Văn Ương một ngự thoái quân hùng
Bá Ước men sông phá giặc lớn
Lại nói tháng giêng Ngụy Chính Nguyên năm thứ hai Vô Kỳ Kiệm tên tự là Trọng Văn, người ở làng Văn Hỷ, trấn Hà Đông, hiện đang làm trấn đông tướng quân, lĩnh quân mã ở Hoài Nam. Khi nghe tin Tư Mã Sư tự chuyên làm việc phế lập, trong bụng căm tức lắm. Có người con cả Vô Kỳ Điện nói với cha rằng:
– Phụ thân làm quan tổng trấn một địa phương. Tư Mã Sư chuyên quyền bỏ chúa, nhà nước ngất nghểu như trứng để đầu đẳng, sao lại ngồi yên một chỗ cho đành!
Kiệm nói:
– Con nói phải lắm!
Liền cho mời thứ sử Văn Khâm đến bàn bạc. Khâm nguyên cũng là khách môn hạ của Tào Sảng. Thấy Kiệm mời, Khâm lập tức đến yết kiến. Kiệm mời vào nhà sau, trò chuyện một hồi, bỗng dưng nước mắt ròng ròng.
Khâm hỏi cớ làm sao, Kiệm nói:
– Tư Mã Sư chuyên quyền bỏ chúa, trời đất nghiêng ngửa, trách sao tôi trả thương tâm.
Khâm nói:
– Đô đốc trấn thủ một phuơng, nếu bằng trọng nghĩa đánh giặc, tôi xin liều bỏ một thân, để giúp đỡ đô đốc. Tôi có con thứ hai tên là Văn Thực, tự là A Ương có sức khỏe muôn người, thường vẫn muốn giết anh em Tư Mã Sư, để báo thù cho Tào Sảng, nên sai hắn làm tiên phong.
Kiệm mừng lắm, tức thì rót rượu ăn thề. Hai người nói dối Thái Hậu có mật chiếu, hội cả quan binh tướng sĩ lớn nhỏ vào trong thành Xuân Thọ, lập một đàn ở mé tây, mổ ngựa trắng uống máu ăn thề, nói phao lên rằng Tư Mã Sư đại nghịch vô đạo, nay phụng mật chiếu của Thái Hậu sai cất Hoài Nam để đánh giặc.
Chúng đều bằng lòng xin theo. Kiệm mới dẫn sáu vạn quân ra đóng ở Hạng Thành. Văn Khâm thì dẫn hai vạn quân đi lại vòng ngoài tiếp ứng các nơi. Kiệm đưa hịch cho các quận, sai cất quân giúp đỡ.
Bấy giờ Tư Mã Sư có cái bướu bên mắt tả, thường thường đau ngứa khó chịu, sai quan thầy thuốc cắt đi rịt thuốc vào, mấy bữa ở luôn trong phủ dưỡng bệnh, chợt nghe tin Hoài Nam cáo cấp, Sư liền cho mời thái úy Vương Túc đến bàn bạc.
Túc nói:
– Khi xưa Quan Vân Trường uy thế lừng lẫy, Tôn Quyền sai Lã Mông đánh úp lấy Kinh Châu, chỉ có phủ tuất các gia tướng sĩ mà quân Quan Công phải tan vỡ. Nay gia thuộc các tướng sĩ Hoài Nam ở cả Trung Nguyên, nên kíp vỗ về yên ủi họ, lại mang quân ra chặn đường về, thì quân giặc tất phải vỡ cả.
Sư nói:
– Lời ông phải lắm. Nhưng ta mới cắt cái bướu mắt, không thể đi được; mà sai người khác đi, thì ta không yên tâm, làm thế nào?
Bấy giờ có trung thư thị lang là Chung Hội, đứng bên cạnh, tiến lên nói rằng:
– Quân Hoài Sở mạnh mẽ, sắc sảo lắm. Nếu sai người khác lĩnh quân đi, thường hay bất lợi. Nếu sơ suất, thì việc to hỏng mất.
Sư vùng đứng dậy nói rằng:
– Phi ta đi không phá được giặc!
Bèn lưu em là Tư Mã Chiêu ở lại giữ Lạc Dương, coi xét triều chính. Sư ngồi một chiếc xe đệm lót êm ái, gượng bệnh ra đánh mặt đông; sai trấn đông tướng quân là Gia Cát Đản tổng đốc quân mã ở Dự Châu, tự bến An Phong sang lấy Thọ Xuân, lại sai chinh đông tướng quân Hồ Tuân lĩnh các đạo quân Thanh Châu, ra lối Tiêu Tống, bịt đường giặc về; cử thứ sử Kinh Châu kiêm giám quân là Vương Cơ lĩnh quân tiền bộ, trước hết đến lấy đất Trấn Nam. Sư dẫn đại quân đóng ở Tương Dương, tụ văn võ lại bàn bạc.
Quan lộc huân là Trịnh Bao nói rằng:
– Vô Kỳ Kiệm giỏi mưu mà không quyết đoán, Văn Khâm có khỏe mà trí kém khôn. Nay quân ta mới ra đây, quân Giang Hoài thế còn đang mạnh, chưa nên khinh địch vội; hãy lên thành cao hào sâu, để nén bớt nhuệ khí của họ đi. Đó là mẹo hay của á phu ngày xưa đấy.
Giám quân Vương Cơ nói rằng:
– Không nên giữ! Xứ Hoài Nam làm phản, không phải tự quân dân mong loạn. Chỉ vì Vô Kỳ Kiệm bức bách mà phải theo. Nếu quân ta đến đánh, tất tan ngay như ngói vỡ.
Sư nói:
– Ngươi nói phải lắm!
Bèn tiến quân lên đóng trên sông Ẩn Thủy, trung quân thì đóng tại cầu sông Ẩn.
Vương Cơ nói rằng:
– Thành Nam Đốn đóng quân được; ta nên dẫn quân đến đó cho mau, nếu chậm thì Vô Kỳ Kiệm chiếm mất.
Sư cho ngay Vương Cơ dẫn tiền bộ đến thành Nam Đốn hạ trại.
Vô Kỳ Kiệm ở Hạng Thành, nghe tin Tư Mã Sư tự dẫn quân đến, hội các tướng bàn bạc.
Tiên phong là Cát Ưng nói rằng:
– Đất Nam Đốn dựa núi men sông là chỗ đóng quân rất tốt. Nếu quân Ngụy chiếm trước được, thì ta khó lòng chống nổi, nên đến mà lấy cho mau.
Khi đang đi, có ngựa lưu tin về báo rằng:
– Nam Đốn đã có quân mã hạ trại rồi.
Kiệm không tin, thân đến trước quân đứng xem, quả nhiên thấy tinh kỳ rợp đất, doanh trại chỉnh tề. Kiệm trở về trung quân, không nghĩ ra kế gì.
Chợt lại có tiểu mã phi báo rằng:
– Tôn Tuấn bên Đông Ngô, cầm quân sang sông muốn úp Thọ Xuân.
Kiệm giật mình nói rằng:
– Nếu mất Thọ Xuân, thì ta về đâu bây giờ?
Đêm hôm ấy, Kiệm rút quân về Hạng Thành.
Tư Mã Sư thấy Vô Kỳ Kiệm rút lui, hội các quan lại bàn bạc.
Thượng thư Phó Hô nói rằng:
– Vô Kỳ Kiệm có ý lo quân Ngô cướp mất Thọ Xuân, cho nên rút quân về Hạng Thành, chia binh ra giữ. Tướng quân nên một mặt đến lấy thành Lạc Gia, một mặt lấy Hạng Thành, một mặt lấy Thọ Xuân. Như thế thì quân Hoài Nam tất phải lui cả. Thứ sử Duyện Châu là Đặng Ngải lắm mưu nhiều trí nên cho lĩnh binh đến lấy Gia Lạc, ta lại cho đại binh đến tiếp ứng, thì phá giặc không khó gì nữa.
Sư nghe lời, sai sứ cầm hịch ra sai Đặng Ngải cất quân Duyện Châu, đến phá thành Lạc Gia. Sư cũng dẫn quân đến đấy phối hợp.
Vô Kỳ Kiệm ở Hạng Thành, lo quân giặc đến đánh thành Lạc Dương, bèn mời Văn Khâm vào trại bàn bạc.
Khâm nói:
– Đô đốc chớ lo. Tôi xin cùng với con tôi là Văn Ương, chỉ năm nghìn quân, quyết giữ được thành Lạc Gia vững vàng.
Kiệm mừng lắm, sai cha con Văn Khâm dẫn năm nghìn quân ra Lạc Gia. Văn Khâm lĩnh mệnh kéo quân đi.
Tiền quân báo rằng:
– Mé tây thành Lạc Gia, ước chừng có hơn một vạn quân Ngụy. Trong đám trung quân có mao trắng việt vàng, lọng đen phớn đỏ, trong hổ tướng dựng lá cờ vóc thêu một chữ Soái, đấy tất là Tư Mã Sư. Hiện họ đang lập trại chưa xong.
Bấy giờ Văn Ương đeo một thanh quất đứng cạnh cha, nghe tin ấy, Ương nói với cha rằng:
– Nhân lúc doanh trại của nó chưa xong, nên chia quân làm hai đường đánh luôn, chắc là được.
Khâm hỏi:
– Lúc nào nên đi?
Ương nói:
– Chiều tối hôm nay, phụ thân dẫn hai nghìn rưỡi quân từ mé thành nam đánh đến, con dẫn hai nghìn rưỡi quân từ mé các thành bắc đánh lại, vào canh ba hội nhau ở trại Ngụy.
Khâm nghe lời. Chiều hôm ấy, Khâm chia quân làm hai mặt kéo đi. Văn Ương bấy giờ mới mười tám tuổi, mình dài tám thước, nai nịt gọn ghẽ, lưng đeo một thanh quất đồng, tay cầm ngọn giáo, cưỡi ngựa đến trại Ngụy.
Đêm hôm ấy, Tư Mã Sư dẫn quân đến Lạc Gia, lập doanh trại, đợi quân Đặng Ngải chưa thấy đến. Sư nhân mới cắt cái bướu trên mắt, đau đớn không chịu được, phải nằm trong trướng, sai vài trăm giáp sĩ, hộ vệ quanh mình. Vào độ canh ba, bỗng nhiên thấy trong trại nổi reo, người ngựa xốn xáo. Sư kíp cho người hỏi xem việc gì, thì quân báo có một toán quân tự mé bắc trại chém hàng rào kéo quân vào, đại tướng quân đi đầu khỏe mạnh, không ai đương nổi.
Sư kinh hãi quá chừng, lòng nóng như lửa đốt, con ngươi từ trong cái bướu bật nổ ra ngoài, máu chảy tóe ra khắp đất, đau nhức không thể nào chịu được. Nhưng sợ nôn nao lòng quân, Sư phải trùm khăn lên đầu, cắn răng mà chịu.
Quân mã Văn Ương kéo vào trong trại, xông pha tả hữu, không ai dám chống lại. Có ai ra đánh, nếu không bị giáo đâm chết thì quất đánh ngã, không người nào đương nổi. Ương mong mỏi cha đến làm nội ứng, nhưng mãi không thấy. Mấy phen đánh vào trung quân cùng bị cung bắn lộn trở ra. Ương đánh mãi đến lúc trời gần sáng, mới thấy trống đánh còi rúc rầm rĩ, tự mặt bắc kéo đến.
Ương ngoảnh lại bảo tả hữu rằng:
– Phụ thân ta không từ mặt nam đánh lại, lại từ mặt bắc đánh đến cớ làm sao?
Ương thúc ngựa ra ngoài trông xem, thì thấy một toán quân xồng xộc lướt đến, nhanh như gió bay. Tướng đi đầu té ra là Đặng Ngải.
Ngải cầm ngang lưỡi đao, thúc ngựa xông vào quát to lên rằng:
– Phản tặc chớ chạy!
Ương nổi giận, đưa giáo ra đánh nhau. Hai bên giao chiến năm chục hiệp, chưa phân thắng phụ, thì quân Ngụy đã kéo ùa cả vào, vây bọc trước sau mà đánh. Thủ hạ của Văn Ương chạy trốn sạch, Ương chỉ còn trơ một mình một ngựa, đánh rẽ đôi đám quân Ngụy, chạy về phía nam. Tướng Ngụy hơn trăm viên hăm hở đuổi theo. Đuổi mải đến cầu Gia Lạc, dần dần kịp. Ương quay ngựa lại quát to một tiếng, xông thẳng vào trong đám tướng Ngụy, vung quất đánh lộn bậy một lúc. Tướng Ngụy nhao nhao ngã ngựa, còn người nào phải rút lui cả. Ương buông lỏng cương ngựa, lững thững lại đi.
Tướng Ngụy tụ lại một chỗ, bàn với nhau rằng:
– Chúng ta lại góp sức mà đuổi, xem người này có thể đánh đổ được chúng ta nữa không?
Bởi vậy các tướng Ngụy lại xô đến đuổi.
Ương nổi giận bừng bừng nói rằng:
– Đàn chuột kia! Sao không biết tiếc thân thể?
Ương lại cầm quất quay ngựa lại xông vào trong đám tướng Ngụy, quất chết vài người, rồi quay ngựa đi thư thả. Tướng Ngụy đuổi luôn bốn năm phen, đều bị Văn Ương đánh lui lại.
Có thơ khen rằng:
Tràng Bản khi xưa cự giặc Tào.
Tử Long nổi tiếng bực anh hào.
Một roi đánh đổ hơn trăm tướng.
Gân sức Văn Ương mới lạ sao!
Văn Khâm bị phải đường núi quanh co, đi lạc vào trong hang mất một nửa đêm, khi tìm được lối ra, thì trời đã sáng, Khâm không thấy quân mã của Văn Ương đâu, chỉ thấy quân Ngụy đã thắng trận rồi. Bởi thế, Khâm không dám đánh nhau, phải rút quân về. Quân Ngụy thừa thế đuổi đánh, Văn Khâm dẫn quân chạy về thành Thọ Xuân.
Đây nói điện trung hiệu úy nước Ngụy là Doãn Đại Mục nguyên là người tâm phúc với Tào Sảng; vì Sảng bị Tư Mã Ý giết, Đại Mục mới thờ Tư Mã Sư; Đại Mục thường vẫn có bụng báo thù cho Sảng, và lại chơi thân với Văn Khâm. Nay thấy Tư Mã Sư bậc nổ con ngươi, đứng ngồi không yên, Đại Mục có ý muốn nhân dịp ra bảo Văn Khâm ở lại để đồ Tư Mã Sư, mới vào nói với Tư Mã Sư rằng:
– Văn Khâm vốn không có bụng làm phản, vì bị Vô Kỳ Kiệm bức bách mới đến nỗi thế. Tôi xin ra dụ, tất nhiên y lại hàng.
Sư cho đi dụ, Đại Mục mặc áo giáp, đội mũ, cưỡi ngựa chạy theo Văn Khâm, gọi to lên rằng:
– Văn thứ sử có thấy Doãn Đại Mục không?
Khâm ngoảnh đầu lại trông, Đại Mục cởi mũ để trên yên ngựa, cầm roi trỏ sang bảo rằng:
– Văn thứ sử sao không hãy chịu khó ở lại đây vài ngày?
Đại Mục nói câu ấy vì biết rằng Tư Mã Sư sắp chết, có ý muốn bảo Văn Khâm ở lại mà đánh. Khâm không hiểu ý, tưởng là đến dụ mình, mới quát to mắng lại, định giương cung bắn ra, Đại Mục không sao nói được, khóc rầm lên rồi trở về.
Văn Khâm thu quân về Thọ Xuân, thì đã bị Gia Cát Đản dẫn quân lấy mất thành rồi; toan trở về Hạng Thành, lại bị Hồ Tuân, Vương Cơ, Đặng Ngải ba mặt dồn lại đánh, Khâm thấy thế nguy lắm, mới sang hàng Tôn Tuấn ở Đông Ngô.
Vô Kỳ Kiệm ở trong Hạng Thành, nghe tin Thọ Xuân đã mất, Văn Khâm lại bại trận, mà quân mã ba mặt kéo đến nơi rồi, Kiệm mang hết cả quân trong thành ra đánh vừa gặp quân Đặng Ngải đến. Kiệm sai Cát Ung ra ngựa giao chiến với Đặng Ngải, chưa được một hiệp Ung đã bị Ngải chém chết. Rồi Ngải dẫn quân đánh tốc vào trận. Vô Kỳ Kiệm cố chết chống lại Hồ Tuân, Vương Cơ lại dẫn binh áp đến đánh, Kiệm giữ không nổi, dẫn hơn chục kỵ mã tháo đường chạy. Đến dưới thành Thận Huyện, quan huyện ở đấy là Tống Bạch mở cửa thành tiếp vào, mở tiệc khoan đãi. Kiệm say quá, Bạch sai người giết chết, rồi đem đầu đến nộp quân Ngụy. Từ đó Hoài Nam lại bình định cả.
Tư Mã Sư đau mắt mãi không bớt, bèn gọi Gia Cát Đản vào trướng, ban cho ấn thụ, gia phong làm chinh đông đại tướng quân, đô đốc cả quân mã các mặt Dương Châu. Sư thì rút quân về Hứa Xương.
Tư Mã Sư mỗi đêm lại mơ thấy Lý Phong, Trương Thấp, Hạ Hầu Huyền đứng ở trước giường mình.
Tâm thần hoảng hốt, Sư thấy mình không sống được bao lâu, bèn sai người về Lạc Dương gọi em là Tư Mã Chiêu đến. Chiêu đến nơi, khóc lạy ở dưới giường.
Sư trối trăng lại rằng:
– Nay quyền ta nặng quá, dẫu muốn cởi ra cho nhẹ mình, cũng không được nữa. Em nối nghiệp anh, phàm việc gì lớn, chớ coi thường phó thác cho ai mà vạ to đến cả họ đấy.
Nói đoạn, giao ấn tín cho em, nước mắt giàn ra đầy mặt. Chiêu muốn hỏi một câu nữa, thì Sư chỉ kêu to được một tiếng rồi bật nổ một con ngươi nữa mà chết. Bấy giờ là tháng hai, năm Chính Nguyên thứ hai.
Tư Mã Chiêu phát tang, tâu về Ngụy chủ Tào Mao. Mao sai sứ mang chiếu đến chùa Hứa Xương, sai Tư Mã Chiêu tạm đóng quân mã ở lại Hứa Xương, đề phòng Đông Ngô vào cướp.
Chiêu trong bụng ngần ngại, chưa biết nghĩ thế nào.
Chung Hội nói:
– Đại tướng quân mới mất, nhân tâm chưa yên, nếu lưu lại ở đây, vạn nhất trong triều có biến, thì hối làm sao cho kịp?
Chiêu nghe lời, lập tức cất quân về đóng mé nam sông Lạc Thủy.
Tào Mao nghe tin giật mình.
Thái úy Vương Thúc tâu rằng:
– Tư Mã Chiêu đã kế nghiệp anh, giữ quyền lớn. Bệ hạ nên phong tước cho yên bụng hắn.
Mai sau Vương Thúc cầm chiếu ra phong cho Tư Mã Chiêu làm đại tướng quân, xét việc thượng thư.
Chiêu vào chầu tạ ân. Từ đó công việc lớn nhỏ trong ngoài, lại về tay Tư Mã Chiêu.
Quân tế tác bên Thục dò được tin ấy, báo về Thành Đô Khương Duy vào tâu với hậu chủ rằng:
– Tư Mã Sư mới chết, Tư Mã Chiêu vừa lên cầm quyền to, không dám rời khỏi đất Lạc Dương. Vậy tôi xin nhân dịp này đánh Ngụy để đem lại Trung Nguyên.
Hậu chủ cho Khương Duy cất quân sang đánh Ngụy, Duy phụng mệnh Hán Trung, chỉnh đốn quân mã để đi. Chinh tây đại tướng quân Trương Dực can rằng:
– Đất Thục nhỏ hẹp, tiền lương ít ỏi, không nên đi đánh xa mãi. Chi bằng yên phận giữ nơi hiểm yếu thương quân yêu dân, đó là kế giữ nước đấy.
Duy nói:
– Không phải lẽ thế! Ngày xưa thừa tướng chưa ra khỏi lều tranh, đã biết thiên hạ chia ba rồi, thế mà còn sáu lần ra Kỳ Sơn để đồ lấy Trung Nguyên; chẳng may nửa đường ngài mất sớm, đến nỗi công nghiệp không thành. Nay ta chịu di mệnh của thừa tướng, nên phải hết lòng báo nước, để nối cái chí của ngài, dù chết cũng không oán hận gì. Nay nước Ngụy có chỗ sơ hở, không nhân dịp này mà đánh, còn đợi bao giờ?
Hạ Hầu Bá nói:
– Tướng quân nói chí phải! Nay nên cho quân khinh kỵ ra trước xứ Bào Hãn. Nếu lấy được Thao Tây, Nam An thì các quận định được cả.
Trương Dực nói:
– Trước kia đánh không được phải trở về, là bởi ra quân chậm quá. Binh pháp có nói: “Đánh nơi không phòng bị, ra chỗ bất tình cờ”. Nay bằng hỏa tốc tiến binh, khiến cho quân Ngụy không kịp đề phòng, thì mới có thể thắng được.
Bởi thế, Khương Duy dẫn quân kéo ra đường Bào Hãn. Khi quân đến Thao Thủy, quân trấn giữ biên cương báo rằng: Thứ sử Ung Châu là Vương Kinh, phó tướng quân Trần Thái cất bảy vạn mã bộ đến chống nhau với quân Thục.
Khương Duy gọi Trương Dực, Hạ Hầu Bá vào dặn dò mẹo mực, cho hai tướng kéo quân đi; rồi tự dẫn đại quân dựa lưng vào sông Thao Thủy dàn trận.
Vương Kinh dẫn vài viên nha tướng ra trước cửa trận hỏi rằng:
– Ngụy với Ngô, Thục, đã thành ra thế chân vạc rồi, ngươi còn luôn luôn vào ăn cướp, là cớ làm sao?
Duy đáp:
– Tư Mã Sư bỗng dưng dám bỏ chúa, nước láng giềng còn đến hỏi tội, huống chi lại là nước thù địch xưa nay!
Kinh ngoảnh mặt lại bảo với bốn tướng là Trương Minh, Hoa Vĩnh, Lưu Đạt, Chu Phương rằng:
– Quân Thục dựa lưng bờ sông dàn trận, nếu thua thì tất lăn cả xuống sông mà chết. Khương Duy khỏe lắm, bốn các ngươi nên kéo cả ra mà đánh. Quân kia nếu bằng lui một chút, thì nên đánh dấn vào.
Bốn tướng chia làm hai bên kéo ra đánh Khương Duy. Duy đánh qua vài hiệp, quay ngựa chạy về bản trận. Vương Kinh thúc quân mã kéo ùa đến cả. Duy dẫn binh chạy về Thao Tây. Khi gần đến bờ sông, Duy kêu to lên rằng:
– Việc đã kíp rồi, các tướng sao không cố sức mà đánh?
Các tướng nhất tề hăng sức đánh quay trở lại. Quân Ngụy đương không nổi. Trương Dực, Hạ Hầu Bá lẻn ra mé sau đánh ập đến, vây bọc cả quân Ngụy vào giữa trận. Duy hăng hái đánh giết, xông xáo ngược xuôi. Quân Ngụy hoảng loạn xéo lên nhau, lăn xuống sông chết rất nhiều, lại bị quân Thục chém trên một vạn, thây nằm ngổn ngang vài dặm.
Vương Kinh dẫn hơn trăm kỵ quân hết sức đánh ra, chạy về thành Địch Đạo, đóng cửa giữ vững không dám ra nữa.
Khương Duy được to, khao quân đâu đấy, muốn tiến binh đến đánh thành Địch Đạo.
Trương Dực can rằng:
– Công trạng tướng quân đã thành rồi, uy danh lừng lẫy, cũng nên thôi đi. Nay bằng lại tiến binh, phỏng có điều gì như bất ý, thì lại hóa ra vẽ rắn thêm chân mất.
Duy nói:
– Trước kia thua trận ta còn muốn tiến lên tung hoành Trung Nguyên, huống chi một trận đánh ở Thao Thủy, quân Ngụy mất vía. Ta đồ thành Địch Đạo chớp mắt là lấy xong, ngươi chớ nên ngã lòng làm vậy.
Trương Dực khuyên can hai ba lần. Duy nhất định không nghe, cứ dẫn quân đến hạ thành Địch Đạo.
Chinh tây tướng quân ở Ung Châu là Trần Thái sắp muốn cất quân đến báo thù cho Vương Kinh, chợt có thái sử Duyện Châu là Đặng Ngải dẫn quân đến. Trần Thái ra tiếp vào. Thi lễ đâu đấy, Ngải nói:
– Nay tôi phục mệnh đại tướng quân, lại đây giúp tướng quân phá giặc.
Trần Thái hỏi kế phá giặc, Ngải nói:
– Trận được ở Thao Thủy, nếu Khương Duy triệu người Khương đến, sang mặt đông tranh xứ Quan Lũng, truyền hịch ra bốn quận, thì quân ta rầy to. Nay y không nghĩ đến thế, muốn đồ thành Địch Đạo. Thành này tường gạch kiên cố khó lòng phá đổ, đánh chỉ nhọc sức mà thôi. Nay ta dàn quân ở núi Hạng Lĩnh, rồi sẽ tiến binh lên đánh, thì tất phá được quân Thục.
Thái nói:
– Ông bàn thế mới thực là diệu kế!
Bèn chia hai chục đội quân, mỗi đội năm chục người, đem các đồ tinh kỳ, còi trống, đồ đốt lửa, ngày nấp đêm đi, ra mé đông nam thành Địch Đạo, tìm nơi hang hẻm núi sâu mai phục, đợi khi quân Thục đến ngày thì đánh trống thổi còi, đêm thì đốt lửa nổ pháo cho quân Thục phải kinh mà chạy. Thái sai khiến đâu vào đấy, chỉ đợi quân Thục đến. Trần Thái, Đặng Ngải mỗi người dẫn hai vạn quân tiến lên sau.
Nói về Khương Duy ở thành Địch Đạo, sai quân bổ vây tám mặt, đánh luôn mấy hôm không đổ. Duy trong bụng buồn rầu, chưa nghĩ được kế gì. Chiều tối hôm ấy, chợt có ngựa lưu tinh chạy về bốn năm lần báo rằng:
– Có hai mặt quân kéo đến, trên cờ hiệu một mặt đề là chinh tây tướng quân Trần Thái, một mặt đề là Duyện Châu thứ sử Đặng Ngải.
Duy giật mình mời Hạ Hầu Bá vào bàn bạc.
Bá nói:
– Trước tôi đã nói với tướng quân rằng Đặng Ngải từ thuở nhỏ đã giỏi binh pháp, tinh địa lý, nay hắn lĩnh binh đến đây, thực là tay kình địch.
Duy nói:
– Quân kia từ xa mới đến, không nên để cho họ lập trại vững vàng, phải đánh ngay đi.
Bèn để Trương Dực ở lại đánh thành, sai Hạ Hầu Bá dẫn quân ra đánh Trần Thái. Duy tự dẫn quân ra đón Đặng Ngải.
Duy dẫn quân đi được năm dặm, bỗng ở mé đông nam có một tiếng pháo nổ, rồi thấy còi trống vang đất, lửa sáng rực trời. Duy quất ngựa ra xem sao, thì thấy chung quanh toàn cờ hiệu nước Ngụy.
Duy giật mình nói rằng:
– Ta trúng kế Đặng Ngải rồi!
Liền truyền lệnh cho Hạ Hầu Bá, Trương Dực phải bỏ Địch Đạo mà lui về. Bởi thế quân Thục rút cả về Hán Trung. Duy tự dẫn quân đoạn hậu. Nghe thấy trống đánh sau lưng trống đánh cấp quá, Duy vội vàng rút hết quân về cửa Kiếm Các. Khi về tới nơi, mới biết rằng hơn hai chục chỗ đánh trống đốt lửa, toàn là làm giả thanh thế, kỳ thực không có quân đuổi theo.
Duy thu quân đóng ở Chung Đê.
Hậu chủ nhân Khương Duy có công thắng trận Thao Tây, bèn giáng chiếu phong cho Duy làm đại tướng quân. Duy chịu chức, dâng biểu tạ ân đâu đấy, lại bàn bạc việc cất quân sang đánh Ngụy.
Đó là:
Thành công lọ phải thêm chân rắn,
Đánh giặc còn mong gắng sức hùm.
Chưa biết phen này đánh Ngụy được thua thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.