Tam quốc diễn nghĩa hồi 113: Đinh Phụng Lập mẹo đánh Tôn Lâm; Khương Duy đấu trận phá Đặng Ngải

Đinh Phụng Lập mẹo đánh Tôn Lâm

Khương Duy đấu trận phá Đặng Ngải

Khương Duy sợ có quân cứu đến, cho quân bộ vận tải quân nhu xa trượng về trước, rồi đem quân mã đi đoạn hậu.

Quân tế tác báo tin với Đặng Ngải. Ngải cười, nói:

– Khương Duy biết cơ binh của đại tướng quân sắp đến, cho nên lui về trước, không nên đuổi theo làm gì. Nếu đuổi thì phải mắc phải mẹo của hắn ngay.

Bèn cho người đi thám, quả nhiên trong đường hẻm hang Lạc Cốc, chứa chất củi cỏ, dự bị để đốt quân đuổi theo.

Chúng khen Đặng Ngải rằng:

– Tướng quân thật là thần toán! Ngải sai dâng biểu tâu về, Tư Mã Chiêu mừng lắm, lại thưởng thêm cho Đặng Ngải.

Ngô chủ Tôn Lượng, bấy giờ mới mười bảy tuổi, thấy Lâm giết người thái quá, có ý không bằng lòng.

Ngô chủ vốn thông minh lắm. Một bữa, ra chơi vừơn tây uyển, nhân muốn ăn một quả mơ xanh bèn sai hoàng môn vào lấy mật. Một lát, hoàng môn đem mật đến. Ngô chủ thấy trong chén mật có vài viên cứt chuột, bèn đòi quan giữ kho đến hỏi.

Quan giữ kho lạy kêu rằng:

– Chúng tôi đậy kín đáo lắm, làm gì có cứt chuột rơi vào được?

Lượng hỏi:

– Hoàng môn có đến đòi mật ăn bao giờ không?

Quan giữ kho tâu rằng:

– Mấy hôm trước có đến đòi mật ăn, nhưng chúng tôi quả thực không dám cho.

Lượng trỏ tên hoàng môn, nói

– Đây chắc là mày thù nó không cho mật, cho nên bỏ cứt chuột vào để hại nó chứ gì?

Tên hoàng môn không chịu.

Lượng nói:

– Việc này cũng dễ biết, nếu phân mật lâu ngày, thì trong ngoài thấm ướt; bằng mới bỏ vào, thì trong ráo ngoài ướt.

Liền sai cắt ra xem, thì quả nhiên ở trong khô ráo. Hoàng môn lúc bấy giờ mới chịu tội.

Đại khái Lượng thông minh như thế, nhưng bị Tôn Lâm kìm hãm nên không được tự chủ điều gì.

Bấy giờ Tôn Lâm quyền thế hách dịch lắm. Em là Tôn Cứ làm oai viễn tướng quân, vào túc vệ trong nơi cung cấm, em nữa là Tôn Ân làm võ vệ tướng quân, Tôn Cán làm thiên tướng quân; Tôn Ngữ làm tràng thủy hiệu úy, chia đóng các doanh trại.

Ngô chủ một bữa ngồi buồn, có hoàng môn thị lang là Toàn Kỷ đứng hầu bên cạnh. Kỷ là quốc cữu. Lượng khóc bảo với Kỷ rằng:

– Tôn Lâm chuyên quyền giết bậy, khinh trẫm tệ lắm, nếu không liệu đi, tất để sinh vạ.

Kỷ tâu rằng:

– Bệ hạ có việc gì dùng đến, tôi dù có chết cũng không dám từ.

Lượng nói:

– Ngươi nên điểm quân cấm binh, cùng với tướng quân Lưu Vĩnh, giữ các cửa thành, để trẫm tự dẫn quân ra giết Tôn Lâm. Nhưng việc ấy chớ để cho mẹ ngươi được biết, vì mẹ ngươi là chị Tôn Lâm. Nếu lộ chuyện ra ngoài, thì làm lỡ mất việc trẫm đấy.

Kỷ nói:

– Xin bệ hạ ban cho tôi một đạo chiếu, để khi làm việc, đem ra bảo chứng, cho thủ hạ Tôn Lâm không ai dám động.

Lượng nghe lời, thảo mật chiếu giao cho Toàn Kỷ, Kỷ lĩnh chiếu mang về nhà, nói chuyện với cha Toàn Thượng. Thượng biết chuyện, bảo với vợ rằng:

– Chỉ trong ba ngày nữa, thì giết Tôn Lâm.

Người vợ nói:

– Giết đi cũng phải.

Miệng tuy nói thế, nhưng mật sai người báo tin cho Tôn Lâm biết.

Lâm nổi giận, đang đêm, gọi bốn anh em đến, điểm tinh binh vào vây nội cung. Một mặt bắt Toàn Thượng, Lưu Vĩnh và cả nhà hai người giam lại. Đến sáng Ngô chủ Tôn Lượng nghe ở ngoài cửa cung có tiếng chiêng trống ầm ĩ. Rồi nội thị lật đật chạy vào tâu rằng:

– Tôn Lâm dẫn quân đến vây bọc cả vườn nội uyển.

Lượng nổi giận, trỏ vào Toàn hậu quát rằng:

– Cha và anh mày làm hỏng mất việc tao rồi!

Liền rút gươm ra toan chém Toàn hậu và thị trung; cận thần lôi cả lấy vạt áo khóc ngăn lại, không để cho Tôn Lượng ra ngoài.

Tôn Lâm trước hết giết bọn Toàn Thượng, Lưu Vĩnh rồi hội văn võ cả ở trong triều, truyền lệnh rằng:

– Chúa thượng hoang dâm lắm bệnh, tối tăm không biết đạo nghĩa là gì, không thể phụng được tôn miếu, nên bỏ đi. Văn võ ai không tuân lời ta, thì ghép ngay cho tội mưu phản.

Ai nấy đều sợ run lập cập, thưa rằng:

– Xin tuân theo lệnh tướng quân.

Chỉ có thượng thư là Hoàn Ý giận tái mặt lại, từ trong bọn nhảy ra, trỏ vào mặt Tôn Lâm mắng rằng:

– Chúa thượng là chúa thông minh, mày sao dám nói càn thế. Tao thà chết, quyết không nghe lời mày!

Lâm nổi giận rút gươm chém phăng Hoàn Ý, rồi vào cung trỏ vào Tôn Lượng mắng rằng:

– Hôn quân vô đạo kia. Đáng lẽ nên giết đi để tạ thiên hạ mới phải, nhưng nể mặt tiên đế, nay phế ngươi xuống làm Cối Kê vương. Ta sẽ kén người có đức lên làm vua.

Nói đoạn quát trung thư lang Lý Sùng cướp lấy ấn thụ, sai Đặng Trình thu lấy.

Tôn Lượng khóc vang lên rồi đi ra.

Người sau có thơ than rằng:

Loạn tặc vu Y Doãn,

Gian thần giả Hoắc Quang,

Thương thay Tôn minh chúa,

Không giữ được ngai vàng.

Tôn Lâm sai quan tôn chính Tôn Khải rước trung thư lang nha vương là Tôn Hưu về làm vua. Hưu tự là Tử Liệt, con thứ sáu Tôn Quyền, khi ở Hổ Lâm nằm mơ thấy cưỡi rồng bay lên trời ngoảnh lại trông thấy đuôi rồng, mới giật mình tỉnh dậy.

Hôm sau, Tôn Khải, Đổng Triều đến mời Hưu về triều. Khi đi đến khúc A có một cụ già, tự xưng tên là Cam Hưu, lạy phục xuống đất tâu rằng:

– Xin bệ hạ nhanh cho, nếu chậm chạp thì việc sinh biến mất. Hưu tạ lời ấy. Khi đi đến dinh Bố Cơ, Tôn Ân đem xa giá lại đón. Hưu không dám trèo lên kiệu, ngồi một chiếc xe nhỏ đi vào, trăm quan lại yết bên cạnh đường. Hưu vội vàng xuống xe đáp lễ. Tôn Lâm sai đỡ dậy, mời vào đại điện, rước lên ngôi trên sập rồng.

Hưu khiêm tốn, từ chối hai ba lần, rồi mới chịu nhận ngọc tỉ.

Văn võ các quan lễ chầu mừng đâu đấy, đại xá cho thiên hạ; cải niên hiệu gọi là Vĩnh An năm đầu; Phong cho Tôn Lâm làm thừa tướng, lĩnh chức Kinh Châu mục. Các quan cùng được phong thưởng. Lại phong con anh là Tôn Hạo làm Ô trình hầu.

Tôn Lâm một nhà năm anh em, đều phong tước hầu, coi giữ quân cấm binh, quyền hơn cả vua. Ngô chủ Tôn Hưu sợ sinh biến ngoài mặt tuy ân huệ, kỳ thực trong bụng vẫn đề phòng.

Tôn Lâm ngày càng sinh kêu hoạnh lắm. Tháng chạp năm ấy, Lâm đem trâu rượu vào cung lễ thọ, Ngô chủ Tôn Hưu không chịu lấy. Lâm giận mang trâu rượu về phủ, mời tả tướng quân là Trương Bố đến phủ uống rượu. Trong tiệc, Lâm nói:

– Khi trước ta bỏ Cối Kê vương, nhiều người khuyên ta lên làm vua. Ta tưởng là chúa thượng hiền hậu, cho nên mới lập. Nay ta dâng lễ thọ lại từ chối không nhận, thế là không coi ta vào đâu rồi đó. Nay mai ngươi thử coi xem ra làm sao.

Bố nghe nói dạ dạ mấy tiếng, không dám nói câu gì.

Hôm sau, Bố vào cung mật tâu với Tôn Hưu việc ấy. Hưu lấy làm lo sợ, ngày đêm không yên. Được vài hôm, Lâm sai Trung thư lang là Mạnh Tôn dẫn một vạn năm nghìn tinh binh ra đóng ở Võ Xương, vận hết đồ khí giới trong kho cấp cho bọn ấy.

Tướng quân là Ngụy Mạc, võ vệ sĩ là Thi Sóc, hai người vào mật tâu với Ngô chủ rằng:

– Tôn Lâm điều binh ra ngoài, lại đem đồ khí giới cấp cho quân, nay mai tất sinh biến.

Tôn Hưu giật mình, kíp vời Trương Bố vào bàn bạc. Bố tâu rằng:

– Có lão tướng là Đinh Phụng mưu mẹo hơn người, biết đoán việc lớn, nên cho vời vào bàn việc.

Hưu liền vời Đinh Phụng vào trong nhà kín, kể lại chuyện ấy.

Phụng tâu rằng:

– Bệ hạ chớ lo, tôi có một kế này trừ được hại cho nước.

Hưu hỏi mẹo làm sao, Phụng tâu rằng:

– Mai là ngày chạp, hội cả quần thần mời cả Tôn Lâm đến ăn tiệc, tôi sẽ khu xử xong xuôi.

Hưu mừng lắm. Phụng sai Ngụy Mạc, Thi Sóc coi việc ngoài Trương Bố coi việc trong.

Đêm hôm ấy, trời nổi cơn dông: Cát, sỏi, đá bay vù vù có một cây cổ thụ bật cả một tảng rễ xuống. Đến sáng đứng gió, sứ giả phụng chiếu mời Tôn Lâm vào cung ăn yến. Tôn Lâm đương ở trên giường, bổng dưng như có người đẩy sấp xuống đất. Lâm thấy vậy không vui lòng. Một lát lại thấy hơn mười người sứ giả đến mời. Người nhà ngăn lại nói rằng:

– Một đêm nổi dông gió, sáng hôm nay lại bỗng dưng ngã sấp, đó không phải là điềm hay, không nên đến dự tiệc.

Lâm nói:

– Anh em ta cùng giữ quân cấm binh, ai dám đến gần ta mà sợ? Ví dù có việc gì, thì đốt lửa ở trong phủ lên làm hiệu.

Dặn xong lên xe vào cung.

Ngô chủ Tôn Hưu xuống dưới sập rồng đứng đón mời Lâm lên ngồi. Rượu được vài tuần, bỗng thấy ngoài cung có ngọn lửa cháy. Lâm muốn đứng dậy về, Hưu ngăn lại nói rằng:

– Thừa tướng cứ ngồi yên, quân ngoài có nhiều, can gì phải lo?

Hưu vừa nói dứt lời thì tả tướng quân Trương Bố rút gươm cầm tay, dẫn hơn ba chục võ sĩ, bước sấn lên trên điện, quát lên rằng:

– Có chiếu bắt phản tặc là Tôn Lâm!

Lâm vừa toan chạy, thì đã bị võ sĩ bắt lại. Lâm cúi đầu kêu rằng:

– Xin đày ra Giao Châu, cho được về làm ruộng.

Hưu mắng rằng:

– Sao trước mày không đem đày Đằng Dận, Lã Cứ, Vương Đôn có được không?

Bèn sai lôi ra chém, Trương Bố lôi Tôn Lâm ra mé đông điện chém đầu; đầy tớ không tên nào dám nhúc nhích.

Bố đọc tờ chiếu lên nói rằng:

– Tội chỉ do một mình Tôn Lâm gây nên thôi, còn người khác không ai việc gì cả.

Bố mời Tôn Hưu lên lầu Ngũ Phượng. Đinh Phụng, Ngụy Mạc, Thi Sóc bắt cả bọn anh em Tôn Lâm điệu đến. Hưu sai đem ra chợ chém sạch, giết cả ba họ, hơn vài trăm tôn đảng đều bị chết lây. Lại sai đào mả Tôn Tuấn, vằm thây xé xác ra, rồi xây phần mộ lại cho bọn Gia Cát Khác, Đằng Dận, Vương Đôn, Lã Cứ để tỏ cái bụng trung của họ. Ai bị đem đầy phương xa liền tha cho về làng mạc. Lại phong thưởng cho bọn Đinh Phụng, rồi đưa thư báo tin mừng vào thành Đô.

Hậu chủ bên Thục sai sứ vào mừng Ngô, Ngô lại sai Tiết Hủ vào Thục để đáp lễ. Hủ từ trong Thục về, Ngô chủ hỏi quang cảnh trong Thục, Hủ tâu rằng:

– Lâu nay trung thường thị là Hoàng Hạo coi việc, công khanh a dua cả vào hắn. Trong triều không nghe thấy lời thẳng, ngoài đồng dân lắm người mặt bủng da chì. Thế mà vua thì chỉ một niềm mải vui chơi. Đó gọi là chim én chim sẻ ở trên thềm, không biết rằng nhà to sắp cháy là thế.

Hưu thở dài than rằng:

– Nếu còn Gia Cát Võ hầu, thì đâu đến nỗi thế này!

Bởi thế lại viết thư đưa sang Thục nói rằng Tư Mã Chiêu không mấy bữa nữa tất sẽ thoán Ngụy. Thế nào hắn cũng sang đánh Ngô, Thục để thị uy. Hai nước ta cùng phải giữ gìn trước đi.

Khương Duy nghe được tin ấy, mừng rỡ lắm, dâng biểu lại xin cất quân sang đánh Ngụy.

Năm Cảnh Diệu thứ nhất nhà Thục Hán, mùa đông đại tướng quân Khương Duy cất Liêu Hóa, Trương Dực làm tiên phong, Vương Xá, Tưởng Mân làm tả quân, Tưởng Thư, Phó Thiêm làm hữu quân, Hồ Tế làm hợp hậu; Duy cùng với Hạ Hầu Bá tổng lĩnh trung quân, khởi hai mươi vạn quân Thục, lạy từ Hậu chủ, đến thẳng Hán Trung, bàn bạc với Hạ Hầu Bá xem ra lối nào cho tiện.

Bá nói:

– Kỳ Sơn là đất dụng võ, nên tiến quân ra mặt ấy; ta nên sai ba quân kéo cả ra Kỳ Sơn, đến cửa hang hạ trại.

Bấy giờ Đặng Ngải đang ở trong trại Kỳ Sơn, điểm quân Lũng Hữu, chợt có tin báo quân Thục hạ ba ngọn trại ở cửa hang. Ngải nghe báo, lên cao ngắm xem, mừng rỡ về trại, lên trướng nói rằng:

– Không ra khỏi được ý định của ta!

Nguyên Đặng Ngải xem xét địa thế, để dành đất cho quân Thục lập trại. Từ chỗ ấy đến trại Kỳ Sơn, đã đào sẵn một đường hầm, đợi quân Thục đến sẽ khởi sự. Bấy giờ Khương Duy lập ba ngọn trại, trại tả đóng chính vào giữa đường hầm, là trại của Vương Xá, Tưởng Mân.

Đặng Ngải sai con là Đặng Trung cùng với Sư Toản, mỗi người dẫn một vạn quân chia làm hai cánh tả hữu. Sai phó tướng Trịnh Luân dẫn năm trăm quân quật tử một canh hai đêm hôm ấy, đi xuyên đường hầm đến thẳng trại tả kéo lên.

Vương Xá, Tưởng Mân khi ấy nhân chưa lập xong trại, sợ quân Ngụy đến cướp trại, không dám cởi giáp đi ngủ. Chợt thấy trung quân tự nhiên bối rối, vội vàng cầm khí giới nhảy lên ngựa, thì đã thấy Đặng Trung ở ngoài dẫn quân kéo vào. Trong ngoài dồn lại đánh, hai tướng cố chết cự lại không nổi, phải bỏ trại chạy.

Khương Duy ở trong trướng nghe tiếng bên trại tả hò reo, biết có quân trong ứng ngoài hợp. Duy kíp ngựa đứng trước trướng trung quân, truyền lệnh rằng:

– Hễ ai nhộn nhạo thì chém. Nếu có quân giặc kéo đến cạnh trại, không phải hỏi lôi thôi gì, chỉ việc dùng cung nỏ bắn ra.

Một mặt truyền cho trại hữu cũng thế, không được nhộn nhạo. Quân Ngụy hơn mười lần xông vào, quả nhiên điều bị tên bắn lui về, xáo xác mãi đến sáng, rồi không dám vào.

Đặng Ngải thu quân về trại, than rằng:

– Khương Duy thực là học được phép của Khổng Minh. Ra quân ban đêm mà không sợ, tướng gặp biến mà không rối, thế mới thực là tướng tài!

Hôm sau, Vương Xá, Tưởng Mân thu nhặt quân tàn, đến đại trại xin chịu tội.

Duy nói:

– Đó không phải là tội tại các ngươi. Bởi vì ta không tường mạch đất, mới đến nỗi thế.

Lại cấp thêm cho quân mã, sai hai tướng hạ trại. Rồi đem những thây người chết, bỏ cả vào trong đường hầm, lấy đất lấp đi.

Duy sai người đưa chiến thư, thách Đặng Ngải ngày mai ra giao phong.

Ngải mừng rỡ ưng lời. Hôm sau, hai bên dàn trận ở trước núi Kỳ Sơn. Duy án phép bát trận của Võ Hầu, chia dàn ra tám cửa: Thiên, địa, phong, vân, điểu, xà, long, hổ. Đặng Ngải thấy Khương Duy bàn trận bát quái, cũng bày trận ấy, cửa ngõ tả hữu trước sau tả hữu giống y như hệt.

Duy cầm thương thúc ngựa ra ngoài trận gọi to lên rằng:

– Mày bắt chước ta bày trận bát quái, nhưng mày có biến trận được không?

Ngải cười rằng:

– Mày tưởng một mình mày bày được hay sao? Ta đã bày được, làm gì mà chẳng biến được?

Nói đoạn, quay vào trận, sai quân cầm hiệu, phất một lá cờ, mỗi cửa biến thành tám cửa, tám tám thành sáu mươi tư cửa.

Ngải ra trận hỏi rằng:

– Phép biến trận của ta thế nào?

Duy nói:

– Mày biến cũng phải, nhưng có dám vào trận vây nhau không?

Ngải nói:

– Sao lại không dám?

Bởi vậy, quân đôi bên cứ y đội ngũ tiến vào. Ngải vào trung quân đứng sai khiến, cho quân lượn vào vây trận, trận đôi bên vẫn đâu ra đấy, không xôn xao một tí nào. Khương Duy đứng trung quân, cầm lá cờ phất một cái, bỗng biến thành trận trường xà quyển địa, vây bộc ngay Đặng Ngải vào giữa. Bốn mặt tiếng reo nổi lên. Ngải không biết là trận gì, trong bụng đã sợ. Tiếng reo dần dần đến gần. Ngải dẫn vào các tướng xông xáo cũng không sao ra được. Quân Thục cùng gọi to lên rằng:

– Đặng Ngải hàng đi cho mau!

Ngải ngẩng mặt lên than rằng:

– Ta lỡ ra muốn khoe tài một lúc, mắc phải mẹo Khương Duy mất rồi!

Bỗng thấy trên góc tây bắc, có một toán quân đánh vào. Ngải trông ra thì quân Ngụy, mới thừa thế đánh ra được ngoài. Nguyên Tư Mã Vọng đánh cứu Đặng Ngải đem ra, khi trở về thì chín trại Kỳ Sơn đã bị quân Thục cướp mất cả.

Ngải dẫn bại quân lui về mé nam sông Vị hạ trại.

Ngải nói:

– Sao ông biết được phép trận này, mà cứu được tôi ra?

Vọng nói:

– Tôi thuở nhỏ học ở Nam Kinh, có kết bạn với Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên thường có giảng đến phép trận này. Khi nãy, Khương Duy biến trận ấy, gọi là trận trường xà quyển địa, nếu đánh chỗ khác, thì không sao phá được. Tôi thấy đầu trận ở góc tây bắc, cho nên từ mặt ấy đánh vào, liền phá được ngay.

Ngải tạ ơn nói:

– Tôi tuy học được phép trận, nhưng chưa tường phép biến hóa. Ông đã biết phép ấy, ngày mai nên đấu trận với Khương Duy, để tôi dẫn quân đến đánh úp sau trại Kỳ Sơn, hai mặt dồn lại đánh, thì có thể cướp lại trại cũ.

Bèn sai Trịnh Luân làm tiên phong. Ngải tự dẫn quân đến úp trại Kỳ Sơn, một mặt cho người đưa chiến thư thách Khương Duy ngày mai đấu trận.

Duy phê vào chiến thư và cho sứ giả mang về, rồi bảo với các tướng rằng:

– Ta được mật thư của Võ hầu tryền cho trận này cả thảy ba trăm sáu mươi lăm phép biến, theo độ số chung quanh trời. Nay quân giặc thách ta đấu trận pháp, thì chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ, đây tất có mưu mẹo, các ông có biết không?

Liêu Hóa nói:

– Đây hẳn là dử ta đấu trận, kỳ thực là họ dẫn quân đến chụp mặt sau ta đây.

Duy cười rằng:

– Chính thế.

Liền sai Trương Dực, Liêu Hóa dẫn một vạn quân phục ở mé sau núi.

Hôm sau, Khương Duy dẫn hết quân trong chín trại, dàn cả ra trước núi Kỳ Sơn, Tư Mã Vọng cũng dẫn quân ra khỏi vị Nam, đến trước Kỳ Sơn, cùng với Khương Duy đối trận.

Duy nói:

– Ngươi mời ta ra đấu trận pháp, thử bày trước cho coi.

Vọng bày ra một trận bát quái.

Duy cười rằng:

– Trận ấy tức là trận của ta bày, ngươi ăn cắp, lấy gì làm lạ?

Vọng nói:

– Ngươi cũng học mót của người khác chứ gì?

Duy nói:

– Vậy thì trận này có bao nhiêu phép biến?

Vọng cười, rằng:

– Ta biết bày trận, dễ thường không biết biến trận hay sao? Trận này cả thảy có chín lần chín tám mươi mốt phép biến.

Duy nói:

– Ngươi thử biến đi ta coi.

Vọng vào trong trận, biến một vài lần, rồi bước ra hỏi rằng:

– Ngươi có biết ta biến ra trận gì không?

Duy cười nói rằng:

– Trận pháp của ta, theo độ số trời, có ba trăm sáu mươi lăm phép biến. Ngươi chẳng qua như ếch ngồi đáy giếng, biết đâu được phép huyền diệu này!

Vọng nói:

– Ta vẫn biết có các phép biến ấy. Ngươi thử biến cho ta coi.

Duy nói:

– Ngươi bảo Đặng Ngải ra đây, ta bày cho mà xem.

Vọng nói:

– Đặng tướng quân có mẹo hay hơn, tính không ưa đấu trận pháp.

Duy cười ầm lên rằng:

– Có mẹo gì hay đâu! Chẳng qua sai mày đấu với ta ở đây, còn hắn thì dẫn quân đến úp sau quân ta có phải không?

Vọng thấy nói như đi guốc vào ruột mình, lấy làm kinh hãi, muốn thúc quân đánh bừa một trận. Duy cầm roi vẫy một cái, quân hai bên đổ ra, đánh tan tành quân Ngụy, phải bỏ giáp vất gươm giáo chạy tháo thân.

Đặng Ngải thúc tiên phong Trịnh Luân đến mé sau núi; vừa đi qua mỏm núi, bỗng nổi một tiếng pháo, rồi trống đánh vang trời, quân Thục đổ ra, đại tướng đi đầu là Liêu Hóa. Trịnh Luân sấn lại đánh nhau với Liêu Hóa, bị Liêu Hóa chém ngay một đao lăn quay xuống ngựa.

Đặng Ngải giật mình, kíp thu quân về, thì lại gặp Trương Dực dẫn quân đến. Đôi bên ập vào đánh giết, quân Ngụy tan nát. Ngải bị bốn mũi tên, cố sống cố chết chạy về đến trại Vị Nam. Tư Mã Vọng cũng chạy về trại.

Hai người bàn bạc, Vọng nói rằng:

– Gần nay Thục chủ Lưu Thiền yêu dùng tên hoạn quan Hoàng Hạo, ngày đêm ham mê tửu sắc. Ta nên dùng mẹo phản gián, để cho Thục chủ đòi Khương Duy về, thì mới giải được nguy này.

Ngải hỏi các mưu sĩ rằng:

– Có ai vào được Thục, kết hiếu với Hoàng Hạo không?

Đảng Quân xin đi. Ngải mừng lắm, sai Đảng Quân mang vàng ngọc, châu báu vào Thành Đô, kết liên với Hoàng Hạo, nói phao lên rằng Khương Duy có bụng oán thiên tử, không bao lâu tất về hàng Ngụy. Bởi thế người ở Thành Đô đồn khắp cả đi, ai ai cũng biết, Hoàng Hạo vào tâu với Hậu chủ, Hậu chủ lập tức sai người đi gấp đòi Khương Duy về triều.

Khi ấy Khương Duy luôn mấy hôm khiêu chiến, Đặng Ngải giữ vững không ra. Duy trong bụng nghi hoặc, chưa biết nghĩ thế nào. Chợt có sứ giả đến triệu về. Duy không biết tại sao đành phải rút quân về triều. Đặng Ngải, Tư Mã Vọng biết rằng Duy đã trúng phải mẹo, liền cất quân Vị Nam, đuổi đánh.

Ấy mới là:

Nhạc Nghị đánh Tề gặp kẻ phản,

Nhạc Phi phá giặc mắc lời gièm,

Chưa biết sau này ra làm sau, xem hồi sau phân giải.

Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.