi!
Khi xem đến biểu, quả nhiên là tin dữ về Trương Phi. Tiên chủ khóc ầm lên, ngất lăn xuống đất. Các quan cứu tỉnh dậy, khuyên giải một hồi lâu mới nguôi.
Hôm sau, có một đội quân mã kéo đến, đi nhanh như bay.
Tiên chủ ra cửa trại đứng xem, một lát thấy một tướng trẻ tuổi, áo trắng giáp bạc, vùng nhảy ngay xuống ngựa, lạy rập xuống đất mà khóc. Tiên chủ trông ra thì là Trương Bào.
Bào thưa:
– Phạm Cương, Trương Đạt giết mất cha tôi, đem đầu sang hàng Ngô rồi!
Tiên chủ đau đớn khóc lóc, bỏ cả ăn uống.
Quần thần can rằng:
– Bệ hạ muốn báo thù cho hai em, sao lại vật vã long thể làm vậy?
Tiên chủ bấy giờ mới chịu ăn cơm. Rồi bảo với Trương Bào rằng:
– Mày có dám dẫn quân bản bộ, cùng với Ngô Ban làm tiên phong, để đánh báo thù cho cha mày không?
Bào tâu:
– Vì nước vì cha, muôn chết cũng không dám từ!
Tiên chủ vừa định sai Trương Bào đi, thì lại thấy một toán quân xồng xộc kéo đến; tiên chủ sai người ra xem quân nào thì thấy thị thần dẫn một tướng trẻ tuổi, cũng mặc áo trắng giáp bạc, vào dinh ra mắt tiên chủ. Tướng ấy vào đến nơi phục xuống đất mà khóc, té ra là Quan Hưng.
Tiên chủ trông thấy Quan Hưng, nhớ đến Quan Công lại khóc. Các quan cố sức can gián.
Tiên chủ nói:
– Trẫm từ thuở hàn vi, kết nghĩa với Quan, Trương thề cùng sống chết. Nay trẫm làm thiên tử, vừa được đến ngày cùng với hai em hưởng phú quý, chẳng may đều chết không được toàn mạng, nay trông thấy hai cháu ở đây, ai chẳng đứt ruột?
Nói rồi lại khóc lóc sầu thảm.
Các quan nói:
– Hai tướng hãy ra ngoài kia, để thánh thượng nghỉ ngơi.
Thị thần tâu rằng:
– Bệ hạ ngoài sáu mươi tuổi rồi, không nên thương xót vật vã lắm.
Tiên chủ khóc mà nói rằng:
– Hai em chết cả rồi, trẫm sống một mình làm gì?
Các quan bàn với nhau rằng:
– Thiên tử sầu não như vậy, làm thế nào cho khuây giải được?
Mã Lương nói:
– Thiên tử thân cầm quân sang đánh Ngô, mà cả ngày cứ khóc lóc thế này, tôi e rằng mang quân đi không được lợi.
Trần Chấn nói:
– Tôi nghe ở phía tây núi Thanh Thành, thuộc về Thành Đô, có một người ẩn dật, họ Lý tên Ý, sống lâu ba trăm tuổi, biết được số người ta sống chết lành dữ, cũng là một ông tiên thời nay. Ta nên tâu với thiên tử, mời ông cụ ấy lại hỏi xem việc hay dở ra làm sao, còn hơn chúng ta can ngăn.
Bèn vào tâu với tiên chủ. Tiên chủ nghe lời, sai Trần Chấn mang chiếu thư đến núi vời ông cụ ấy.
Trần Chấn phụng mệnh đi triệu, sai người xứ ấy đưa đường, đi cùng kiệt mãi vào trái núi trong rừng sâu, trông mé xa có một toà nhà. Trần Chấn ngắm nhìn chung quanh, mây thanh khí mát, phong cảnh lạ lùng, quả là một nơi tiên cảnh. Khi gần đến cửa ngõ, thì một tiểu đồng chạy ra đón, bảo rằng:
– Ông có phải là Trần Hiếu Khởi đó không?
Trần Chấn giật mình hỏi:
– Tiểu đồng sao lại biết cả họ tên ta thế?
Tiểu đồng nói:
– Thầy tôi hôm qua nói hôm nay tất có chiếu mệnh thiên tử đến đây, sứ giả là Trần Hiếu Khởi.
Chấn nói:
– Thế mới thực là tiên! Lời đồn không ngoa chút nào!
Mới cùng với tiểu đồng vào nhà trong ra mắt Lý Ý. Chấn đưa chiếu trình lên, Ý từ chối vì già yếu, không sao đi được.
Chấn nói:
– Thiên tử muốn được tiếp tiên ông lắm, xin tiên ông chở quản công xe hạc, đi cho một chút.
Lý Ý nhất định không đi. Chấn khẩn khoản hai ba lần, Ý mới chịu.
Khi đến ngự doanh, Lý Ý vào yết kiến tiên chủ.
Tiên chủ trông thấy người ấy đầu bạc phơ phơ mà mặt mũi còn trẻ, mắt biếc con ngươi vuông, sáng quắc như mặt kính, hình thù gầy gò như cây bách cổ thụ, tiên chủ biết là người lạ, tiếp đãi tử tế. Lý Ý tâu rằng:
– Lão phu là một người già ở nơi quê mùa, ngu si đần độn, bệ hạ cho triệu đến, không biết ngài có điều gì truyền bảo đây?
Tiên chủ nói:
– Trẫm cùng với Quan, Trương hai em, kết nghĩa sống chết hơn ba mươi năm rồi. Nay chẳng may hai em bị hại, trẫm thân cầm đại quân, đi đánh báo thù, chưa biết hay dở làm sao. Nghe tiên ông thông hiểu huyền cơ của tạo hoá, xin bảo cho biết trước thì hay lắm.
Lý Ý đáp:
– Đó là số trời, lão phu biết sao được!
Tiên chủ cố hỏi gặng hai ba lần, Lý Ý xin giấy bút, rồi vẽ những binh mã khí giới, hơn bốn mươi tờ, vẽ xong, lại xé vụn cả ra. Lại vẽ một người to lớn nằm trên mặt đất, bên cạnh có một người đào đất để chôn, mé trên viết một chữ “Bạch” lớn.
Rồi cúi đầu đi ra.
Tiên chủ thấy vậy không bằng lòng, bảo với quần thần rằng:
– Lão này chẳng qua là một lão điên, tin làm quái gì!
Lập tức lấy lửa đốt sạch những giấy ấy, rồi giục quân tiến đi.
Trương Bào tâu rằng:
– Quân mã Ngô Ban đã đến đây, tiểu thần xin làm tiên phong.
Tiên chủ khen là người có chí giỏi, lập tức ban ấn tiên phong cho Trương Bào.
Bào sắp sửa lĩnh ấn, lại có một tướng tuổi trẻ xăm xăm chạy đến nói rằng:
– Hãy để ấn đấy cho ta.
Chúng trông ra thì là Quan Hưng.
Bào nói:
– Ta đã phụng chiếu rồi.
Hưng nói:
– Mày có tài cán gì, mà dám nhận việc ấy?
Bào nói:
– Ta học nghề võ từ thuở nhỏ, bắn tên không sai một phát nào.
Tiên chủ nói:
– Trẫm đang muốn xem võ nghệ của hai cháu để định kẻ hơn người kém.
Bào sai quân cắm một lá cờ ở ngoài trăm bước, trên lá cờ vẽ một cái vòng đỏ, rồi giương cung lên, bắn luôn ba phát, đều tin vào giữa vòng. Người đứng chung quanh, ai cũng khen là bắn giỏi.
Quan Hưng cũng giương cung ra, nói:
– Bắn tin vào vòng cũng chưa là giỏi!
Lúc ấy có một đàn nhạn bay trên trời. Hưng trỏ vào con nhạn thứ ba mà nói rằng:
– Xem ta bắn con nhạn bay thứ ba đây này!
Nói buông lời, bắn lên một phát, quả nhiên tin vào ngay con nhạn bay thứ ba. Con nhạn sa xuống. Các quan văn võ reo ầm cả lên.
Trương Bào nổi giận, vác ngay ngọn bát xà mâu của cha khi xưa, nhảy lên ngựa gọi to lên rằng:
– Mày có dám thi võ với ta không?
Hưng cũng vác thanh đại đao gia truyền, nhảy lên ngựa chạy ra, nói:
– Mày biết sử mâu, dễ thường ta không biết sử đao hẳn?
Hai tướng toan xông vào đánh nhau, tiên chủ quát mắng rằng:
– Hai thằng kia không được vô lễ!
Hưng, Bào vội vàng xuống ngựa, bỏ đồ khí giới, lạy phục xuống đất xin chịu tội.
Tiên chủ nói:
– Trẫm từ khi ở Trác Quận, cùng với hai cha cháu, kết làm anh em, thân như ruột thịt. Nay hai cháu đều là anh em với nhau, lẽ phải đồng tâm hiệp lực, báo thù cho cha, sao lại dám tranh giành nhau, mà bỏ mất cả đại nghĩa? Cha chết chưa được bao lâu, mà còn thế này nữa thì về sau còn tệ đến đâu?
Hai tướng lại lạy chịu lỗi.
Tiên chủ nói:
– Hai cháu hơn kém nhau bao nhiêu tuổi?
Trương Bào thưa:
– Tôi lớn hơn Quan Hưng một tuổi.
Tiên chủ liền sai Quan Hưng nhường Trương Bào làm anh. Hai người lập tức ở tại trước trướng, bẻ một mũi tên ăn thề, cứu giúp lẫn nhau mãi mãi.
Tiên chủ giáng chiếu sai Ngô Ban làm tiên phong. Quan Hưng, Trương Bào đi hộ giá. Quân thuỷ bộ rầm rộ kéo sang nước Ngô.
Nói về Phạm Cương, Trương Đạt đem đầu lâu Trương Phi dâng lên Ngô hầu, thuật lại chuyện trước. Quyền cho hai người ở đó, rồi bảo với các quan rằng:
– Lưu Huyền Đức lên ngôi hoàng đế, thân thống lĩnh hơn bảy mươi vạn tinh binh, sang đánh nước ta, binh thế to quá, nên nghĩ thế nào bây giờ?
Các quan thấy nói vậy, ai nấy đều tái mặt, nhìn ngó lẫn nhau. Gia Cát Cẩn bước ra thưa rằng:
– Tôi ăn lộc của quân hầu đã lâu, không biết lấy gì báo ơn được. Nay xin liều bỏ cái mạng sống này, sang sứ bên Thục, đem đường lợi hại bảo với Huyền Đức, để cho hai nước hoà với nhau, mà hợp sức lại hỏi tội Tào Phi.
Quyền mừng lắm, sai ngay Gia Cát Cẩn đi sứ, sang nói để tiên chủ rút quân về.
Đó là:
Hai nước giao tranh sai sứ đến,
Một lời nói khéo cậy người đi.
Chưa biết Gia Cát Cẩn đi nói ra làm sao, xem hồi sau sẽ rõ.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.