Đặng Sĩ Tái lẻn qua núi Âm Bình
Gia Cát Chiêm chết tại thành Miên Trúc
Nói về, phụ quốc tướng quân là Đổng Quyết, nghe tin quân Ngụy chia làm mười đường vào cõi, mới dẫn hai vạn quân giữ chặt cửa ải Kiếm Các. Khi ấy trông thấy bụi bay mù mịt, tưởng là quân Ngụy đã đến nơi, mới dẫn quân ra ngăn giữ. Quyết ra trước trận trông xem, té ra Khương Duy, Liêu Hóa, Trương Dực. Quyết mừng lắm, tiếp ba người lên ải, khóc lóc kể lại việc Hầu chủ tin nghe Hoàng Hạo. Duy nói:
– Ông không phải lo, nếu Duy này còn sống, quyết không để cho quân Ngụy nuốt được nước Thục ta đây. Nay hãy giữ ở đây, sẽ tìm kế mà phá giặc!
Quyết nói:
– Ở đây tuy có thể giữ được, nhưng ở Thành Đô không có người, nếu để quân giặc đánh úp dược, thì đại thế tan vỡ cả.
Duy nói:
– Ở Thành Đô núi non hiểm trở, không dễ mà vào lọt, bất tất phải lo chi.
Đang nói chuyện, thì Gia Cát Tự dẫn quân kéo đến dưới ải. Duy nổi giận, dẫn năm nghìn quân kéo xuống, xông thẳng vào trận, đánh giết quân Ngụy tan tành. Gia Cát Tự thua to, rút lui ngoài mười dặm hạ trại. Quân Ngụy chết không biết bao nhiêu mà kể. Quân Thục cướp được ngựa xe và khí giới rất nhiều.
Chung Hội hạ trại, cách cửa Kiếm hai mươi dặm. Gia Cát Tự vào lạy chịu tội. Hội mắng rằng:
– Ta sai ngươi giữ đầu cầu An Bình, để chặn đường Khương Duy kéo về, sao dám để cho hắn chạy thoát? Vả ta chưa sai đến, sao dám tự tiện tiến binh, để đến nỗi thua to như thế này?
Tự kêu rằng:
– Khương Duy nhiều quỷ kế lắm. Hắn giả danh đến cướp Ung Châu, tôi sợ Ung Châu mất, cho nên dẫn quân đi cứu, không ngờ hắn thừa cơ chạy thoát. Tôi nhân thế đuổi đến dưới ải, té ra lại bị thua.
Hội nổi giận, sai lôi Tự ra chém.
Giám quân là Vệ Quán can rằng:
– Tự tuy có tội, nhưng là người của Đặng tướng quân, tướng quân không nên giết, e tổn thương hòa khí hai bên.
Hội nói:
– Ta phụng minh chiếu của thiên tử và quân lệnh của Tấn Công, sang đây đánh thục, cho đến Đặng Ngải có tội ta cũng chém!
Các tướng cố sức can ngăn. Hội mới bắt Gia Cát Tự bỏ vào xe củi, đưa về Lạc Dương để Tấn Công trị tội. Còn quân của Tự, thì thu cả lấy làm bộ hạ sai khiến.
Có người báo với Đặng Ngải. Ngải nổi giận, nói rằng:
– Ta với nó phẩm tước ngang nhau, ta trấn ngoài biên thùy đã lâu, lập nên bao nhiêu công với nước, sao nó lại dám khinh ta quá thế?
Con là Đặng Trung can rằng:
– Việc nhỏ không nhịn, thì hỏng đến việc lớn. Phụ thân nếu khích nhau với Chung Hội, tất lỡ mất việc to của nhà nước. Xin phụ thân hãy nhịn đi một chút.
Ngải nghe lời, nhưng trong bụng vẫn căm, mới dẫn vài mươi quân kỵ đến chơi Chung Hội. Hội nghe tin Ngải đến, hỏi tả hửu rằng:
– Đặng Ngải đem quân đến đây nhiều hay ít?
Tả hữu bẩm rằng:
– Chỉ có vài mươi quân kỵ mã.
Hội sai võ sĩ vài trăm người, đứng sắp hàng dưới trướng. Ngải xuống ngựa đi vào, Hội ra đón tiếp. Ngải trông thấy quân oai nghiêm chỉnh, trong bụng không yên, mới nói khơi lên rằng:
– Tướng quân lấy được Hán Trung, là một sự may mắn cho triều đình lắm. Nên nghĩ kế mà lấy Kiếm Các đi cho sớm.
Hội nói:
– Tướng quân nghĩ thế nào?
Ngải thoái thác hai ba lần, nói là không có tài cán gì.
Hội cố hỏi gặng. Ngải mới đáp rằng:
– Cứ ý tôi nghĩ, thì nên dẫn một đạo quân từ con đường nhỏ núi Âm Bình, lẻn ra Đức Dương đình ở Hán Trung, rồi dùng kỵ binh, đến tắt chiếm lấy Thành Đô. Khương Duy tất phải rút quân về cứu, tướng quân sẽ thừa cơ lấy Kiếm Các, chắc thu được toàn công.
Hội cả mừng, nói:
– Kế của tướng quân hay lắm, xin dẫn quân đi ngay cho, tôi ở đây chờ đợi tin mừng!
Hai người uống rượu xong rồi biệt nhau.
Hội bảo các tướng rằng:
– Người ta ai cũng cho Đặng Ngải là giỏi, nay xem ra cũng không có gì.
Chúng hỏi cớ làm sao, Hội nói:
– Đường Âm Bình toàn thị núi cao non quạnh, quân Thục chỉ độ trăm người giữ nơi hiểm yếu, chặn mất đường về, thì quân Đặng Ngải tự nhiên chết đói cả. Ta cứ đi theo đường cái, lo gì đất Thục chẳng phá xong?
Liền sai chế tạo những đồ thang mây, sàn pháo, đánh vào cửa Kiếm Các.
Nói về Đặng Ngải ra khỏi cửa viên lên ngựa, ngoảnh lại hỏi đầy tớ rằng:
– Chung Hội coi ta thế nào?
Đầy tớ bẩm:
– Xem dáng mặt và lời ăn tiếng nói thì hình như coi lời tướng quân không vào đâu, chẳng qua nói đãi bôi đó mà thôi.
Ngải cười rằng:
– Nó đoán rằng ta không lấy nổi Thành Đô, nhưng để ta lấy cho nó xem!
Ngải về đến trại, Sư Toản, Đặng Trung tiếp vào hỏi rằng:
– Hôm nay bàn nhau với Chung trấn tây có cao luận gì không?
Ngải nói:
– Ta đem bụng thực nói với nó, nó lại cho ta là tài hèn. Nó lấy được Hán Trung, đã tưởng công to lắm, nếu không có ta giữ chặt chân Khương Duy ở Đạp Trung, thì nó thành công sao được? Ta nay đến lấy Thành Đô, còn bằng vạn nó lấy Hán Trung kia.
Đêm hôm ấy, Ngải truyền lệnh nhổ trại, kéo ra đường nhỏ Âm Bình, cách cửa ải Kiếm Các bảy trăm dặm hạ trại.
Có người nói với Chung Hội rằng Đặng Ngải vào lấy Thành Đô, Hội cười Ngải là đồ ngu.
Lại nói, Đặng Ngải viết thư, sai sứ về báo tin với Tư Mã Chiêu, rồi hội các tướng lại hỏi rằng:
– Nay ta muốn thừa cơ đến lấy Thành Đô, cùng với các ngươi lập công danh về lâu về dài, các ngươi có nghe ta không?
Các tướng bẩm:
– Xin tuân lệnh tướng quân, dù chết cũng không từ.
Ngải mới sai con là Đặng Trung, dẫn ba ngàn tinh binh không mặc áo giáp, chỉ mang theo đục, búa, thuổng cuốc, phàm đi đến đâu, gặp núi non hiểm trở, thì phải xé núi mở đường, hoặc đóng cầu bắc sàn để quân đi cho tiện. Lại kéo ba vạn quân, sai mang lương khô và thừng chạc. Cứ đi được hơn trăm dặm, lại cho ba nghìn quân lập một ngọn trại ở lại. Tháng mười năm ấy, Ngải từ đường Âm Bình kéo quân đi. Đi hơn hai mươi ngày, ước bảy trăm dặm, toàn là chỗ non cao núi thẳm, không một bóng người. Quân Ngụy đi dọc đường lập trại ở lại, chỉ còn hai nghìn quân mã, đến một con núi gọi là Ma Thiên Lĩnh, ngựa không sao đi được nữa. Ngải đi bộ trèo lên núi đứng xem, thấy Đặng Trung và bọn tráng sĩ mở đường đang khóc lóc. Ngải hỏi tại sao, Đặng Trung kêu rằng:
– Sườn mé tây núi này toàn ngọn cao chót vót, vách đá dựng đứng, không sao mở được đường đi nữa, ổng phí mất biết bao nhiêu công lao, cho nên thương tiếc mà phải khóc.
Ngải nói:
– Quân ta đến đây, đi được hơn bảy trăm dặm rồi, qua khỏi chỗ này, tức là Giang Du, có lẽ nào trở lại…
Bèn gọi các quân đến bảo rằng:
– Không vào tận hang ổ, sao bắt được hổ con? Ta với các ngươi, đã đến chỗ này, nên cùng phải cố sức; nếu thành công, thì được hưởng phú quý với nhau.
Chúng xin tuân lệnh.
Ngải mới sai quân sĩ lên cả trên sườn núi, nội bao nhiêu khí giới ném xuống trước, rồi Ngải lấy chăn quấn vào mình, lăn xuống sau. Các tướng ai không có chăn thì quấn thừng, chạc vào lưng, rồi buộc đầu chạc lên cành cây lần lần mà tuột xuống, trông như chuỗi cá. Đặng Ngải, Đặng Trung và hai nghìn quân cùng năm nghìn tráng sĩ đều vượt qua Ma Thiên Lĩnh; ai nấy đều chỉnh đốn áo giáp, cầm đồ khí giới tiến đi. Chợt trông thấy ở bên cạnh đường có một cái bia đá, trên khắc “Bia này của thừa tướng Gia Cát Võ Hầu đề”. Dưới lòng bia có bốn câu rằng: “Hai hỏa mới dựng, có người qua đây, đôi Sĩ tranh nhau, chẳng được mấy ngày” Ngải trông thấy văn bia giật mình, bèn vào lạy mà rằng:
– Võ Hầu thực là thánh thần! Ngải tôi không được thờ làm thầy, tiếc thay!
Người sau có thơ rằng:
Âm bình chót vót ngất trời mây,
Hạc kiếp non cao ngại cánh bay,
Đặng Ngải biết đâu người đến đó,
Nào ngờ bia dựng đã bao rày!
Đây nói, Đặng Ngải qua khỏi núi Âm Bình, dẫn quân đi được một thôi, thấy có một cái trại to bỏ không. Hỏi ra mới biết là khi Võ Hầu còn sống sai một nghìn quân giữ đường hẻm ấy. Nay Thục chủ bỏ không giữ nữa. Ngải phàn nàn mãi không thôi, rồi bảo với mọi người rằng:
– Chúng ta chỉ còn đường đi chớ không còn đường về nữa rồi đây. Trước mắt là thành Giang Du, lương thóc đủ dùng. Chúng mày tiến lên thì sống, lui về thì chết, nên phải hết sức mà đánh mới được.
Chúng cùng tình nguyện cố chết mà đánh. Ngải liền đi bộ, dẫn hơn hai nghìn quân, bất kỳ ngày đêm, gấp đường đến thành Giang Du.
Tướng giữ thành Giang Du, tên là Mã Mặc, nghe tin Đông Xuyên mất rồi, tuy có phòng bị nhưng chỉ phòng mặt đường lớn, lại cậy có Khương Duy giữ chặt mặt Kiếm Các, cho nên coi thường. Khi ấy, Mặc luyện tập quân mã xong, trở về nhà, ngồi với vợ là họ Lý sưởi lò than, đánh chén. Người vợ hỏi rằng:
– Thiếp nghe tình hình ngoài biên cấp lắm, tướng quân không có ý lo lắng gí cả là cớ làm sao?
Mặc cười:
– Công việc lớn đã có Khương Bá Ước coi sóc rồi, có việc gì đến ta?
Người vợ nói:
– Đã đành rằng thế, nhưng tướng quân giữ thành cũng là việc trọng.
Mặc nói:
– Thiên tử tin nghe Hoàng Hạo, chỉ say mê tửu sắc, ta chắc cơ đồ hỏng đến nơi rồi. Nếu có quân Ngụy đến đây, chỉ hàng là hơn cả, can gì phải lo lắng cho mệt người.
Vợ nghe nói, nổi giận, phỉ nhổ vào mặt chồng, mắng rằng:
– Người là đàn ông, mang lòng bất trung bất nghĩa như thế, uổng mất tước lộc của nước, ta còn mặt mũi nào trông thấy ngươi nữa?
Mã Mặc thẹn đỏ mặt, không biết nói làm sao. Chợt có tin báo rằng:
– Tướng Ngụy là Đặng Ngải không biết đi lối nào đến đây, dẫn hơn hai nghìn quân, kéo ùa cả vào thành rồi.
Mặc giật mình, vội vàng ra lạy xin hàng, kêu rằng:
– Tôi có bụng muốn hàng đã lâu, nay xin chiêu dụ hết nhân dân trong thành và quân mã bản bộ, theo hàng cả tướng quân.
Ngải cho hàng, rồi thu hết quân mã trong thành để sử dụng, và sai Mã Mặc làm quan hướng đạo.
Có người báo rằng:
– Phu nhân Mã Mặc tự thắt cổ chết!
Ngải hỏi duyên cớ. Mặc thuật lại chuyện trước. Ngải khen là người trinh liệt, sai làm ma to tống táng, lại thân vào tế. Ai nghe thấy chuyện cũng than thở thương thay cho nàng ấy.
Người sau có thơ rằng:
Hậu chủ u mê, Hán ngả nghiêng,
Trời sai Đặng Ngải chiếm Tây Xuyên.
Tiếc thay Ba Thục nhiều danh tướng,
Thấy Lý nương nương chẳng dám nhìn?
Đặng Ngải lấy xong thành Giang Du, mới cho tụ hội các quân ở đường Âm Bình, ở trong thành, rồi đến lấy Bồi Thành.
Bộ tướng là Điền Tục can rằng:
– Quân ta vượt qua đường hiểm đến đây, sức mệt mỏi cả, nên hãy cho nghỉ ngơi vài ngày, rồi sẽ tiến binh.
Ngải nổi giận, nói:
– Việc quân cốt phải nhanh chóng, ngươi làm sao nói càn, làm nản lòng quân ta?
Bèn quát tả hữu lôi ra chém.
Các tướng hết sức can ngăn mới thôi.
Ngải tự đốc quân đến Bồi Thành. Quan quân trong thành thình lình thấy quân kéo đến, tưởng là quân trên trời sa xuống, chưa kịp phòng bị nên phải ra thành xin hàng. Người Thục phi báo về Thành Đô. Hậu chủ vội vàng đòi Hoàng Hạo vào hỏi. Hạo tâu rằng:
– Đó là họ đồn xằng đấy, thần thánh quyết không nói dối bệ hạ đâu.
Hậu chủ sai đòi bà đồng trước lại hỏi, thì không biết trốn đi đâu mất rồi. Bấy giờ xa gần dâng biểu vào cáo cấp, rối rít như canh hẹ, sứ giả đi lại nườm nượp, không lúc nào dứt. Hậu chủ khai chầu, họp các quan lại bàn bạc. Các quan đực mặt nhìn nhau, không ai nghĩ được kế gì.
Khước Chính tâu rằng:
– Việc đã cấp lắm rồi, xin bệ hạ cho vời con Võ Hầu vào bàn kế đánh giặc.
Nguyên con Võ hầu là Gia Cát Chiêm, tự là Tư Viễn, Mẹ họ Hoàng, con gái Hoàng Thừa Ngạn, mặt mũi xấu xa mà lắm tài lạ; thông hiểu cả thiên văn địa lý; phàm các sách thao lược, độn giáp, đều thuộc làu làu. Khi Võ Hầu ở Nam Dương, nghe tiếng là người tài, mới xin cưới làm vợ. Võ Hầu học giỏi, cũng nhiều điều nhờ có phu nhân giúp đỡ. Sau khi Võ Hầu mất, phu nhân không bao lâu cũng từ trần. Khi hấp hối, trối trăn lại, chỉ lấy sự trung hiếu khuyên con. Chiêm thông minh từ thuở nhỏ, lấy con gái Hậu chủ được làm phò mã đô úy; về sau tập tước của cha cũng gọi là Võ hương hầu. Năm Cảnh Diêu thứ tư được thăng làm Hành quân hộ vệ tướng quân. Bây giờ, Hoàng Hạo cầm quyền, nên cho thác bệnh ở nhà hữu dưỡng.
Khi ấy, Hậu chủ nghe lời Khước Chính, phát luôn ba đạo chiếu vời Chiêm vào triều bàn việc. Hậu chủ khóc, nói:
– Quân Đặng Ngải đã đóng ở Bồi Thành rồi, Thành Đô nguy cấp lắm. Ngươi nên nghĩ tình tiên quân mà cứu trẫm với.
Chiêm cũng khóc mà tâu rằng:
– Cha con nhà tôi, đội ơn dày của tiên đế và của bệ hạ, dù gan nát óc lầy cũng không đền báo được. Vậy xin bệ hạ đem hết quân ở Thành Đô cấp cho tôi, tôi xin lĩnh quân đi, quyết một trận tử chiến với quân giặc.
Hậu chủ tức thì cấp cho Gia Cát Chiêm bảy vạn tướng sĩ. Chiêm lạy từ Hậu chủ, thu xếp quân mã, rồi hội các tướng lại bảo rằng:
– Co ai dám tiên phong không?
Nói vừa dứt lời, một tướng trẻ tuổi bước ra tâu rằng:
– Phụ thân đã giữ đại quyền, con xin làm tiên phong.
Chúng nhìn xem ai thì là Gia Cát Thượng, con trưởng của Chiêm. Thượng bấy giờ mới 19 tuổi, xem binh thư đã nhiều, mà võ nghệ cũng giỏi. Chiêm thấy con xin đi, mừng lắm, liền cho làm tiên phong, ngay hôm ấy đại quân rời Thành Đô ra chống quân Ngụy.
Đây nói Đặng Ngải được Mã Mặc dâng một bản địa đồ, suốt từ Bồi Thành đến Thành Đô, dài ba trăm sáu mươi dặm; phàm các chỗ sông núi hiểm trở, đường sá rộng hẹp, vẽ rành rọt từng ly. Ngải xem xong, thất kinh nói rằng:
– Ta bằng giữ mãi Bồi Thành, nếu có quân Thục giữ chặn mé núi trước, thì bao giờ mới thành công? Vả lại dây dưa ngày tháng, Khương Duy kéo quân về thì quân ta nguy mất.
Vội vã gọi Sư Toản và Đặng Trung đến bảo rằng:
– Các ngươi nên dẫn quân đến tắt thành Miên Trúc mà đánh quân Thục, ta theo sau cũng dẫn quân đến ngay đấy. Chúng ngươi không được trễ nhát, nếu để quân Thục giữ trước đường hiểm yếu thì ta chém đầu đi đó!
Hai người dẫn quân sắp đến Miên Trúc, thì gặp ngay quân Thục. Hai bên dàn trận, Sư Toản, Đặng Trung kìm ngựa đứng trước cửa cờ, thấy quân bên Thục bày thế bát trận. Dứt ba hồi trống, cửa cờ mở ra, vài mươi viên tướng xúm xít đẩy một cỗ xe bốn bánh, trên xe có một người ngồi chững chạc, tay cầm quạt lông mình mặc áo hạc; có một lá cờ vàng đề mấy chữ “Hán thừa tướng Võ Cát Hầu”. Hai người rụng rời hết vía, mồ hôi đỗ ra như tắm, ngoảnh lại bảo với các quân sĩ rằng:
– Té ra Khổng Minh vẫn còn sống, chúng ta chết cả đến nơi rồi!
Lập tức quay về, quân Thục thừa thế đánh tràn vào, quân Ngụy thua chạy liểng xiểng. Quân Thục đánh đuổi hơn hai mươi dặm, gặp Đặng Ngải tiếp quân đến, hai bên mới cùng thu quân.
Ngải lên trướng ngồi, gọi hai người vào mắng rằng:
– Hai chúng ngươi không đánh mà chạy ngay, là cớ làm sao?
Trung kêu rằng:
– Chúng tôi thấy trong trận Thục có Khổng Minh cầm quân, bởi thế mới chạy về.
Ngải giận, nói:
– Dù có Khổng Minh sống lại đi chăng nữa, ta có sợ gì. Các ngươi dám khinh thường rút lui, đến nỗi thua như thế, nên chém để chỉnh quân pháp.
Chúng cố sức ngăn, Ngải mới nguôi cơn giận. Ngải bèn sai người đi do thám, thì mới biết con Khổng Minh là Gia Cát Chiêm làm đại tướng! Mà con Chiêm là Gia Cát Thượng làm tiên phong. Người ngồi trên xe là bộ tượng gỗ của Khổng Minh.
Ngải thấy thế, bảo với Sư Toản, Đặng Trung rằng:
– Được thua chỉ cốt trận này, nếu không đánh thắng, thì quyết chém đầu đó!
Sư, Đặng hai tướng lại dẫn một vạn quân ra đánh. Gia Cát Thượng một ngựa một thương, tinh thần hăng hái, đánh gạt hai tướng Ngụy đi. Gia Cát Chiêm thúc hai cánh quân xông vào trại Ngụy đánh loạn xạ một hồi, quân Ngụy chết không biết bao nhiêu mà kể. Sư Toản, Đặng Trung, hai người cùng bị thương chạy trốn. Chiêm thúc quân đuổi hơn hai mươi dặm mới trở về.
Sư, Đặng hai tướng trở về ra mắt Đặng Ngải. Ngải thấy hai người cùng bị thương, không trách mắng vội, bàn với các tướng rằng:
– Thục có Gia Cát Chiêm khéo nối được chí của cha, đánh nhau hai phen, giết hơn một vạn quân ta. Nay nếu không trừ cho nhanh, tất sinh vạ lớn.
Giám quân là Khâu Bản tâu rằng:
– Tướng quân sao không viết thư, sai người sang dụ có được không?
Ngải nghe lời, viết thư sai sứ đưa sang trại Thục. Tướng giữ cửa dẫn đến dưới trướng, dâng trình phong thư. Chiêm mở xem thư viết rằng:
– Chinh tây tướng quân Đặng Ngải, gửi thư tới dưới cờ của hành quân hộ vệ tướng quân Gia Cát Tư Viễn:
“Tôi nghe những bậc hiền tài thời nay, chưa ai sánh kịp tôn phụ của ông. Từ khi rời khỏi lều tranh, một lời đã chia làm ba nước, quét sạch Kinh, Ích, gây thành hiệp bá, xưa nay thật là ít có. Sau sáu lần ra Kỳ Sơn, không phải thiếu gì trí dũng, nhưng do số trời định sẵn. Nay Hậu chủ nhu nhược, khí vua đã hết. Ngải tôi phụng mệnh thiên tử, mang đại quân đánh Thục, đều đã lấy được thành trì. Thành Đô nguy trong sớm tối, sao ông không ứng mệnh trời, thuận lòng người, trọng nghĩa quay về? Ngải tôi sẽ tâu cho ông làm Lang nha vương để rạng rỡ tổ tiên; không dám nói hão, xin ông xét kỹ”.
Chiêm xem thư xong nổi giận, xé thư vất xuống đất, quát võ sĩ chém sứ giả, rồi cho đầy tớ xách đầu về cho Đặng Ngải.
Ngải giận lắm, muốn ra đánh ngay. Khâu Bản can rằng:
– Tướng quân chớ nên ra vội, nên dùng kỵ binh mà đánh.
Ngải nghe lời sai thái thú Thiên Thủy là Vương Kỳ, thái thú Lũng Tây là Khiên Hoằng phục hai toán quân ở mặt sau, rồi tự dẫn quân đến. Lúc ấy, Chiêm đang chực khiêu chiến, chợt nghe báo Đặng Ngải tới. Chiêm nổi giận, liền thúc quân ra, xong thẳng vào trận Ngụy. Ngải thua chạy, Chiêm thúc quân đuổi riết, bỗng nhiên hai toán phục đổ ra, quân Thục đại bại, chạy vào thành Miên Trúc. Ngải sai quân bổ vây kín cả bốn mặt thành.
Gia Cát Chiêm thấy thế nguy cấp, sai Bành Hòa cầm thư sang Đông Ngô cầu cứu. Hòa đến Đông Ngô ra mắt Ngô chủ là Tôn Hưu, dâng thư cáo cấp.
Ngô chủ xem thư, bảo với quần thần rằng:
– Thục đã nguy cấp thế này, trẫm lẽ nào ngồi nhìn cho đành?
Lập tức sai lão tướng Đinh Phụng làm chủ soái; Đinh Phong, Tôn Dị làm phó tướng, dẫn năm vạn quân đến cứu Thục. Đinh Phụng lĩnh chỉ dẫn quân đi, chia cho Đinh Phong, Tôn Dị dẫn hai vạn quân tiến ra Miện Trung, mình thì dẫn ba vạn quân ra Thọ Xuân, chia làm ba đường vào cứu.
Đây nói, Gia Cát Chiêm chờ đợi quân cứu mãi không thấy đến, bèn bảo với các tướng rằng:
– Ta giữ mãi ở đây cũng không xong.
Bèn để con là Gia Cát Thượng cùng với thượng thư Trương Tuấn giữ thành, còn mình nai nịt lên ngựa, dẫn quân mở toang ba cửa kéo ra. Đặng Ngải thấy quân Thục kéo ra, bèn rút quân lui về. Chiêm hăng sức thúc quân đuổi đánh. Bỗng nổi một hiệu pháo, quân bốn mặt vây kín cả lại. Chiêm dẫn quân tả xung hữu đột, giết chết quân Ngụy vài trăm. Ngải sai quân bắn tên vào, quân Thục tan vỡ. Chiêm bị trúng tên, ngã ngựa kêu lên rằng:
– Sức ta đã kiệt rồi, xin đem cái chết này để báo nước!
Nói đoạn rút kiếm tự vẫn chết.
Con là Gia Cát Thượng, thấy cha chết trong đám loạn quân, nổi giận đùng đùng, mặc giáp lên ngựa.
Trương tuấn can rằng:
– Tiểu tướng chớ nên vội ra.
Thượng than rằng:
– Cha con, ông cháu nhà ta, đều đội ơn sâu nhà nước. Nay cha ta đã chết với giặc rồi, ta còn sống làm gì?
Nói đoạn, quất ngựa xông ra, bị chết trong trận Ngụy. Người sau có thơ khen cha con Chiêm, Thượng rằng:
Có phải trung thần kém mẹo đâu?
Lòng trời không tựa vận Viêm, Lưu!
Mới hay con cháu nhà dòng dõi,
Tiết nghĩa còn lưu tiếng Võ Hầu.
Đặng Ngải thương là người trung nghĩa, đem lại cha con hợp táng tại một nơi, rồi thừa cơ đánh Miên Trúc.
Bấy giờ trong thành còn có Trương Tuấn, Hoàng Sùng, Lý Cầu, dẫn quân ra đánh. Quân Thục có ít, không địch nổi quân Ngụy, ba người cùng chết trận. Đặng Ngải hạ được thành Miên Trúc, khao thưởng đâu đấy, lại dẫn quân đến Thành Đô.
Ấy là:
Thử xem Hậu chủ khi nguy biến,
Có khác Lưu Chương lúc nhiễu nhương?
Chưa biết Thành Đô sự thể làm sao, xem hồi sao phân giải.
Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.