Tam quốc diễn nghĩa hồi 53: Quan Vân Trường tha Hoàng Trung không giết, Tôn Trọng Mưu đánh Trương Liêu bị thua

Quan Vân Trường tha Hoàng Trung không giết

Tôn Trọng Mưu đánh Trương Liêu bị thua

Khổng Minh bảo với Trương Phi rằng:

– Khi trước Tử Long ra lấy Quế Dương, phải lập tờ quân lệnh mới được đi. Nay Dực Đức muốn ra lấy Võ Lăng, cũng phải làm như thế.

Trương Phi liền lập tờ quân lệnh, và hớn hở lĩnh ba nghìn quân, cấp tốc đến Võ Lăng.

Kim Toàn nghe tin Trương Phi đến, liền tụ tập tướng sĩ kéo ra nghênh địch. Quan tòng sự là Củng Chí can rằng:

– Lưu Huyền Đức là hoàng thúc nhà Hán, nhân nghĩa tưới khắp cả thiên hạ. Thêm vào đó, Trương Phi khoẻ mạnh lạ thường, không thể địch nổi, chi bằng đầu hàng là hơn.

Kim Toàn nổi giận nói:

– Mày muốn thông đồng với giặc làm tay trong à?

Lập tức quát võ sĩ lôi ra chém. Tướng tá xúm lại kêu xin, nói:

– Chưa xuất quân đã chém người nhà, như thế không lợi!

Toàn mới mắng đuổi Chí ra, rồi dẫn quân ra ngoài thành, chưa được hai chục dặm thì gặp Trương Phi đến. Phi dừng ngựa, chỉ mâu quát mắng Kim Toàn. Toàn hỏi bộ tướng:

– Ai dám ra địch?

Người nào người nấy luống cuống, sợ hãi, không dám ra. Toàn phải tế ngựa múa đao ra đón đánh. Phi gầm lên một tiếng như sét đánh. Kim Toàn mất vía, không dám giao phong, quay ngựa chạy về. Phi dẫn quân đuổi theo đánh giết túi bụi. Kim Toàn chạy về đến dưới thành, thì bên trên tên bắn xuống như mưa. Toàn giật mình, trông lên thấy Củng Chí đứng ở trên mặt thành nói rằng:

– Ngươi không theo thiên thời, tự rước lấy bại vong, ta cùng bách tính đầu hàng Lưu hoàng thúc vậy!

Củng Chí nói chưa dứt lời thì một mũi tên bắn tin vào mặt Kim Toàn. Toàn ngã nhào xuống ngựa. Quân sĩ cắt ngay đầu, nộp Trương Phi Củng Chí ra thành xin hàng. Phi sai Chí mang ấn tín đến Quế Dương ra mắt Huyền Đức. Huyền Đức mừng lắm, cho ngay Củng Chí thay chức Kim Toàn.

Huyền Đức thân đến Võ Lăng phủ dụ nhân dân, rồi viết thư báo cho Vân Trường biết tin Tử Long, Dực Đức, mỗi người đã lấy được một quận. Vân Trường viết thư về nói:

“Còn lại một quận Trường Sa nếu huynh trưởng không coi em là kẻ bất tài, xin giao cho em được giành được công lao đó thì hay lắm!”

Huyền Đức mừng rỡ, bằng lòng để Vân Trường đi lấy Trường Sa. Về đến nơi, Vân Trường vào ra mắt Huyền Đức và Khổng Minh. Khổng Minh nói:

– Khi Tử Long lấy Quế Dương. Dực Đức lấy Võ Lăng, đều chỉ đem có ba nghìn quân thôi. Nay thái thú Trường Sa là Hàn Huyền, tuy chẳng ra gì, nhưng hắn có một viên đại tướng là Hoàng Trung, tự là Hán Thăng, quê ở Nam Dương tướng cũ của Lưu Biểu, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ Trường Sa; về sau Hoàng Trung theo Hàn Huyền. Nay tuy gần sáu mươi tuổi, nhưng sức địch muôn người, chớ nên coi thường. Vân Trường có đi, thì phải đem nhiều quân mã mới được.

Vân Trường nói:

– Sao quân sư lại đề cao người khác mà làm giảm oai phong nhà mình thế? Cái thứ lính già ấy, có kể vào đâu! Tôi không cần đến ba nghìn quân mã, chỉ xin đem năm trăm quân của tôi, quyết chém đầu Hoàng Trung, Hàn Huyền về dâng dưới trướng.

Huyền Đức cố gàn lại, nhưng Vân Trường nhất định không nghe, chỉ đem năm trăm quân bản bộ đi.

Khổng Minh nói với Huyền Đức rằng:

– Vân Trường khinh thường Hoàng Trung, tôi e lỡ việc. Chúa công nên đi tiếp ứng cho.

Huyền Đức nghe lời, sau đó cũng dẫn binh tiến đến Trường Sa.

Lại nói, thái thú ở Trường Sa là Hàn Huyền, xưa nay tính khí nóng nảy, giết người như ngoé, ai cũng oán ghét. Bấy giờ nghe tin Vân Trường đến, Huyền liền gọi lão tướng Hoàng Trung vào bàn bạc.

Trung nói:

– Chúa công cứ yên tâm, chỉ một con dao với một cái cung này, một nghìn đứa lại thì một nghìn đứa chết!

Nguyên Hoàng Trung có sức khoẻ giương được cung hai tạ, bắn trăm phát tin cả trăm. Trung vừa nói chưa dứt lời, thì có một người ở dưới thềm bước ra thưa:

– Không cần đến lão tướng quân phải ra đánh, chỉ một tay tôi cũng bắt sống được Quan Vũ đem về.

Hàn Huyền trông xem ai, thì là quản quân hiệu uý là Dương Linh. Huyền mừng lắm, sai ngay Dương Linh dẫn một nghìn quân ra nghênh chiến. Linh đi độ năm chục dặm thấy bụi bay mù mịt, quân Vân Trường đã kéo đến. Dương Linh vác giáo ra ngựa, đứng trước trận mắng nhiếc thách đánh. Vân Trường giận lắm, chẳng nói nửa lời, tế ngựa múa đao xông ngay vào đánh. Dương Linh giơ giáo đón đỡ. Chưa được ba hiệp, Linh bị Vân Trường chém nhào xuống ngựa, rồi đuổi đánh quân Linh đến tận dưới thành.

Hàn Huyền thấy vậy kinh hãi vô cùng, liền sai Hoàng Trung ra đánh. Huyền lên mặt thành đứng xem. Trung cắp đao lên ngựa, dẫn năm trăm kỵ binh vượt qua cầu treo. Vân Trường thấy một lão tướng xông ra biết là Hoàng Trung, cũng dàn năm trăm quân của mình thành hàng chữ nhất, rồi cắp ngang thành long đao ghìm ngựa hỏi:

– Tướng kia có phải là Hoàng Trung đó không?

Trung đáp:

– Đã biết tiếng ta, sao dám xâm phạm bờ cõi của ta?

Vân Trường nói:

– Ta lại đây chỉ cốt lấy đầu ngươi đó thôi!

Nói đoạn, xông vào chiến đấu, hơn một trăm hiệp chưa phân thắng bại. Hàn Huyền sợ Hoàng Trung túng thế, vội khua chiêng thu quân. Hoàng Trung dẫn quân vào thành. Vân Trường cũng rút quân lui, cách thành mười dặm hạ trại.

Vân Trường nghĩ thầm rằng:

“Lão tướng này, tiếng đồn không sai, đánh nhau tới hàng trăm hiệp không sơ hở chút nào. Ngày mai ta sẽ dùng kế đà đao, quay lưng lại chém mới xong”.

Hôm sau, cơm sáng no nê, Vân Trường lại đến khiêu chiến. Hàn Huyền ngồi trên mặt thành, sai Hoàng Trung ra ngựa. Trung lại dẫn vài trăm quân kỵ mã vượt cầu treo ra đánh nhau với Vân Trường, tới năm sáu chục hiệp mà vẫn chưa phân được thua. Quân hai bên vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Trống đang thúc dồn dập thì Vân Trường quay ngựa chạy về, Hoàng Trung đuổi theo. Vân Trường sắp sửa quay đao chém vật lại, bỗng nghe sau lưng “huỵch” một tiếng, vội ngoảnh lại thấy Hoàng Trung bị ngựa sa chân trước, ngã lăn xuống đất. Vân Trường liền quay ngựa lại, hai tay giơ thanh long đao thét lớn:

– Ta hãy tha tính mạng cho ngươi, mau mau về đổi ngựa khác ra đánh nữa.

Hoàng Trung vội vàng đứng dậy, nhảy lên ngựa chạy tế vào thành, Hàn Huyên kinh hãi, hỏi nguyên nhân, Trung thưa:

– Con ngựa này lâu nay không ra trận mạc, cho nên lỡ xảy ra làm vậy.

Huyền hỏi:

– Ngươi bắn tên trăm phát trăm trúng, làm sao không bắn?

Trung đáp:

– Ngày mai đánh nữa, tôi sẽ giả vờ thua, dử y đến bên cầu treo mà bắn.

Huyền đưa con ngựa xám của mình cho Hoàng Trung. Trung bái tạ trở ra, trong bụng nghĩ thầm:

“Hiếm người được nghĩa khí như Vân Trường! Hắn đã không nỡ hại ta, ta sao nỡ giết hắn? Mà không bắn, thì sợ trái tướng lệnh!”

Suốt đêm nghĩ đi nghĩ lại, Hoàng Trung không biết quyết định bề nào cho phải.

Sáng sớm hôm sau, có tin Vân Trường lại đến khiêu chiến. Trung lĩnh quân ra thành. Vân Trường hai hôm không đánh đổ được Hoàng Trung, bực dọc vô cùng, liền hăm hở ra sức đánh đỡ. Chưa đầy ba chục hiệp, Trung giả thua chạy. Vân Trường đuổi theo. Trung nghĩ ân tình hôm trước, không nỡ bắn ngay, bèn cài đao vào bao và giương cung bắn dây không. Vân Trường né tránh nhưng không thấy có tên bay đến, lại đuổi. Trung lại bắn dây không lần nữa. Vân Trường lại lánh, nhưng vẫn không thấy tên, cho là Hoàng Trung không biết bắn, càng vững dạ đuổi theo. Khi sắp đến đầu cầu, Hoàng Trung đứng trên cầu, giương cung đặt tên, bắn một phát, tin ngay vào quai mũ Vân Trường. Quân trước mặt reo ầm cả tên. Vân Trường giật mình, đeo cả tên chạy về trại. Bấy giờ Vân Trường mới biết Hoàng Trung có tài bắn xuyên lá liễu cách xa hàng trăm bước. Bữa nay sở dĩ bắn lên chỏm mũ mình là có ý báo ơn không giết hôm trước đó thôi.

Hoàng Trung về thành, ra mắt Hàn Huyền. Huyền quát tả hữu trói Trung lại. Trung kêu là vô tội. Huyền mắng rằng:

– Ta nhận xét ròng rã ba hôm nay, người còn dám dối ta à? Hôm đầu, ngươi không đánh hết sức, tất có bụng tây vị; hôm qua, ngã ngựa, hắn không giết, thế là thông đồng với nhau; hôm nay, hai lần ngươi bắn dây không, đến lần thứ ba lại chỉ bắn vào quai mũ, thế có phải là ngươi với hắn vẫn thông đồng với nhau không? Nếu không giết ngươi đi, tất để mối lo về sau.

Liền quát tay đao phủ lôi Hoàng Trung ra ngoài cửa thành chém đầu. Các tướng định vào kêu van, Huyền nói:

– Hễ ai kêu van cho Hoàng Trung, tức là đồng loã!

Quân vừa đưa Hoàng Trung ra đến cửa, sắp sửa khai đao, bỗng có một tướng khoa đao đánh thốc vào pháp trường, chém chết ngay tay đao phủ, cứu được Hoàng Trung, rồi thét lớn:

– Hoàng Hán Thăng là thành luỹ xứ Trường Sa, nay giết Hán Thăng thì khác gì giết cả trăm họ Trường Sa. Hàn Huyền là thằng tàn bạo bất nhân, khinh miệt hiền sĩ, ta nên giết đi mới phải! Ai đi theo ta thì lại cả đây!

Mọi người nhìn xem, té ra là Nguỵ Diên người ở Nghĩa Dương, mặt đỏ như gấc, mắt như sao băng. Nguyên Nguỵ Diên từ khi ở thành Tương Dương chạy theo Huyền Đức không kịp, liền đến theo Hàn Huyền. Huyền ghét Diên là người kiêu ngạo, không chịu trọng dụng, nên Diên ẩn náu ở đó. Hôm ấy, cứu được Hoàng Trung, Diên rủ trăm họ đi giết Hàn Huyền. Diên vừa hô một tiếng hơn một trăm người theo liền. Hoàng Trung cản lại không được. Diên đánh thẳng lên mặt thành, khoa đao chém đứt đôi Hàn Huyền rồi xách đầu dẫn bá tính ra hàng Vân Trường.

Vân Trường mừng lắm, vào thành phủ dụ dân chúng, rồi mời Hoàng Trung vào chơi; Trung cáo ốm, từ chối. Vân Trường sai người về mời Huyền Đức, Khổng Minh đến.

Nói về Huyền Đức, từ khi Vân Trường đi lấy Trường Sa, cùng với Khổng Minh đem gấp quân đi sau tiếp ứng. Đang đi, bỗng nhiên có một cơn gió nổi lên cuốn đổ lá cờ xanh. Một con quạ tự bắc bay về nam, kêu ba tiếng rồi bay mất.

Huyền Đức hỏi:

– Thế là điềm gì?

Khổng Minh đang cưỡi ngựa, bấm tay xem một quẻ đáp:

– Điềm này chắc chắn Vân Trường đã lấy được Trường Sa, và được thêm một đại tướng nữa, đến giờ ngọ nhất định có tin về báo.

Được một lát, quả nhiên có một tên lính chạy về báo rằng:

– Quan tướng quân đã lấy được Trường Sa, và được thêm hai hàng tướng là Hoàng Trung, Nguỵ Diên nữa. Hiện Quan tướng quân đang mong đợi chúa công đến để yên dân.

Huyền Đức mừng lắm, dẫn quân vào thành. Vân Trường ra đón vào trong nha, thuật lại chuyện Hoàng Trung cho Huyền Đức nghe. Huyền Đức thân đến tận nhà Hoàng Trung mời, bấy giờ Hoàng Trung mới chịu hàng và xin chôn cất Hàn Huyền ở phía đông thành.

Đời sau có thơ khen Hoàng Trung rằng:

Tướng quân khí khái lớn tày trời,

Đầu bạc phơ phơ dạ chẳng dời.

Dù chết cũng cam không oán giận,

Cúi đầu hổ thẹn chịu hàng người.

Tuyết pha gươm báu khoe tài mạnh,

Gió cuốn chân câu vẫn đánh hoài!

Danh tiếng nghìn thu còn nhớ mãi,

Tương đàm vằng vặc bóng trăng soi

Huyền Đức đãi Hoàng Trung tử tế lắm, Vân Trường lại đưa Nguỵ Diên vào ra mắt. Khổng Minh sai võ sĩ lôi ra chém. Huyền Đức giật mình hỏi:

– Nguỵ Diên là người có công, không tội tình gì, sao quân sư lại giết đi?

Khổng Minh nói:

– Ăn lộc của chủ mà giết chủ, thế là người bất trung; ở đất ấy mà lại dâng đất ấy, thế là quân bất nghĩa. Vả lại, tôi xem sau gáy hắn có cái phản cốt, mai sau tất sinh lòng phản nghịch, cho nên chém trước để trừ vạ sau này!

Huyền Đức ngăn lại, nói:

– Nếu chém hắn đi, tôi e những người theo hàng khác sợ hãi, mong quân sư hãy tha cho hắn.

Khổng Minh trỏ vào mặt Nguỵ Diên, bảo rằng:

– Nay ta hãy tha chết cho, ngươi hãy hết lòng báo chúa, không được manh tâm này khác. Nếu ăn ở hai lòng ta sẽ lấy đầu đó!

Nguỵ Diên dạ dạ mấy tiếng lui ra.

Hoàng Trung tiến cháu Lưu Biểu là Lưu Bàn, hiện đang nghỉ ở Duy Xuyên. Huyền Đức triệu đến, cho coi quận Trường Sa. Bốn quận bình định đâu đấy, Huyền Đức thu quân về Kinh Châu, đổi tên cửa Du Giang là huyện Công An. Từ đó Huyền Đức lắm tiền nhiều lương, hiền sĩ tấp nập theo về, chia quân mã đóng đồn bốn phía, trấn giữ các cửa ải.

Lại nói, từ khi Chu Du về Sài Tang dưỡng bệnh, sai Cam Ninh giữ quận Ba Lăng, Lăng Thống giữ quận Hán Dương; hai nơi này đều phải sắp sẵn chiến thuyền đợi lệnh. Còn Trình Phổ thì dẫn các tướng sĩ đến Hợp Phì.

Nguyên Tôn Quyền, từ sau trận Xích Bích, vẫn đóng quân tại gần Hợp Phì, đánh nhau với quân Tào, lớn nhỏ đánh hơn chục trận, thắng bại chưa phân. Quyền phải hạ trại cách thành năm chục dặm, không dám đóng gần thành. Nghe tin Trình Phổ kéo quân đến, Quyền mừng lắm, thân ra ngoài dinh uý lao quân sĩ. Có tin báo Lỗ Túc đến trước, Quyền xuống ngựa đứng đợi. Túc thấy thế cuống cuồng nhảy xuống ngựa, thi lễ. Các tướng thấy Quyền kính trọng Lỗ Túc như thế, ai cũng ngạc nhiên. Quyền mời Túc lên ngựa, dóng cương cùng đi và bảo nhỏ Túc rằng:

– Ta xuống ngựa đón tiếp như thế, ngươi đã thấy vẻ vang chưa?

Túc nói:

– Bẩm chưa ạ?

Quyền hỏi:

– Thế nào mới là vẻ vang?

Túc đáp:

– Chỉ mong chúa công uy đức bao trùm cả chín chúa, gây thành đế nghiệp, cho tôi được ghi tên vào tre lụa, mới là vẻ vang.

Quyền vỗ tay cười ầm lên. Vào tới trướng, Quyền mở đại tiệc khao thưởng các tướng sĩ, và bàn việc đánh Hợp Phì.

Chợt có tin Trương Liêu sai người đến khiêu chiến thư đến, Tôn Quyền mở thư xem, giận quá, nói:

– Trương Liêu khinh ta lắm! Hắn thấy Trình Phổ vừa đem quân đến nên cố ý cho người khiêu chiến. Ngày mai ta không cần đem quân mới ra chỉ dẫn quân cũ đánh một trận thật to, xem làm sao!

Lập tức truyền lệnh cho ba quân, canh ba đêm hôm ấy kéo kéo sang thành Hợp Phì.

Khoảng giờ thìn, quân mã đi được nửa đường thì vừa gặp quân Tào. Hai bên dàn trận. Tôn Quyền đội mũ chỏm vàng, mặc áo giáp vàng, nai nịt gọn ghẽ cưỡi ngựa ra trận. Bên tả có Tống Khiêm, bên hữu có Giả Hoa, cầm hai ngọn kích đứng hộ vệ. Dứt ba hồi trống, về phía trận quân Tào cửa cờ mở toang, ba viên tướng nhung phục chỉnh tề đứng đợi: Trương Liêu ở giữa, Lý Điển bên tả, Nhạc Tiến bên hữu. Trương Liêu tế ngựa ra, thách Tôn Quyền quyết chiến. Quyền múa thương muốn ra, thì Thái Sử Từ đã vác giáo tế ngựa ra trước. Hai tướng đấu nhau bảy tám mươi hiệp, chưa phân thắng bại, Lý Điển bảo với Nhạc Tiến:

– Trước mặt có người đội mũ chỏm vàng, đó là Tôn Quyền, nếu bắt sống được hắn, thì báo thù được cho tám mươi ba vạn đại quân của ta.

Điển nói chưa dứt lời, Nhạc Tiến một đao một ngựa nhanh như chớp, cất lẻn lướt thẳng đến chỗ Tôn Quyền, khoa đao chém xuống. Tống Khiêm, Giả Hoà vội vàng giơ hoạ kích ra đỡ; Tiến lia một nhát dao, hai ngọn kích gãy cụt. Hai người chỉ còn hai cái cán kích, cứ nhè đầu ngựa mà giọt. Tiến phải quay ngựa chạy về. Tống Khiêm giật ngọn giáo ở trong tay quân sĩ đuổi theo. Lý Điển giương cung bắn giữa bụng Tống Khiêm, Tống Khiêm nhào luôn xuống ngựa. Thái Sử Từ nghe phía sau có người ngã ngựa liền bỏ Trương Liêu chạy về trận. Liêu thừa thế đánh dấn vào, quân Ngô bối rối, chạy tán loạn, Liêu trông thấy Tôn Quyền, thúc ngựa đuổi theo, gần sát đến nơi, thì một toán quân thọc ra, đi đầu là Trình Phổ, chặn đánh một trận, cứu được Tôn Quyền, Trương Liêu thu quân về Hợp Phì.

Trình Phổ bảo vệ Tôn Quyền về trại, quân sĩ lục tục kéo về sau. Quyền thấy mất Tống Khiêm khóc ầm cả lên.

Trưởng sử là Trương Hoành nói rằng:

– Chúa công cậy thế hùng mạnh, coi thường quân giặc, để cho ba quân ai cũng rùng mình. Giá thử có chém được tướng, cướp được cờ, uy danh lừng lẫy chiến trường, cũng là việc của một người tướng mọn, chớ không phải việc chúa công! Xin chúa công hãy bỏ cái tính cậy khoẻ của Mạnh Bôn, Hạ Dục[1] lại, để nghĩ đạo vương bá mới phải. Vả lại, Tống Khiêm chết trong đám tên đạn cũng vì chúa công khinh địch gây ra. Từ rày trở đi, mong chúa công giữ gìn cẩn thận mới được.

Quyền tạ rằng:

– Đó quả là lỗi tại ta, sẽ xin sửa chữa.

Một lát, Thái Sử Từ vào trướng bẩm rằng:

– Tôi có một tên thủ hạ là Qua Định, có bà con với tên giám mã của Trương Liêu. Nhân tên này bị Liêu đánh mắng oán giận lắm. Chiều nay, hắn sai người đến báo tin đốt lửa làm hiệu, đâm chết Trương Liêu, để báo thù cho Tống Khiêm. Vậy tôi xin mang quân đến làm ngoại ứng.

Quyền hỏi:

– Qua Định ở đâu?

– Nó đã lẻn vào trong thành Hợp Phì rồi, tôi xin lĩnh năm nghìn quân mã đi đây.

Gia Cát Cẩn nói:

– Trương Liêu là người đa mưu, hắn tất phòng bị trước, không nên vội vàng.

Quyền vì thương xót Tống Khiêm, nóng muốn báo thù, liền sai Từ dẫn năm nghìn quân làm ngoại ứng.

Qua Định nguyên là người làng với Từ. Hôm ấy, đi lẻn vào đám quân Tào, theo về Hợp Phì, tìm thấy tên giám mã. Hai tên bàn nhau.

Qua Định nói:

– Tôi đã sai người đi báo tin cho Thái Sử Từ rồi. Đêm nay thế nào cũng đến tiếp ứng. Anh định kế hoạch ra sao?

Tên giám mã nói:

– Chỗ này cách trung quân khá xa, đêm khuya không kịp tới được. Chỉ nên ra đốt đống cỏ, rồi anh chạy ra kêu ầm lên là có bọn phiến loạn, tất nhiên quân sĩ trong thành sẽ bối rối, nhân đó giết chết Trương Liêu.

Qua Định nói:

– Kế ấy hay lắm!

Đêm đó, Trương Liêu thắng trận trở về, khao thưởng ba quân, rồi truyền lệnh cho tướng sĩ không được cởi áo giáp nằm nghỉ. Tả hữu bẩm:

– Hôm nay thắng trận, quân Ngô phải trốn xa cả, sao tướng quân không cởi giáp nghỉ ngơi?

Liêu nói:

– Không phải rồi! Khéo làm tướng đừng thấy được mà mừng, đừng thấy thua mà lo. Phỏng thử quân Ngô đoán ta không phòng bị, thừa cơ đến đánh úp thì ta lấy gì chống lại? Vậy đêm nay ta phải cẩn thận hơn mọi đêm mới được.

Liêu nói chưa dứt lời thì mé sau trại đã bốc cháy, tiếng kêu phản ầm ĩ, người đến báo tin như mắc cửi. Trương Liêu ra trướng lên ngựa, gọi hơn chục tướng tá tâm phúc đứng chặn ngang đường.

Tả hữu bẩm:

– Tiếng reo gấp lắm, hãy đến đó xem sao.

Liêu nói:

– Không có lẽ toàn thành làm phản, đó là quân phiến loạn cố ý làm kinh động quân sĩ đấy thôi. Nếu ai xôn xao thì chém!

Được một lát, Lý Điển bắt được Qua Định và tên giám mã dẫn lại. Liêu tra khảo biết rõ được mưu mô, lập tức chém hai tên ấy ở trước ngựa. Lại nghe thấy ngoài thành đánh trống khua chiêng, hò reo inh ỏi cả lên. Liêu nói:

– Đây hẳn là quân Ngô đến làm ngoại ứng, ta nên nhân kế của địch mà phá.

Liền sai người đốt một đám lửa ở trong thành, reo hò làm phản, rồi mở toang cửa thành ra, buông cầu treo xuống. Thái Sử Từ thấy cửa thành mở toang, chắc có nội biến, vội vác giáo tế ngựa xông vào trước. Bỗng trong thành nổ một tiếng pháo, tên bắn xuống như mưa, Từ vội vã rút lui thì mình đã bị trúng mấy mũi tên. Sau lưng lại có Lý Điển, Nhạc Tiến đuổi đánh; quân Ngô tổn hại quá nửa. Hai tướng thừa thế đuổi đến tận cửa trại. Lục Tốn, Đổng Tập đổ ra cứu Từ, lúc ấy quân Tào mới chịu rút về.

Tôn Quyền thấy Thái Sử Từ bị tên đau nặng, lại càng thương cảm. Trương Chiêu khuyên Tôn Quyền bãi binh. Quyền nghe lời, thu quân xuống thuyền kéo về Nam Từ, Nhuận Châu. Từ đau nặng quá, Quyền sai Trương Chiêu đến thăm. Từ kêu to lên rằng:

– Đại trượng phu sinh trong thời loạn, nên đeo ba thước gươm lập nên công trạng bất hủ, nay chưa thoả chí sao đã chết thế này?

Từ kêu xong thì mất, mới có bốn mốt tuổi.

Người sau có thơ rằng:

Thái Sử Từ Đông Lai,

Trung hiếu vẹn cả hai,

Danh tiếng vang thiên hạ,

Cung ngựa tỏ nghề tài,

Bắc Hải đền ơn khách,

Thần Đình mải đánh dai.

Lâm chung còn khảng khái,

Ai ai cũng cảm hoài!

Tôn Quyền nghe tin Từ mất, thương xót vô cùng, sai làm ma to, táng ở núi Bắc Cố, quận Nam Từ, rồi đem con Từ là Thái Sử Hanh về nuôi trong phủ.

Nhắc đến Huyền Đức ở Kinh Châu, nghe tin Tôn Quyền thua ở Hợp Phì rút về Nam Từ, liền mời Khổng Minh vào bàn bạc.

Khổng Minh nói:

– Ban đêm, tôi xem thiên văn, thấy mé tây bắc có một ngôi sao sa xuống đất, tất thiệt mất người hoàng tộc.

Đang bàn chuyện, thì có tin công tử Lưu Kỳ tạ thế. Huyền Đức được tin, thương khóc thê thảm. Khổng Minh khuyên giải rằng:

– Người ta sống chết có số, chúa công không nên sầu não có hại đến sức khoẻ. Xin hãy giải quyết việc lớn là cho người sang đó coi giữ thành trì và lo liệu việc tang.

Huyền Đức hỏi:

– Nên sai ai đi?

Khổng Minh thưa:

– Việc ấy không có Vân Trường không xong.

Liền sai Vân Trường cất quân đến trấn thủ Tương Dương.

Huyền Đức lại hỏi:

– Nay Lưu Kỳ đã mất, Đông Ngô tất lại đòi Kinh Châu, thì ăn nói ra sao?

Khổng Minh nói:

– Có người lại, tôi sẽ có cách đối phó.

Được nửa tháng, có tin báo Lỗ Túc ở Đông Ngô đến viếng tang.

Đó là:

Dàn mưu nghĩ mẹo sẵn sàng,

Chỉ chờ Ngô sứ bước sang đối lời.

Chưa biết Khổng Minh đối đáp ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

   

Hãy đăng ký thành viên tại đây để có thể bình luận & đóng góp nội dung bạn nhé.