Tần Bật biện bác, hỏi vặn Trương Ôn
Từ Thịnh hóa công, phá quân Ngụy chủ
Lại nói Đông Ngô, sau khi Lục Tốn phá xong quân Nguỵ, Ngô chủ nhắc Lục Tốn lên làm phụ quốc tướng quân, Giang Lăng hầu, lĩnh chức mục ở Kinh Châu; từ đó, binh quyền về cả tay Tốn.
Trương Chiêu, Cố Ung tâu xin Tôn Quyền cải nguyên. Quyền nghe lời, mới cải niên hiệu gọi là năm Hoàng Vũ thứ nhất (223).
Chợt có sứ giả nước Nguỵ đến. Quyền vời vào hỏi. Sứ giả nói:
– Trước kia, Thục sai người đến cầu cứu Nguỵ, trong lúc nông nổi, Nguỵ đã phát binh cứu ứng. Nay hối lại, muốn khởi bốn đạo quân vào lấy Xuyên, xin Đông Ngô lại tiếp đỡ cho. Nếu lấy được Thục, sẽ xin chia đôi, mỗi bên một nữa.
Quyền không biết nghĩ thế nào, mới hỏi Trương Chiêu, Cố Ung.
Chiêu nói:
– Lục Bá Ngôn kiến thức rất cao, phải hỏi ông ta mới được.
Quyền lập tức cho triệu Lục Tốn vào.
Tốn tâu rằng:
– Tào Phi ngồi trấn thủ cõi Trung Nguyên, chưa có thể đồ được, nếu ta không nghe lời hắn lại sinh thù hằn. Tôi chắc rằng cả Nguỵ lẫn Ngô, cũng không có ai địch nổi được với Gia Cát Lượng. Nay ta cứ vâng lời, sắp sẵn quân mã, nhưng hãy để xem bốn mặt kia thế nào; nếu bốn mặt kia đánh thắng, trong Xuyên nguy cấp, Gia Cát Lượng đầu đuôi không cứu ứng được nhau, thì ta sẽ điều quân ra, trước hết đến lấy Thành Đô, là hơn cả. Nếu bốn mặt kia thua, ta lại liệu kế khác.
Quyền nghe lời, bảo với sứ Nguỵ rằng:
– Quân nhu chưa chuẩn bị xong, chờ ít bữa nữa, bên này sẽ cất quân đi.
Sứ giả lạy từ trở về.
Quyền sai người đi dò biết quân Tây Phiên ra cửa Tây Bình, thấy có Mã Siêu, vội vã rút lui. Nam Man Mạnh Hoạch đánh bốn quận bị Nguỵ Diên dùng nghi binh đuổi chạy về động. Quân của Mạnh Đạt ở Thương Dung đi đến nửa đường, bỗng nhiên phát bệnh, không đi được. Tào Chân dẫn quân ra cửa Dương Bình, Triệu Tử Long chống cự, giữ vững các nơi hiểm yếu, không tài gì phá nổi. Tào Chân đóng quân ở hang Tà Cốc, không thể làm nên trò trống gì, cũng dẫn quân về nốt.
Tôn Quyền nghe được tin đó, bảo với các quan rằng:
– Lục Bá Ngôn quả thật tính toán giỏi như thần. Nếu cô vội vàng động binh thì lại kết oán sâu với Tây Thục.
Chợt có tin báo Tây Thục sai sứ là Đặng Chi đến.
Trương Chiêu nói:
– Đây là mẹo của Gia Cát Lượng lui quân sai Đặng Chi sang làm thuyết khách đây!
Quyền hỏi:
– Nên cư xử làm sao?
Chiêu nói:
– Ta nên đặt một cái vạc to chứa vài trăm cân dầu ở trước điện, đun sôi sùng sục, kén lấy hơn ngàn võ sĩ lực lưỡng, to lớn, cầm đồ khí giới, đứng dàn từ ngoài cửa cung đến trước điện, rồi triệu Đặng Chi vào ra mắt. Đừng để cho hắn mở mồm nói trước, ta nên mắng phủ đầu ngay đi, bắt chước chuyện Lịch Tự Cơ đến dụ nước Tề mà mổ bụng ra, xem hắn ứng đối thế nào?
Quyền nghe lời, đặt một cái vạc ở trước điện, sai võ sĩ cầm gươm giáo đứng dàn hai bên, rồi triệu Đặng Chi vào.
Chi áo mũ chỉnh tề đi vào, đến trước cửa cung, thấy hai bên võ sĩ oai phong lẫm liệt, kẻ thì đao to búa lớn, người thì gươm ngắn giáo dài, đứng sắp hàng đến mãi cửa điện. Chi hiểu ý, không chút sợ hãi, cứ ngang nhiên đi vào. Đến trước điện, lại thấy một cái vạc dầu đang sôi. Các võ sĩ đưa mắt cho Đặng Chi, Chi cười tủm tỉm. Cận thần đưa Chi đến trước rèm Tôn Quyền. Chi chỉ vái dài chứ không chịu lạy. Quyền sai cuốn rèm lên, mắng rằng:
– Làm sao không lạy?
Chi đáp:
– Thiên sứ ở nước lớn không phải lạy chúa ở nước nhỏ.
Quyền nổi giận nói:
– Ngươi không biết liệu sức, muốn bắt chước Lịch Sinh đến dụ nước Tề phải không?
Chi cười ầm lên, nói:
– Ai cũng bảo Đông Ngô lắm người hiền, không ngờ lại hoá ra sợ một anh học trò!
Quyền nguôi giận, nói:
– Cô sợ gì một đứa sất phu?
Chi nói:
– Nếu không biết sợ, thì Đặng Bá Miêu này can gì còn phải đến đây dạy bảo các ngươi nữa?
Quyền nói:
– Gia Cát Lượng sai ngươi làm thuyết khách, đến dỗ cô bỏ Nguỵ mà quay về với Thục, phải không?
Chi nói:
– Ta tuy là một người học trò nước Thục, chỉ vì lợi hại của nước Ngô mà đến đây, thế mà phải dàn quân đun vạc, để doạ một sứ giả, sao độ lượng hẹp hòi làm vậy?
Quyền nghe nói, có dáng hổ thẹn, mới quát mắng võ sĩ lui ra, rồi mời Chi lên điện ngồi tử tế, hỏi rằng:
– Việc Ngô, Nguỵ lợi hại ra làm sao, xin tiên sinh dạy cho biết?
Chi nói:
– Đại vương muốn hoà với Thục hay là muốn hoà với Nguỵ?
Quyền nói:
– Cô cốt muốn giảng hoà với Thục, nhưng chỉ ngại Thục chủ còn ít tuổi, kiến thức nông nổi, không giữ được thuỷ chung với nhau mà thôi.
Chi nói:
– Đại vương là một đấng anh hào trên đời. Gia Cát Lượng bên tôi cũng là bậc tuấn kiệt một thời. Thục có núi non hiểm trở, Ngô cũng có ba sông bền vững. Nếu hai nước liên hoà với nhau, kết làm môi răng, tiến lên có thể nuốt được cả thiên hạ, lui về có thể giữ vững được thế chân vạc. Nay nếu đại vương xưng thần với Nguỵ, Nguỵ tất bắt đại vương vào chầu và bắt gửi thái tử làm con tin. Nếu đại vương không nghe, Nguỵ tất cất quân sang đánh. Thục bấy giờ cũng thuận dòng tiến sang. Như thế đất Giang Nam không còn là của đại vương nữa. Nếu đại vương cho lời tôi nói là không phải, tôi xin chết ngay trước mặt đại vương cho tuyệt cái giống thuyết khách đi!
Nói đoạn, cởi áo xăm xăm nhảy vào vạc dầu. Quyền vội vàng sai người ngăn lại, mời vào hậu điện, trọng đãi làm thượng khách.
Quyền nói:
– Lời tiên sinh hợp với ý cô lắm, cô muốn giảng hoà với Thục chủ, tiên sinh nói giúp cho cô được không?
Chi nói:
– Mới rồi đại vương muốn giết tôi, bây giờ đại vương lại muốn sai tôi, đại vương còn phân vân chưa biết thế nào, thì sao cho người ta tin được?
Quyền nói:
– Ý cô đã quyết, tiên sinh chớ có nghi ngại.
Bèn lưu Đặng Chi ở lại, rồi họp cả các quan lại hỏi rằng:
– Cô giữ tám mươi mốt châu Giang Nam, lại có cả đất Kinh Sở, thế mà không bằng một xó Tây Thục. Thục có Đặng Chi, không để nhục đến chủ, sao nước Ngô ta lại không có một người nào vào Thục bày tỏ được ý cho cô?
Có một người trong bọn bước ra, tâu rằng:
– Tôi xin đi sứ!
Chúng trông ra thì là Trương Ôn, tự Huệ Thứ, quê ở Ngô Quận, hiện đang làm trung lang tướng.
Quyền nói:
– Cô chỉ sợ ngươi đến nước Thục, trông thấy Gia Cát Lượng lại không tỏ được tình của cô mà thôi!
Ôn nói:
– Gia Cát Lượng cùng là người, việc gì mà sợ!
Quyền mừng lắm, thưởng cho Trương Ôn, sai đi với Đặng Chi vào Xuyên để thông hiếu.
Sau khi Đặng Chi đi rồi, Khổng Minh tâu với hậu chủ rằng:
– Đặng Chi đi chuyến này, tất nhiên xong việc. Ngô lắm người hiền, tất có người lại đáp lễ. Bệ hạ nên tiếp đãi cho tử tế, sai họ trở về để thông hiếu với Ngô, Ngô mà hoà với ta rồi, thì Nguỵ không dám đánh ta nữa. Ngô, Nguỵ yên ổn đâu đấy, tôi xin trước hết xuống phía nam, dẹp yên đám rợ, sau đó sẽ đồ đến Nguỵ. Nguỵ trừ xong, Ngô cũng không đứng lâu được một mình. Có như vậy ta mới có thể đem lại cơ nghiệp thống nhất được.
Hậu chủ lấy làm phải.
Chợt có tin Trương Ôn đi với Đặng Chi vào Xuyên. Hậu chủ hội cả văn võ ở đan trì, cho Đặng Chi, Trương Ôn vào. Ôn tự đắc, nghênh ngang lên điện ra mắt hậu chủ. Hậu chủ ban cho một cái đệm gấm, cho ngồi bên tả điện, mở ngự yến thết đãi. Tiệc tan, các quan đưa Trương Ôn ra nghỉ nơi nhà khách.
Hôm sau, Khổng Minh mở yến thết đãi Trương Ôn. Khổng Minh bảo Ôn rằng:
– Khi còn tiên đế, Thục không được hoà mực với Ngô. Nay ngài đã mất rồi, chúa thượng tôi bây giờ mến đức Ngô vương, muốn bỏ oán cũ, kết hiếu mãi mãi với nhau để hợp sức lại phá Nguỵ, xin đại phu về tâu giúp với Ngô hầu cho.
Trương Ôn vâng lời. Rượu đến nửa chừng, Trương Ôn cười cười nói nói, hơi có vẻ kiêu ngạo. Hôm sau, hậu chủ sai mở tiệc yến ở nhà trạm cửa nam, cho các quan ra tiễn. Khổng Minh ân cần mời rượu. Đang tiệc, bỗng có người say ngất ngưởng đi vào, vái dài một cái rồi tót lên chiếu ngồi. Ôn lấy làm kỳ quái, hỏi Khổng Minh rằng:
– Người này là thế nào?
Khổng Minh nói:
– Người ấy họ Tần, tên Bật, tự là Tử Sắc, hiện đang làm quan học sĩ ở Ích Châu.
Ôn cười, nói:
– Tiếng là học sĩ, vị tất trong bụng đã có chút gì!
Bật nghiêm sắc mặt, nói:
– Trong Thục này, dẫu đứa trẻ con cũng còn biết học, huống chi là ta!
Ôn nói:
– Thế hãy xin hỏi ông học sách gì?
Bật đáp:
– Trên từ thiên văn, dưới đến địa lý, tam giáo cửu linh, bách gia chư tử, cái gì ta chẳng thông, chuyện hay dở xưa nay cùng là kinh truyện thánh hiền, cái gì ta chẳng hiểu!
Ôn cười, nói:
– Ông đã khoe như thế, tôi xin hỏi ngay việc trên trời. Trời có đầu không?
Bật nói:
– Có đầu.
Ôn hỏi:
– Đầu ở phương nào?
Bật nói:
– Ở phương Tây. Kinh Thi có câu: “Nãi quyến tây cố” (bèn ngoảnh trông về phương tây), cứ thế mà suy ra, thì đầu trời ở phương tây.
Ôn hỏi:
– Trời có tai không?
Bật nói:
– Trời cao mà nghe thấp. Kinh Thi có câu: “Hạc mình cửu cao, thanh vân vu thiên” (con hạc kêu trên chín tầng mây, tiếng nghe đến trời), nếu trời không có tai, sao lại biết nghe?
Ôn hỏi:
– Trời có chân không?
Bật nói:
– Có! Kinh Thi có câu: “Thiên bộ gian nan” (bước trời khó nhọc). Nếu không có chân thì bước làm sao được!
Ôn hỏi:
– Trời có họ không?
Bật nói:
– Sao lại chẳng có!
Ôn hỏi:
– Họ gì?
Bật nói:
– Họ Lưu.
Ôn hỏi:
– Sao biết là họ Lưu?
Bật nói:
– Thiên tử (con trời) họ Lưu, cứ thế mà suy thì biết.
Ôn hỏi:
– Mặt trời mọc ở phương đông, có phải không?
Bật nói:
– Tuy mọc ở phương đông, nhưng mà lại lặn ở phương tây.
Khi ấy, Tần Bật ứng đối trôi chảy, nói năng hoạt bát, cả đám đều ngồi kinh. Trương Ôn không hỏi vặn được câu gì nữa. Bật mới hỏi lại rằng:
– Tiên sinh là danh sĩ Đông Ngô, đã lấy việc trên trời mà hỏi, tất là hiểu sâu lẽ trời. Khi xưa, lúc hỗn độn mới mở, âm dương chia biệt, khí nhẹ mà trong thì bay lên thành trời; khí nặng mà đục, thì đọng xuống dưới thành đất. Đến đời họ Cung Công, đánh trận thua, húc đầu vào núi Bất Chu, thì cột trời đổ gãy, mà rường đất sứt mẻ, trời nghiêng về tây bắc, đất đổ về đông nam. Trời đã là khí nhẹ mà trong, làm sao lại còn nghiêng góc tây bắc? Vả lại, ở ngoài lần khí nhẹ và trong, còn có vật gì nữa, xin tiên sinh dạy cho tôi được biết?
Trương Ôn không biết đối đáp ra sao, mới đứng dậy tạ rằng:
– Tôi không ngờ trong Thục lắm người tuấn kiệt thế này, nghe lời ngài giảng luận, khiến tôi mở được đường ngu dốt.
Khổng Minh chữa thẹn cho Trương Ôn, nói rằng:
– Túc hạ vốn tinh thông những việc yên dân định nước kia, chứ những lời đùa bỡn này thì có làm gì!
Tiệc tan, Ôn lạy tạ Khổng Minh ra về. Khổng Minh lại sai Đặng Chi cùng đi sang Ngô. Hai người lạy từ Khổng Minh đi Giang Đông.
Ngô vương thấy Trương Ôn chưa về, hội cả văn võ lại bàn bạc. Chợt cận thần vào báo rằng Thục sai Đặng Chi theo Trương Ôn sang đáp lễ. Quyền cho mời vào. Trương Ôn quỳ lạy ở trước điện, thuật lại cái việc tử tế của hậu chủ và Khổng Minh, xin kết hiếu mãi với nhau, nên lại sai Đặng thượng thư sang đáp lễ.
Quyền mừng lắm, mở tiệc yến khoản đãi Đặng Chi, rồi bảo rằng:
– Nếu bằng hai nước Thục, Ngô đồng tâm mà diệt Nguỵ, khi nào được thiên hạ thái bình, hai chúa chia đôi thiên hạ, chẳng hoá vui lắm ru!
Chi đáp rằng:
– Trời, không có lẽ hai mặt trời; dân không có lẽ hai chúa. Sau khi diệt được Nguỵ rồi, chưa biết trời cho ai. Có một điều là làm vua thì phải sửa đức mình; làm tôi thì phải biết lòng trung nghĩa, như thế việc chiến tranh mới tắt được.
Quyền cười ầm lên, nói:
– Ông nói thực thà lắm!
Bèn hậu tặng cho Đặng Chi về. Từ đó, Ngô, Thục hai bên hoà hiếu với nhau.
Lại nói, quân do thám của Nguỵ biết được việc ấy, vội vàng báo vào Trung Nguyên. Nguỵ chủ nghe tin, giận lắm, nói rằng:
– Ngô, Thục liên hoà với nhau, tất có ý đồ Trung Nguyên của trẫm, trẫm phải đánh trước đi mới được.
Bởi thế, họp cả văn võ bàn định việc cất quân sang đánh Ngô.
Bấy giờ đại tư mã Tào Nhân, thái uý Giả Hủ đều mất rồi. Có quan thị trung là Tân Tỷ ra ban, tâu rằng:
– Ở Trung Nguyên ta, đất thì rộng mà dân thì ít, muốn dùng binh ngay, không được lợi. Chi bằng ta hãy nuôi quân, cho đóng đồn làm ruộng mười năm, bấy giờ binh nhiều lương đủ, mới có thể phá được Ngô, Thục.
Phi giận, nói:
– Ngô, Thục liên hoà, nay mai tất xâm phạm vào nước ta, đợi gì đến mười năm!
Lập tức truyền chỉ cất quân sang đánh Ngô.
Tư Mã Ý tâu rằng:
– Ngô có sông Trường Giang ngăn trở, không có thuyền sang không được. Bệ hạ bằng muốn thân chinh, nên kén thật nhiều chiến thuyền lớn nhỏ, từ đường Sái Dĩnh, vào sông Hoài, cướp lấy Thọ Xuân, rồi tới Quảng Lăng, sang qua cửa sông, đến tắt lấy Nam Từ, đó mới là thượng sách.
Phi nghe lời, sai thợ ngày đêm đóng gấp lấy mười chiếc thuyền rộng, mỗi cái dài hai mươi trượng, chở nổi hai nghìn người. Lại thu nhặt thêm hơn ba nghìn chiếc thuyền nữa.
Năm Hoàng Sơ nhà Nguỵ thứ năm (224), mùa thu, tháng tám. Tào Phi hội cả tướng sĩ lớn nhỏ, sai Tào Chân làm tiền bộ, Trương Liêu, Trương Cáp, Văn Sính, Từ Hoảng làm đại tướng đi trước, Hứa Chử, Lã Kiền làm trung quân hộ vệ, Tào Hưu làm hợp hậu, Lưu Hoa, Tưởng Tế làm tham mưu. Quân mã thuỷ lục, cả thảy hơn ba mươi vạn, ngày hôm ấy cất quân đi. Lại phong cho Tư Mã Ý làm thượng thư bộc sạ, ở lại Hứa Đô. Tất cả mọi chính sự lớn nhỏ đều giao cả cho Ý coi sóc.
Quân mật thám dò biết việc ấy, báo về nước Ngô. Cận thần vội vàng vào tâu với Ngô vương rằng:
– Nguỵ chủ Tào Phi, thân cưỡi thuyền rồng, dẫn hơn ba mươi vạn đại quân thuỷ, lục, từ đường Sái Dĩnh ra sông Hoài, lấy Giang Lăng để qua sông hạ Giang Nam ta, thế quân rất là lợi hại.
Tôn Quyền cả kinh, hội cả văn võ lại bàn luận.
Cố Ung tâu rằng:
– Nay chúa thượng đã liên hoà với Thục, một mặt nên viết một phong thư đưa cho Gia Cát Khổng Minh, xui hắn cất quân ra Hán Trung để chia bớt thế lực của quân Nguỵ đi. Một mặt sai đại tướng đóng quân ở Nam Từ đánh nhau với giặc.
Tôn Quyền nói:
– Ngoài Lục Bá Ngôn ra, không ai đương nổi việc lớn này.
Cố Ung nói:
– Bá Ngôn trấn thủ ở Kinh Châu, không nên khinh động.
Quyền nói:
– Cô vẫn biết thế, nhưng hiện nay không có ai đỡ được cho cô.
Có một người ở trong đám dạ một tiếng, bước ra nói rằng:
– Tôi tuy bất tài, xin lĩnh một đạo quân chống nhau với quân Nguỵ. Nếu Tào Phi sang sông, tôi xin bắt sống về dâng điện hạ; ví bằng không sang, cũng xin giết một nửa số quân Nguỵ, khiến chúng không dám nhòm ngó đến Đông Ngô ta nữa.
Tôn Quyền trông ra thì là Từ Thịnh, mừng mà nói rằng:
– Nếu được ngươi giữ một dải Giang Nam, thì cô còn lo gì nữa!
Liền phong cho Từ Thịnh làm An Đông tướng quân tổng thống cả quân mã ở Kiến Nghiệp, Nam Từ. Thịnh tạ ân, lĩnh mệnh từ tạ trở ra truyền cho các tướng sắm sửa khí giới, tinh kỳ cho nhiều, để phòng giữ mặt sông.
Bỗng có một người đứng phắt ra thưa rằng:
– Nay đại vương đem công việc tày đình, uỷ thác cho tướng quân; muốn phá quân Nguỵ để bắt sống Tào Phi, sao tướng quân không đưa quân sang sông cho sớm đến Hoài Nam mà nghênh địch có được không? Nếu đợi quân Nguỵ tới nơi, còn chống chế làm sao cho kịp?
Từ Thịnh trông ra thì là Tôn Thiều, cháu gọi Ngô vương bằng chú.
Tôn Thiều tự là Công Lễ, hiện đang làm Dương võ tướng quân, trước đã trấn giữ ở Quảng Lăng. Thiều tuy ít tuổi nhưng tính khí khái, có sức lực, can đảm lắm.
Từ Thịnh nói:
– Thế quân Tào Phi to lắm, lại có danh tướng làm tiên phong, ta không nên sang sông nghênh địch. Đợi khi nào thuyền bên kia tụ ở cả bắc ngạn, ta khắc có mẹo phá được.
Thiều nói:
– Thủ hạ tôi có ba nghìn quân mã, tôi lại quen thuộc đường đất Quảng Lăng, vậy xin một mình lên Giang Bắc, quyết liều chết một trận với Tào Phi, nếu không thắng được, xin chịu quân lệnh.
Từ Thịnh không nghe. Thiều nhất định xin đi. Thịnh cũng nhất định không cho. Thiều vật nài hai ba lần nữa. Thịnh giận, nói rằng:
– Ngươi không nghe hiệu lệnh của ta thế này, ta còn trị làm sao được các tướng?
Lập tức quát võ sĩ lôi Tôn Thiều ra chém. Quân đao phủ điệu Thiều ra đến cửa dinh, dựng một lá cờ thâm, sắp sửa khai đao. Bộ tướng của Thiều phi báo với Tôn Quyền. Quyền vội vàng phi ngựa đi ngay. Võ sĩ sắp hành hình thì Tôn Quyền tới kịp, quát dẹp đao phủ ra, cứu được Thiều.
Thiều khóc, nói:
– Tôi trước kia đã ở Quảng Lăng, quen thuộc cả đường đất, nên nhân lúc này đánh ngay Tào Phi đi. Nếu để hắn sang được sông, thì Đông Ngô ta chẳng mấy bữa nữa là hỏng mất!
Tôn Quyền vào trại. Từ Thịnh ra rước vào trong trướng, rồi tâu rằng:
– Đại vương sai tôi làm đô đốc, cầm quân ra cự nhau với Nguỵ. Tôn Thiều không tuân quân pháp, đáng lẽ nên chém, sao đại vương lại tha?
Quyền nói:
– Thiều cậy sức khoẻ, lỡ phạm phải quân lệnh, xin tướng quân hãy thứ cho nó phen này.
Thịnh nói:
– Phép, không phải do tôi đặt ra, cũng không phải do đại vương đặt ra, mà là luật chung của nhà nước. Nếu cứ người thân thì tha, làm sao sai khiến được kẻ khác?
Quyền nói:
– Thiều nó phạm phép, đáng lẽ mặc ý tướng quân xử trị mới phải. Vì nó tuy là họ Du, nhưng xưa kia anh ta yêu nó lắm, cho đổi làm họ Tôn. Vả nó cũng có công lao với cô nữa, nếu giết đi thì phụ mất bụng anh ta!
Thịnh nói:
– Nể có đại vương đây, hãy xin gửi cái tội chết ở đó!
Quyền sai Tôn Thiều lạy tạ. Thiều nhất định không lạy, lại quát to lên rằng:
– Cứ như ý kiến của ta thì chỉ dẫn quân sang phá Tào Phi là phải. Ta dù chết chăng nữa cũng không phục cái kiến thức của ngươi!
Từ Thịnh tái mặt lại, Tôn Quyền quát mắng Tôn Thiều đuổi ra, rồi bảo Thịnh rằng:
– Nếu không có hắn, thì có thiệt gì cho Đông Ngô? Từ sau chớ dùng hắn nữa.
Nói đoạn trở về.
Đêm hôm ấy, có người báo với Từ Thịnh rằng Tôn Thiều dẫn ba nghìn quân bản bộ, lẻn sang qua sông mất rồi. Từ Thịnh ngại có mặt Ngô vương, mới gọi Đinh Phụng vào, dặn dò mật kế, sai dẫn ba ngàn quân mã qua sông tiếp ứng.
Lại nói, Nguỵ chủ cưỡi thuyền rộng đi đến Quảng Lăng, tiền bộ là Tào Chân đã dàn quân ở bờ sông đại giang rồi.
Tào Phi hỏi rằng:
– Quân bên sông nhiều hay ít?
Tào Chân tâu rằng:
– Cách bờ bên này trông sang, không thấy một người nào, mà cũng không có tinh kỳ, dinh trại gì cả.
Phi nói:
– Đó là quỷ kế đấy, để trẫm đến nơi xem hư thực ra sao mới được.
Thế rồi, Phi sai mở rộng đường sông, thả thuyền rồng vào thẳng đại giang, đậu cả ở bến. Trên thuyền cắm những cờ long, phụng, nhật, nguyệt, tinh kỳ, nghi trượng sáng quắc một vùng.
Tào Phi ngồi chễm chệ trong thuyền, xa xa nhìn sang phía nam, không thấy bóng một người nào, bèn ngoảnh lại bảo Lưu Hoa, Tưởng Tế rằng:
– Có nên sang bên kia sông không?
Hoa tâu rằng:
– Binh pháp thực hoá hư, hư hoá thực. Bên kia thấy đại quân ta đến, tài gì chẳng có phòng bị, bệ hạ chưa nên vội vã sang ngay. Đợi năm ba bữa xem động tĩnh thế nào, rồi hãy cho tiên phong sang trước nghe ngóng mới được.
Phi nói:
– Ngươi nói chính hợp ý trẫm!
Chiều tối hôm ấy, Phi cắm thuyền nghỉ ở giữa sông. Đêm không có trăng, trời tối như mực, quân sĩ đốt đuốc sáng trưng, trời đất như ban ngày. Nhưng trông sang bên kia sông, lại tuyệt nhiên không thấy có đèn lửa gì cả.
Tào Phi hỏi tả hữu rằng:
– Đó là cớ làm sao?
Cận thần tâu rằng:
– Đấy hẳn là họ nghe thấy đại quân của bệ hạ đến, cho nên chạy trốn mất cả rồi!
Phi tủm tỉm cười thầm. Đến gần sáng, sương mù dày đặc, giáp mặt không trông thấy nhau. Phút chốc, nổi cơn gió, trông sang một dải Giang Nam thấy thành trì liên tiếp nhau, trên địch lâu gươm giáo sáng quắc, tinh kỳ phấp phới rợp trời.
Trong một lát, năm bảy tin lại báo rằng:
– Suốt dọc sông Nam Từ, đến thẳng thành Thạch Đầu, liên tiếp nhau vài trăm dặm, thành quách, xe thuyền chi chít, chỉ có một đêm là làm xong cả.
Tào Phi thất kinh.
Nguyên là Từ Thịnh sai bó cỏ làm người giả, cho mặc toàn áo xanh, tay cầm tinh kỳ, đứng cả trên lâu thành giả. Quân Nguỵ trông thấy quân mã đông như kiến, tài nào chẳng rụng rời hết vía!
Tào Phi than rằng:
– Nguỵ dẫu có nghìn bọn võ sĩ cũng không làm được trò gì! Nhân vật Giang Nam giỏi như thế, chửa dễ đã đánh được!
Còn đang kinh ngạc, bỗng nổi cơn gió to, sóng cuộn ngất trời, nước sông bắn lên thuyền ướt cả áo long bào, thuyền rồng chòng chành sắp lật. Tào Chân vội vàng sai Văn Sính bơi chiếc thuyền nhỏ lại cứu giá. Người trên thuyền nghiêng ngả. Văn Sính nhảy lên thuyền rồng cõng Tào Phi xuống thuyền nhỏ, bơi vào trong lạch sông.
Chợt có ngựa lưu tinh chạy lại báo rằng:
– Triệu Vân dẫn quân ra cửa Dương Bình, đi đường tắt lấy Trường An.
Tào Phi nghe tin, giật mình mất vía, liền hạ lệnh rút về. Quân sĩ tranh nhau mà chạy, quân Ngô thừa thế đuổi theo. Phi truyền bỏ đồ ngự dụng chạy thục mạng. Khi thuyền sắp vào đến sông Hoài, bỗng trống, tù và nổi rầm rĩ, tiếng hò reo vang trời, một toán quân bất chợt đánh ra, đại tướng đi đầu là Tôn Thiều. Quân Nguỵ không đương nổi, tổn hại mất quá nửa, lăn xuống sông chết đuối rất nhiều.
Các tướng lăn xả vào đánh mới cứu được Nguỵ chủ. Nguỵ chủ sang qua sông Hoài, đi chưa được ba mươi dặm, bỗng đâu trong đám lau niễng giữa dòng sông không biết dầu mỡ vẩy vào lúc nào, bỗng cháy bùng cả lên, thuận gió trôi xuống, tràn cả vào đám thuyền rồng. Phi tất tả lên ngựa, chợt lại thấy một toán quân kéo đến, đại tướng đi đầu là Đinh Phụng, Trương Liêu quất ngựa lại đón, bị Đinh Phụng bắn một phát tên tin vào lưng, may có Từ Hoảng cứu được. Mấy người cùng nhau giữ gìn Nguỵ chủ mà chạy. Quân sĩ thiệt hại rất nhiều. Tôn Thiều, Đinh Phụng ở mặt sau, cướp được xe, ngựa, khí giới, không biết bao nhiêu mà kể. Quân Nguỵ thua liểng xiểng chạy về.
Ngô tướng Từ Thịnh thu được toàn thắng, Ngô vương thưởng cho rất hậu.
Trương Liêu về đến Hứa Xương, nhọt tên vỡ ra rồi mất. Tào Phi sai làm ma cực hậu.
Nay nói về Triệu Vân, vừa dẫn quân ra khỏi ải Dương Bình, thì có giấy của Khổng Minh đến đòi về, vì có Úng Dĩ ở Ích Châu, kết liên với Mạnh Hoạch, đem mười vạn quân rợ, cướp bóc bốn quận. Khổng Minh sai Mã Siêu giữ vững ải Dương Bình, tự mình cầm quân sang đánh dẹp phương nam.
Đó là:
Vừa thấy Đông Ngô lui Bắc Nguỵ,
Lại xem Tây Thục đánh Nam Man.
Chưa biết việc đánh Man được thua thế nào, xem hồi sau sẽ biết.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.